10:58 15/10/2008

Hai gam màu của bức tranh kinh tế

Dương Ngọc

Những điểm đáng mừng và đáng lo nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2008 này

Sản xuất công nghiệp hiện đang có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất công nghiệp hiện đang có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình kinh tế 2008 sẽ được kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới đây đánh giá. Người viết xin có một số ý kiến lạm bàn về tình hình này với những gam màu sáng, tối.

Trong khi nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và nhóm ngành dịch vụ tăng thấp hơn cùng kỳ các năm trước, thì nông, lâm nghiệp - thủy sản là nhóm ngành duy nhất tăng cao hơn cùng kỳ.

Nhóm ngành này đã có tác động kép: một mặt, bù một phần cho tốc độ tăng thấp hơn của hai nhóm ngành kia là mặt khác, do được mùa lớn nhất từ trước tới nay, nên đã góp phần làm cho lạm phát - vấn đề nóng nhất từ cuối năm ngoái đến nửa đầu năm nay - được hạ nhiệt; mặt khác nữa, đã đóng góp tích cực cho xuất khẩu (với 5 trên 10 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, lần đầu tiên xuất khẩu gạo có thể đạt 3 tỷ USD).

Sáng

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cả đăng ký và thực hiện đạt kỷ lục mới. Tới đây có thể không tăng cao và tiến độ thực hiện chậm lại, nhưng 9 tháng đăng ký đã gấp 2,7 lần và thực hiện đã cao hơn mức cả năm trước.

Xuất khẩu đạt được những sự vượt trội. Mới qua 9 tháng đã bằng mức cả năm trước và tăng khá cao. Tới đây có thể tăng chậm lại, nhưng gần như chắc chắn sẽ vượt kế hoạch cả năm và có thể đạt 64 tỷ USD. Xuất khẩu bình quân đầu người có thể đạt trên 740 USD; tỷ lệ xuất khẩu so với GDP có thể đạt 76%, cao thứ 5 thế giới, vượt tỷ lệ tương ứng của khu vực, của châu á và của thế giới. Nhập siêu cao trong những tháng đầu năm đang được giảm xuống.

Thu ngân sách tiếp tục vượt dự toán năm và tăng khá so với cùng kỳ năm trước, nhờ vậy đã thực hiện vượt mức chi theo dự toán đã được giao, còn đáp ứng được những khoản chi đột xuất, đồng thời bội chi vẫn được kiềm chế.

Cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng (cuối tháng 9 tăng 1,6 tỷ USD so với cuối 2007 và cao gấp đôi so với cuối 2006), làm tăng tính thanh khoản của quốc gia. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại không bị thiệt hại khi các ngân hàng và tổ chức tài chính của các nước phát triển bị phá sản.

Tính thanh khoản của ngân hàng thương mại dần được cải thiện; mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm; tỷ giá VND/USD được điều hành linh hoạt và cơ bản ổn định. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng dư nợ tín dụng năm nay có thể chỉ bằng một phần ba tốc độ tăng của năm trước nên đã góp phần làm cho vấn đề nóng nhất là lạm phát được hạ nhiệt.

Tăng trưởng kinh tế đã được điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thực tệ ở trong nước và quốc tế. Bản thân việc chuyển ưu tiên sang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa là giải pháp chủ động đúng đắn, kịp thời vừa là gam màu sáng tổng quát nhất, bởi tăng trưởng kinh tế vẫn thuộc loại cao so với nhiều nước trong điều kiện kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái.

Quan trọng hơn, với tốc độ tăng trưởng đó và tỷ giá VND/USD được ổn định, nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tiến sát đến mục tiêu đề ra cho đến năm 2010.

Tối

Đan xen vào những mảng sáng, tình hình kinh tế 2008 cũng còn những mảng tối.

Trước hết là chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp. Hiệu quả đầu tư vốn đã thấp, năm nay còn bị giảm. Năm trước tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP là 45,6%, nhưng GDP tăng 8,48%; năm nay tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP đạt khoảng 41,6%, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,7%.

Điều đó có nghĩa là hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP và tốc độ tăng trưởng GDP năm nay đã lên đến 6,2 lần, cao hơn hệ số tương ứng 5,4 lần của năm trước, đồng nghĩa với việc tốn kém vốn đầu tư hơn, hay hiệu quả đầu tư thấp hơn.

Khoảng cách giữa tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GDP do công nghiệp tạo ra cao hơn các năm trước do các ngành có tỷ lệ chi phí trung gian thấp tăng thấp, thậm chí còn bị giảm, trong khi những ngành có tỷ lệ chi phí trung gian cao lại tăng cao hơn, do tính gia công còn lớn; do chi phí tăng...

Vốn đầu tư tăng, nhưng do giá vật liệu xây dựng tăng, chi phí vận chuyển tăng, giá đất từ cuối năm trước đến đầu năm nay lại thẳng tiến, nên khối lượng thi công không tăng tương ứng, thậm chí GDP do ngành xây dựng tạo ra trong 9 tháng này còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước. Số lao động đang làm việc tăng với tốc độ tương đương năm trước, nhưng do tốc độ tăng GDP năm nay thấp hơn, nên tốc độ tăng năng suất lao động cũng bị thấp hơn.

Lạm phát tuy thấp hơn năm trước vào những tháng cuối năm, nhưng do những tháng đầu năm tăng cao, nên tính chung cả năm có thể lên đến trên 24%, cao gần gấp đôi tốc độ tăng 12,63% của năm 2007 (trong khi năm 2007 cũng đã cao gấp đôi năm 2006).

Do phải kiềm chế lạm phát, trong đó biện pháp đầu tiên là thắt chặt tiền tệ, nên nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, chi phí vốn vay tăng cao, khiến một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp đứng trước nguy cơ tạm thời dừng sản xuất, thậm chí bị phá sản.

Nhập siêu tuy đã giảm trong mấy tháng gần đây, nhưng tính chung cả năm vẫn cao hơn nhiều so với năm trước. Quy mô, cơ cấu hàng xuất khẩu không có nhiều thay đổi, những mặt hàng chủ lực vẫn là khoảng sản ở dạng thô, hàng nông sản sơ chế hoặc hàng gia công lắp ráp có giá trị gia tăng thấp.

Tốc độ tăng xuất khẩu 9 tháng khá cao (39%), nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá của 8 mặt hàng dầu thô, gạo, than đá, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè (do giá tăng đã làm tăng 6.700 triệu USD) và phần tái xuất, thì chỉ còn tăng khoảng 14,8%.

Xuất khẩu trong những tháng qua đã có xu hướng tháng sau giảm so với tháng trước (tháng 7 là 6.547 triệu USD, tháng 8 còn 6.018 triệu USD, tháng 9 ước còn 5.300 triệu USD) do giảm cả lượng và cả giá; xu hướng này có thể còn tiếp tục do tăng trưởng kinh tế thế giới gặp khó khăn làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.