Hai nguyên nhân khiến giá vàng trượt dốc sau khi lập đỉnh 6 năm
“Thị trường đang thận trọng trước cuộc gặp ở G20. Giá vàng có thể giảm dưới 1.400 USD/oz nếu có tin tốt từ cuộc gặp”
Giá vàng thế giới ngày 26/6 trượt hơn 1%, giảm sâu dưới mức đỉnh của 6 năm thiết lập hôm thứ Ba. Các nhà phân tích nói rằng có hai nguyên nhân dẫn tới cú đảo chiều này của giá kim loại quý.
Theo hãng tin Reuters, hai nguyên nhân đó bao gồm việc các quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kiềm chế kỳ vọng về việc FED sẽ mạnh tay hạ lãi suất, và việc nhiều nhà đầu tư chốt lời sau chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp đưa giá vàng lên đỉnh từ tháng 5/2013.
Lúc gần 17h chiều ngày thứ Tư theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đứng ở 1.407,7 USD/oz, giảm 16,3 USD/oz, tương đương giảm 1,2%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại New York.
Phiên ngày thứ Ba, có lúc giá vàng đạt gần 1.439 USD/oz, mức cao nhất kể từ ngày 14/5/2013.
"Việc giá vàng tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn, cộng với những phát biểu của quan chức FED vào đêm qua đã khiến giá vàng yếu đi", nhà phân tích Stephen Innes thuộc SPI Asset Management phát biểu.
Trong một bài phát biểu ngày thứ Ba, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell tái khẳng định sự độc lập của FED, tỏ ý chống lại sức ép của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề hạ lãi suất. Ông cũng nói rằng FED đang băn khoăn không biết liệu những bấp bênh thương mại và các vấn đề khác có thực sự là cơ sở để tiến hành cắt giảm lãi suất hay không.
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, thống đốc FED chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói ông không nghĩ FED cần phải cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo diễn ra vào cuối tháng 7.
Những phát biểu trên khiến một số nhà phân tích cho rằng khó có chuyện FED hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 như dự báo đưa ra trước đó. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng tới.
"Giá vàng đã tăng mạnh trong khoảng 1 tháng qua. Bởi vậy, việc chốt lời ngắn hạn là điều dễ xảy ra", chiến lược gia Heng Koon How của United Overseas Bank nhận xét.
Ngoài ra, còn có một nhân tố khác gây sức ép lên giá vàng. Đó là sự hồi phục của đồng USD khỏi mức đáy của 3 tháng.
Các nhà phân tích nói rằng rủi ro lớn nhất đối với giá vàng trong thời gian còn lại của năm 2019 là FED không hạ lãi suất, hoặc không hạ lãi suất nhiều như kỳ vọng.
Trước mắt, thị trường sẽ chờ cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 vào ngày thứ Bảy tuần này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu cuộc gặp mang lại một bước tiến quan trọng trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, thì giá vàng có thể sẽ chịu áp lực giảm lớn hơn, vì khi đó FED sẽ chịu ít sức ép hơn trong vấn đề hạ lãi suất.
"Thị trường đang thận trọng trước cuộc gặp ở G20. Giá vàng có thể giảm dưới 1.400 USD/oz nếu có tin tốt từ cuộc gặp", ông Innes nhận định.
Tháng này, giá vàng thế giới đã tăng gần 8%, nâng tổng mức tăng từ đầu quý lên xấp xỉ 9%. Nhờ đó, vàng đang tiến tới hoàn tất tháng và quý tăng giá mạnh nhất kể từ 2016.
Giá vàng miếng trong nước cuối giờ chiều ngày thứ Tư hồi nhẹ so với buổi sáng.
Lúc gần 17h, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 38,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm, Công ty SJC báo giá vàng miếng ở mức 38,8 triệu đồng/lượng và 39,05 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
So với mức đỉnh của 6 năm gần 40 triệu đồng/lượng thiết lập vào chiều qua, giá vàng miếng hôm nay hạ 700.000-800.000 đồng/lượng.