Hạ dự trữ bắt buộc, Trung Quốc bơm 117 tỷ USD vào nền kinh tế
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có động thái mạnh tay nhằm tăng cường thanh khoản cho nền kinh tế đang giảm tốc
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 4/1 có động thái mạnh tay nhằm tăng cường thanh khoản cho nền kinh tế đang giảm tốc, trong bối cảnh giới đầu tư bất an về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Theo tin từ Bloomberg, PBoC tuyên bố hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1 điểm phần trăm, theo đó giải phóng lượng thanh khoản 800 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 117 tỷ USD, trong hệ thống ngân hàng.
Tuyên bố của PBoC cũng khẳng định sẽ bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt thanh khoản nào trước Tết Nguyên đán.
Các số liệu công bố tuần này cho thấy bức tranh xấu đi của kinh tế Trung Quốc. Trong đó, chỉ số ngành sản xuất phản ánh sự suy giảm hoạt động của các nhà máy, và tâm lý nhà đầu tư ngày càng bi quan.
Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc có lúc chạm đáy 4 năm. Tại Phố Wall, cổ phiếu hãng công nghệ Apple có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2013 sau khi hãng này cắt giảm dự báo doanh thu quý 4/2018 với lý do nhu cầu iPhone suy yếu ở Trung Quốc vì kinh tế đi xuống.
"PBoC đang phản ứng với sự xấu đi gần đây của môi trường kinh tế", chuyên gia kinh tế Stefan Grosse thuộc Nord LB trao đổi với Bloomberg. "Chỉ số ngành sản xuất yếu của Trung Quốc và Mỹ đã cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi dự báo các chính phủ sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng".
Đây là đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc toàn hệ thống của PBoC kể từ tháng 3/2016. Năm ngoái, PBoC có 4 đợt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng chỉ triển khai ở một số ngân hàng nhất định.
Lần này, tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc sẽ giảm thành hai đợt, từ 14,5% vền 14% kể từ ngày 15/1, và giảm tiếp về 13,5% kể từ ngày 25/1.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 4/1 tuyên bố sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm thuế và phí để hỗ trợ nền kinh tế.
Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, cân bằng phù hợp giữa thắt chặt và nới lỏng trong năm 2019, như một phần trong nỗ lực nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. PBoC nói rằng động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa được công bố là sự nới lỏng theo mục tiêu chứ không phải là một biện pháp kích cầu trên diện rộng.
"Đây có thể là một phần trong phản ứng của Bắc Kinh với dữ liệu ngành sản xuất và sự bán tháo trên thị trường chứng khoán mà chúng ta đã chứng kiến", chuyên gia kinh tế Michelle Lam thuộc Societe Generale đánh giá.
"Họ đang cố gắng khôi phục niềm tin của thị trường và cần nới các điều kiện tín dụng để tăng cường cho vay đối với khu vực kinh tế tư nhân, và cũng bởi nhu cầu vốn theo mùa vụ đang cao".
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm mạnh nhờ tuyên bố về hỗ trợ tăng trưởng mà ông Lý Khắc Cường đưa ra, bên cạnh thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc rằng các quan chức Mỹ sẽ tới Bức Kinh vào tuần tới để đàm phán thương mại.
"Còn phải chờ xem liệu các biện pháp này sẽ giúp ích ra sao cho nền kinh tế", ông Tao Dong, Phó chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc của Credit Suisse Private Banking ở Hồng Kông, nhận xét.
"Ngân hàng trung ương đã tăng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, nhưng biết đâu các ngân hàng thương mại lại không muốn cho vay".