Giảm liên tục, giá dầu chạm đáy 8 tháng
Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chạm mức thấp nhất 8 tháng
Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chạm mức thấp nhất 8 tháng, sau khi Mỹ áp dụng miễn trừ cho phép 8 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục được nhập khẩu dầu từ Iran mà không phải chịu sự trừng phạt của Washington.
Theo hãng tin Reuters, áp lực giảm giá đối với dầu tăng lên khi Iran tuyên bố rằng nước này hiện vẫn có thể xuất khẩu dầu ở mức mà Tehran cần. Ngoài ra, Iran cũng kêu gọi các nước châu Âu phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ để bảo vệ Iran khỏi những tác động bất lợi của các biện pháp trừng phạt.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent tại thị trường London mất 1,04 USD/thùng, tương đương giảm 1,42%, còn 72,13 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - có lúc giảm còn 71,18 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 16/8.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI chốt phiên giảm 0,89 USD/thùng, tương đương giảm 1,41%, còn 62,21 USD/thùng. Mức đáy trong phiên của giá dầu WTI là 61,31 USD/thùng, thấp nhất từ ngày 16/3.
Hôm thứ Hai, Mỹ nối lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu lửa, ngân hàng và giao thông của Iran, đồng thời cảnh báo sẽ gia tăng trừng phạt nếu Tehran không cắt giảm các hoạt động hạt nhân và tên lửa cũng như giảm bớt ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. Trong khi đó, các nước châu Âu tiếp tục giữ thỏa thuận hạt nhân với Iran, dù Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này từ tháng 5 vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói mục đích của Washington là khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm về 0, nhưng sự miễn trừ có hiệu lực trong 180 ngày đã được cấp cho 8 khách hàng mua dầu của Iran gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Hy Lạp, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm 8 nền kinh tế này chiếm khoảng 3/4 lượng dầu xuất khẩu qua đường biển của Iran, đồng nghĩa với việc Iran vẫn có thể xuất khẩu một lượng dầu đáng kể trong 3 tháng tới đây.
Giới chuyên gia ước tính rằng xuất khẩu dầu của Iran đã giảm 40-60% từ tháng 5, khi ông Trump tuyên bố sẽ tái áp các biện pháp trừng phạt lên Tehran. Tuy nhiên, sự miễn trừ có thể sẽ giúp xuất khẩu dầu của Iran tăng sau tháng 11.
Ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch công ty Ritterbusch & Associates nói rằng chỉ riêng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ không đẩy giá dầu tăng cao. "Có vẻ như riêng nhân tố Iran sẽ không thể đẩy giá dầu lên cao hơn nếu như không có sự trợ giúp của các yếu tố khác như thị trường chứng khoán đi lên, đồng USD xuống giá bền vững, hoặc OPEC hạ sản lượng khai thác dầu", ông Ritterbusch viết trong một báo cáo.
Giá dầu còn đang đối mặt sức ép giảm từ những mối lo về nhu cầu. Xung đột thương mại Mỹ-Trung đe dọa tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi đồng tiền mất giá đang gây áp lực đối với nhiều nền kinh tế ở khu vực châu Á.
Về phía nguồn cung, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo đạt trung bình 12,06 triệu thùng/ngày trong năm 2019, cao hơn so với mức dự báo 12 triệu thùng/ngày đưa ra mới đây - theo một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày thứ Ba.
Theo Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API), tồn kho dầu thô của nước này trong tuần đến ngày 2/11 tăng 7,8 triệu thùng, đạt 432 triệu thùng, so với dự báo tăng 2,4 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra.
Sản lượng dầu của 3 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới đang tăng mạnh. Nga, Mỹ và Saudi Arabia khai thác hơn 33 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10, đủ để đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu khoảng 100 triệu thùng/ngày của thế giới.