Gỡ bỏ thuế nhập khẩu ôtô vào Trung Quốc có cứu được các nhà máy Mỹ?
Nhiều nhà máy sản xuất ôtô tại Mỹ đang trong tình trạng ảm đạm do doanh số giảm trước xu hướng thay đổi "khẩu vị" của người dùng và các đòn thuế quan trong chiến tranh thương mại
Trong một đăng tải trên Twitter vào đêm muộn ngày chủ nhật (2/12), Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc đã nhất trí "giảm và xóa" thuế quan - hiện là 40% - đối với xe hơi sản xuất tại Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, động thái này sẽ không giúp ích được nhiều cho các nhà máy ôtô đang "ngắc ngoải" tại Mỹ.
Theo CNN, Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng và lớn nhất đối với ngành công nghiệp ôtô Mỹ. Hầu như tất cả hãng xe đặt nhà máy tại Mỹ đều đã có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Các công ty này đều muốn sản xuất ngay ở gần thị trường bán hàng của mình. Sản xuất ôtô tại Trung Quốc để phục vụ người dân nước này rẻ hơn nhiều so với việc sản suất tại Mỹ rồi xuất khẩu ra nước ngoài.
Vì vậy, nếu Trung Quốc gỡ bỏ và giảm thuế quan đối với ôtô sản xuất tại Mỹ, các hãng xe có thể cũng chẳng xuất khẩu nhiều hơn vào Trung Quốc. Giới phân tích nhận động thái này của Trung Quốc cũng sẽ không cứu được các nhà máy sắp bị đóng cửa của GM ở Lordstown, Ohio, hay Detroit, và cũng không tạo động lực thúc đẩy lớn đối những nhà máy đang hoạt động của các hãng khác.
"Việc này sẽ giúp cho GM, Fiat Chrysler và Ford? Không hẳn", nhà phân tích ôtô Rebecca Lindland nhận định. "Khó có thể thấy được những thay đổi đáng kể trong sản xuất và chiến lược xuất khẩu của các hãng ôtô".
Thời gian gần đây, xu hướng thay đổi "khẩu vị" của khách hàng sang các dòng xe SUV và bán tải khiến doanh số của dòng xe cỡ nhỏ và vừa ngày càng sụt giảm. Bên cạnh đó, các nhà máy Mỹ chịu tác động lớn từ các chính sách thuế của ông Trump. Thuế nhập khẩu tăng khiến chi phí của các hãng tăng lên và sức cạnh tranh giảm xuống. Nhà sản xuất ôtô Mỹ mới đây tuyên bố sẽ đóng cửa 5 nhà máy tại Bắc Mỹ và sa thải 14.000 nhân viên, đồng thời "khai tử" gần 10 mẫu xe.
Khi được hỏi về tác động từ việc gỡ thuế nhập khẩu ôtô của Trung Quốc, người phát ngôn Jeannine Ginivan của GM cho biết hãng này hoạt động theo triết lý "sản xuất ở nơi bán hàng". Trong khi đó, các hãng xe khác như BMW, Tesla không đưa ra bình luận về tuyên bố trên của Tổng thống Trump. Sau đăng tải của ông Trump, phía Trung Quốc cũng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về nội dung mà ông đề cập.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù không cứu được các nhà máy đang "ngoắc ngoải", việc Trung Quốc gỡ và giảm thuế nhập khẩu là tin vui đối với các hãng xe đang có nhà máy tại Mỹ.
Tesla hiện là nhà sản xuất ôtô Mỹ duy nhất chưa có nhà máy tại Trung Quốc nhưng đang tích cực mở rộng tại thị trường này. Thuế nhập khẩu được gỡ bỏ có thể giúp xe điện của Tesla cạnh tranh hơn tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Trước đó, công ty này đã tăng giá xe Model S tại Trung Quốc thêm khoảng 20.000 USD do thuế nhập khẩu. Đầu năm nay, Tesla tuyên bố sẽ đầu tư ít nhất 2 tỷ USD để xây nhà máy tại Trung Quốc.
Nhà máy lớn nhất thế giới của hãng xe Đức BMW hiện đặt tại South Carolina (Mỹ) và xuất khẩu xe đi khắp thế giới. Năm 2017, nhà máy này xuất khẩu khoảng 81.000 chiếc SUV vào Trung Quốc, tương đương hơn 20% sản lượng. Hồi tháng 7 năm nay, BMW đã phải tăng giá xe thêm 4 - 7% tại Trung Quốc để bù đắp chi phí thuế nhập khẩu.
Thuế nhập khẩu của Trung Quốc đã có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của các nhà máy ôtô tại Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu ôtô của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm 2,4 tỷ USD, tương đương 30%, trong 9 tháng đầu năm 2018.
Một phần nguyên nhân là doanh số ôtô tại thị trường này đi xuống do sự giảm tốc của nền kinh tế. Trong tháng 10 vừa qua, doanh số thị trường xe tại Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tiếp, tiến tới năm giảm đầu tiên trong ít nhất hai thập kỷ.