Giãn cách xã hội, chứng khoán trông chờ lịch sử lặp lại?
Từ hôm nay 19/7, 19 địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày. Nếu còn nhớ, lần giãn cách đầu tiên hôm 30/3/2020, thị trường sụp đổ 4,9% nhưng sau đó là con sóng thần tăng giá. Sáng nay VN-Index cũng bốc hơi 3,19%...
Từ hôm nay 19/7, 19 địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày. Nếu còn nhớ, lần giãn cách đầu tiên hôm 30/3/2020, thị trường sụp đổ 4,9% nhưng sau đó là con sóng thần tăng giá. Sáng nay VN-Index cũng bốc hơi 3,19%.
Sự kỳ vọng này có vẻ khó tin, vì “sóng giãn cách” đầu tiên đã thổi chỉ số VN-Index tăng gần 760 điểm. Trông đợi lịch sử lặp lại có lẽ là điều ngoài tưởng tượng.
Mặt khác, thời điểm cuối tháng 3/2020, “sóng giãn cách” khởi động sau khi thị trường đã phải trải qua 3 tháng đau thương, cổ phiếu bốc hơi giá trị kinh khủng. Nói cách khác, mức định giá ở thời điểm đó khác xa lúc này. Hiện tại thị trường đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng cực mạnh nhưng nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 7 cũng chưa quá 10% tính đến cuối tuần qua.
Thị trường hôm nay phản ứng với thông tin giãn cách xã hội 19 tỉnh khá mạnh. VN-Index sụt giảm 3,19% tương đương 41,44 điểm. Độ rộng sàn HoSE là 57 mã tăng/322 mã giảm, trong đó 35 mã giảm sàn. Khoảng 200 mã đang giảm trên 2% giá trị.
Ngoài áp lực về thông tin, thị trường còn chịu ảnh hưởng lớn từ chính các hoạt động bắt đáy trước đó. Liên tiếp các đợt T+3 hàng về đều lỗ. Hôm nay VN-Index giảm thủng cả đáy của nhịp điều chỉnh đầu tiên, đưa những nhà đầu tư bắt đáy hôm 14/7 vào vị thế thua lỗ.
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng – những mã được bắt đáy cực lớn tuần trước – sáng nay thủng đáy ngắn hạn. TCB lao dốc 4,65% xuống 49.200 đồng trong khi đáy thấp nhất tuần trước là 50.600 đồng – cũng là ngày T+3 hàng về tài khoản sáng nay. CTG giảm 4,76% xuống 33.000 đồng và giá T3 thấp nhất tuần trước là 33.700 đồng. HDB, MBB, VCB, BID, TPB đều trong tình cảnh như vậy.
Ngoài các mã ngân hàng, thực tế áp lực giảm giá cũng đến từ nhóm trụ khác như VIC giảm 3,31%, VHM giảm 2,57%, HPG giảm 4,06%, VNM giảm 1,86%. Tuy nhiên không mã nào trong số này thật sự thủng đáy như cổ phiếu ngân hàng. Ngay cả VHM, VIC đang rơi cực mạnh thì giá vẫn cao hơn đáy tuần trước. VNM vẫn đang nỗ lực trụ lại trên 84.000 đồng...
VN30-Index chốt phiên sáng giảm 3,36% với 28 mã giảm và 2 mã tăng. Số tăng ngược dòng là MSN trên tham chiếu 0,75%, KDH tăng 2,84%. Số giảm thì 21 mã đang rơi hơn 3%, trong đó 12 mã giảm trên 4%.
Chốt phiên sáng, cả VN-Index lẫn VN30-Index đều tìm đáy mới. Thống kê với nhóm VN30, một nửa (15 mã) đã chính thức đẩy nhà đầu tư vào vị thế lỗ T+3, kể cả khi mua được ở giá thấp nhất hôm 14/7.
Áp lực bán đẩy thanh khoản phiên sáng lên khá cao. Tổng giá trị khớp hai sàn đạt 11.116 tỷ đồng, tăng 21,4% so với sáng phiên liền trước. Giao dịch tại sàn HoSE tăng 27%, rổ VN30 tăng 23%. Top 10 thanh khoản hai sàn chiếm 40,4% tổng giá trị khớp thì duy nhất KDH là tăng giá, còn lại toàn giảm và giảm nhẹ nhất là STB cũng bốc hơi 3,69%.
Nhà đầu tư nước ngoài sang snay bán ròng 175,6 tỷ đồng trên sàn HoSE. Bất ngờ là KDH lại bị bán ròng lớn nhất với 90,4 tỷ đồng. Lượng bán của khối ngoại chiếm 38% thanh khoản mã này nhưng giá vẫn tăng 2,84%. HPG cũng bị bán ròng gần 66,8 tỷ đồng. HCM, MSN, VIC, FRT, VRE bị bán ròng khá nhiều. Phía mua có STB, VNM, DXG, VCI và hai chứng chỉ quỹ.