15:03 13/11/2009

Góc chợ Hàn Quốc

Khu bán thực phẩm Hàn Quốc ở hẳn về cuối góc phải (nhìn từ mặt chợ vào) của chợ Phạm Văn Hai quận Tân Bình

Một góc gia vị của Hàn Quốc.
Một góc gia vị của Hàn Quốc.
Muốn thưởng thức món ăn của một đất nước, một vùng miền đúng gu thì nguyên liệu, gia vị của địa phương là yếu tố hàng đầu để người làm bếp có thể nấu ra hơi hướm đặc trưng của món ăn xứ đó.

Không khó tìm nguyên liệu đúng gu ẩm thực Nhật, Pháp, Ý… vì hiện nay trong các siêu thị hoặc các cửa hàng đã bán thông dụng. Còn những món ăn Hàn Quốc như củ sâm tươi hầm gà, những trái ớt sừng xanh đỏ, lá mè xanh um tươi rói ăn kèm với đồ nướng được cung cấp từ đâu?

Có một khu tạm gọi là “góc chợ Hàn Quốc” ở Sài Gòn. Không thể gọi là chợ Hàn tương tự như chợ Campuchia ở đường Lê Hồng Phong, quận 10, vì chợ Campuchia rộng lớn hơn với nhiều quầy thực phẩm và hàng quán.

Khu bán thực phẩm Hàn Quốc ở hẳn về cuối góc phải (nhìn từ mặt chợ vào) của chợ Phạm Văn Hai quận Tân Bình. Tuy chỉ có một nhóm ba cửa hàng chuyên bán đồ Hàn nhưng đã tạo nên một khu tấp nập người mua kẻ bán.

Theo chủ nhân các quầy B229, 231, 232 của chợ Phạm Văn Hai thì những cửa hàng bán thực phẩm này đã có từ khi thành lập chợ. Cho đến năm 1997 - 1998 họ mới bán thêm thực phẩm Hàn Quốc. Lúc bấy giờ khu vực chung quanh chợ Phạm Văn Hai, trên đường Hậu Giang, Phạm Văn Hai, khu sân bay Tân Sơn Nhất người Hàn Quốc đã tụ họp về lập thành khu để sinh sống.

Nhu cầu về thực phẩm hàng ngày phải có, thế là các bà nội trợ người Hàn bắt đầu ra chợ Phạm Văn Hai để tìm mua. Ban đầu họ đi chung với phiên dịch để mua trái cây, rau củ, thịt cá và những thực phẩm khô như đậu, kê, mè, gạo Việt Nam.

Chị Tuyền bán ở quầy B229 - 231 kể lại: “Những bà nội trợ Hàn thường mang theo giấy bút, cần món gì mà không thấy sẵn trong cửa hàng là họ dùng bút vẽ hình, tuy nhiên cũng lắm chuyện cười ra nước mắt vì bất đồng ngôn ngữ. Có lần một bà vẽ hình con mực, mấy người bán rất nhiệt tình chạy ra khu bán hải sản mang vào mấy con mực tươi. Nhưng bà ta nhất định không chịu, vậy là bằng đủ thứ kiểu diễn đạt nói qua, chỉ lại, cuối cùng mọi người cùng vỡ lẽ ra bà ta cần con mực khô. Sau đó người đi mua khệ nệ vác theo quyển tự điển Hàn - Việt, còn người bán cũng sắm luôn một cuốn để phục vụ cho giao dịch”.

Sau cả chục năm buôn bán với nhau, bây giờ người bán và người mua đều có thể đôi co, kỳ kèo với nhau bằng tiếng Hàn.

Một khách hàng Hàn Quốc, bà Lee cho biết bà thích đi chợ Việt, tuy nó hơi xô bồ, ồn ào nhưng đúng nghĩa của một cái chợ, giống như cái chợ xưa cũ ở xứ Hàn của bà. Và chắc chắn một điều thực phẩm ở đây rất tươi.

Rau củ tươi của các quầy bán đồ Hàn chợ Phạm Văn Hai là giống mang từ Hàn Quốc sang trồng ở Đà Lạt như ớt sừng xanh đỏ, củ cải trắng, bí, lá mè, cải thảo… Một số rau tươi nhập do các công ty rau quả Hàn Quốc cung cấp mỗi ngày cho các quầy. Giá rau nhập cao hơn trong nước khoảng 10 - 20% tuỳ loại. Sâm tươi loại tốt để hầm gà, nấu món tráng miệng hơi cao khoảng 200.000 đồng/kg vì chưa trồng được ở Việt Nam.

Rau Hàn Quốc trồng ở Đà Lạt có khoảng hơn chục loại, giá cũng vừa phải, như ớt sừng xanh đỏ giá khoảng 17.000 đồng/kg, lá mè 4.000 đồng/bó, củ cải 13.000 đồng/kg, bí xanh 12.000 đồng/kg. Đồ khô và đồ hộp Hàn thì phải có đến 300 - 400 mặt hàng khác nhau. Riêng như ớt đã có mấy loại khác nhau như ớt khô có giá trung bình 100.000 đồng/kg, tương ớt đỏ 120.000 đồng/kg, samjang 100.000 đồng/kg.

Tuy nhiên sự linh động của chợ là những loại đồ khô được chia ra bán theo từng trăm gram hoặc nửa ký và giá cũng nới hơn ở siêu thị hoặc các cửa hàng trên dưới 10 - 20%. Mì cũng có đủ loại như cucsu, sinamen, odong, chachang. Rồi trà, rượu, nước tăng lực, giấm, nước tương, xốt gochujang, sâm khô, bột bánh xèo, bột khoai tây, bột cá... Nhờ sự đa dạng các mặt hàng, giá cả phải chăng, linh hoạt trong buôn bán mà khu kinh doanh thực phẩm Hàn ngày càng được nhiều người biết đến.

Ẩm thực Hàn Quốc tuy mới được biết đến hơn một thập niên qua nhưng góc chợ Hàn Quốc - Phạm Văn Hai đã trở thành một địa chỉ thân quen của những người thích nấu nướng, thưởng thức hương vị đặc sắc món ăn xứ sở Kim Chi. Và khu vực này lại đóng góp thêm sắc thái mới cho nền văn hoá ẩm thực vốn đã đa dạng, phong phú của Sài Gòn.

Quang Tâm (SGTT)