Hà Nội có thể cấm xe máy theo vành đai hoặc theo quận
Chuyên gia đề xuất Hà Nội chỉ nên dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải công cộng đáp ứng được ít nhất hơn 60% đi lại của người dân
Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển giao thông – Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra hai phương án hạn chế xe máy theo ranh giới hành chính giữa các quận và phương án theo vành đai giao thông cho Thủ đô.
Tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về đề án "Phân vùng hạn chế xe máy, năng lực phục vụ của hệ thống vận tải công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030" ngày 25/10, ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Viện Chiến lược phát triển giao thông cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy, tỷ lệ sở hữu xe máy hiện là 760 xe/1.000 dân.
Nếu xét cùng yếu tố lưu thông trên mặt đường, cùng một lượng người chuyên chở thì diện tích chiếm dụng của xe máy gấp 6,8 lần xe buýt. Việc tổ chức giao thông bình đẳng giữa tất cả phương tiện là không hợp lý, tất yếu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Với thực tế đó, cơ quan này đã đưa ra hai phương án về hạn chế xe máy cho Hà Nội:
Phương án 1: Hạn chế xe máy theo quận. Theo đó sẽ tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng từ nay 2030. Tổng dân số bị ảnh hưởng là 4,74 triệu (chiếm 52% dân số toàn thành phố).
Tuy nhiên, phương án này được cho có nhiều hạn chế, như: công tác tổ chức giao thông sẽ khó khăn, vì không có vành đai kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện; đồng thời khó khăn trong việc xây dựng bãi đỗ xe, điểm trung chuyển để kết nối
Phương án 2: Hạn chế xe máy theo vành đai. Phương án này đang được nhiều nơi áp dụng như ở Singapore, London (Anh), Quảng Châu (Trung Quốc)... Trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, vành đai 3 đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy.
Đây là vành đai khép kín, mặt cắt ngang rộng, quy mô 8-10 làn xe, trên tuyến có một số đoạn hình thành cao tốc đô thị đảm bảo khả năng phân luồng lưu thông. Hà Nội có Vành đai 3 với quỹ đất dự phòng lớn thuận tiện xây dựng điểm đỗ xe, điểm trung chuyển, trạm dừng nghỉ hơn vành đai 2 vốn đã chật chội.
Tuy nhiên, chuyên gia này đề xuất Hà Nội chỉ nên dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải công cộng đáp ứng được ít nhất 60,5% đi lại của người dân.
Việc cấm xe máy được đề xuất thực hiện theo giờ và theo ngày trong tuần theo tuyến đường lựa chọn. Ngoài ra, Hà Nội có thể cấm xe máy dựa vào việc tổ chức các không gian đi bộ; các khu vực khác chỉ nên cấm trong khung 6h-22h mỗi ngày và phải được thay thế bằng phương tiện công cộng.
"Để đảm bảo điều này thì đến 2030 Hà Nội cần có 8 tuyến đường sắt đô thị, 200 tuyến buýt, 35.000 taxi, hơn 50.000 xe hợp đồng, khoảng 20 tuyến buýt mini và 10.000 xe đạp công cộng", ông Tuấn nói.
Theo một số chuyên gia khác, Hà Nội cần tiến hành hạn chế xe máy theo từng bước, không nóng vội để tránh gây xáo trộn xã hội. Trước mắt có thể áp dụng tại một số tuyến hay ùn tắc, sau đó áp dụng hạn chế ra rộng hơn theo vành đai.
Trong khi đó, theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật, trên thực tế, mấu chốt lớn nhất để đề án hạn chế xe máy có thể thành hiện thực là vận tải công cộng phát triển đạt đủ tỷ lệ. Hà Nội đang có sự mất cân đối rất lớn trong tỷ lệ sử dụng xe buýt và xe máy, ô tô với 0,16 phương tiện xe buýt/1.000 dân, trong khi đạt 49,8 xe con/1.000 dân và tới 628 xe máy/1.000 dân.
"Hà Nội đã không còn khái niệm giờ cao điểm, vì đến 10 giờ sáng vẫn còn ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ lưu thông. Xe buýt chỉ đạt dưới 15 km/giờ, ngày càng đuối dần. 10 năm nữa Hà Nội cũng chỉ có 3 tuyến đường sắt đô thị hoạt động, trong khi xe buýt và xe máy đang là câu chuyện con gà - quả trứng. Nhiều ý kiến nói xe buýt có mở rộng được thì xe máy mới giảm, nhưng nghịch lý là xe máy càng nhiều xe buýt càng chậm, người dân càng không đi thì xe buýt càng giảm, xe máy lại càng nhiều, như một vòng luẩn quẩn", ông Nhật nói.