20:08 17/06/2014

Góc nghị trường: Bộ trưởng Thăng và báo chí

Nguyên Thảo

Áp lực từ báo chí một thời dường như đã “quá tải” với vị “tư lệnh” trẻ

Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 17/6 - Ảnh: T.H.<br>
Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 17/6 - Ảnh: T.H.<br>
10h20 phút sáng 17/6. Giờ giải lao đã kết thúc được nửa tiếng, trong hội trường các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục góp ý sửa Luật Doanh nghiệp tại phiên họp toàn thể.

Nhưng hành lang chưa hoàn toàn yên tĩnh. Từ tầng 2 hội trường Bộ Quốc phòng - nơi Quốc hội đang họp - nhìn qua kính cửa vẫn thấy khá nhiều ống kính, máy ghi âm cùng xúm vào một góc.

Người được phỏng vấn không đứng như thường lệ, mà ngồi rất thoải mái. Cuộc trao đổi cũng không có vẻ đã đến hồi kết thúc, mà vẫn đang khá xôm.

Lại gần, hóa ra nhân vật trung tâm là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng.

Với một số vị đại biểu Quốc hội, nán lại ít phút sau tiếng chuông báo hết giờ giải lao để không đứt mạch chuyện với phóng viên không hẳn là chuyện lạ. Với các vị bộ trưởng, nói chung là hiếm. Còn với riêng với Bộ trưởng Đinh La Thăng vài năm qua, thì lại càng hiếm.

Nhiều kỳ họp gần đây, ông Thăng đã gần như không trả lời phỏng vấn báo chí. Đó không phải là nguyên tắc ông đặt ra khi có số ghế tại nghị trường. Mà, đó là phản ứng khi trong và sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đương nhiệm, ông đã được (bị) lên báo quá nhiều.

Trả lời về suy nghĩ khi được Quốc hội phê chuẩn làm bộ trưởng cũng có, về cả những dự định chính sách đang bị dư luận ào ào “ném đá” cũng có. Đôi khi cả những câu đùa tếu táo cũng được đưa lên mặt báo…

Và áp lực từ báo chí - vào giai đoạn đó - dường như đã “quá tải” với vị “tư lệnh” trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề so với nhiều thành viên khác của Chính phủ.

Là người thẳng tính, sau đận đó, đôi lúc ông đã có những phản ứng khiến một số phóng viên sững lại khi đặt vấn đề phỏng vấn ông bên hành lang Quốc hội. Và sự xuất hiện của ông trong vai người được phỏng vấn trên báo chí cũng thưa dần, có thời gian dài hoàn toàn vắng bóng. Dù ông vẫn khá “chăm” đến Quốc hội, vẫn ra hành lang gặp gỡ chuyện trò với cánh phóng viên, trong tác phong dân dã.

Nhưng dù vậy, tin tức về ông vẫn đều đặn xuất hiện ở các loại hình báo chí, nhưng là để phản ánh về hành động của ông. Từ “trảm tướng”, đến có mặt kịp thời chỉ đạo cứu hộ vụ tai nạn ở Cần Giờ, rồi xử lý nghi án JTC và gần đây nhất là cải tổ ngành đường sắt…

Cuối năm 2011, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 13, đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội khi vừa chân ướt chân ráo về nhậm chức, ông Thăng đã nhận được câu hỏi rằng không được đào tạo chuyên ngành về giao thông, nhưng lại được bố trí làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thì trở ngại lớn nhất của ông là gì.

Rồi sau rất nhiều câu trả lời, ngay tại đó, ông lại nhận được bình luận công khai trước cử tri cả nước là “nếu cứ trả lời lòng vòng như thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được”.

Nay, không phải bộ trưởng nào cũng làm được như ông, đó là nhận xét của không ít đại biểu, tại kỳ họp thứ  7 này. Vì thế, chẳng những không “đòi” Bộ trưởng phải lên “ghế nóng” ở các phiên chất vấn nữa, mà một số vị đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình với cách điều hành quyết liệt của ông, nhất là trong điều kiện ngân sách eo hẹp và tham nhũng còn tràn lan.

Trả lời phỏng vấn báo chí, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, “có lẽ dấu ấn mạnh mẽ nhất, đi vào lòng người nhất đó là việc Bộ trưởng đấu tranh với những tiêu cực trong chính ngành giao thông vận tải. Bộ trưởng đã tuyên chiến với những tiêu cực trong nhiều lĩnh vực của ngành, dám “cắt bỏ” lợi ích mà bấy lâu nay đã ăn sâu, cắm rễ trong một bộ phận lãnh đạo như xây dựng cầu đường, đường sắt, đăng kiểm...”.
 
Tất nhiên, báo chí vẫn còn nhiều chuyện để hỏi ông. Nào công trình giao thông do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận ảnh hưởng ra sao khi biển Đông căng thẳng. Nào thông tin về việc Nhật ngừng ODA cho Việt Nam hư thực đến đâu…

Sáng 17/6, khi ngồi thoải mái ở hành lang Quốc hội, ông đã trả lời phóng viên nhiều báo từ công tác thi tuyển cán bộ đến dự định làm đường sắt Bắc Nam và đăng ký xe máy điện.

Nhận câu hỏi với các xe máy điện không đủ giấy tờ thì sao, ông đáp, sẽ có phương án giải quyết phù hợp để tạo điều kiện cho dân, vì đó là những tình huống mà công tác quản lý đã không thể tính hết sự phát triển của xã hội.

Mọi việc phải tạo thuận lợi cho dân trước hết, quản lý nhà nước phải đi theo dân. Khi thể hiện tư tưởng này, có lẽ Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “chín” hơn rất nhiều trong vai trò của một đại biểu Quốc hội - Bộ trưởng.

Và làm tốt cả hai vai, chẳng có lý do gì để ông còn “đóng cửa” với báo chí.