Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động Việt Nam
Phía Hàn Quốc đã dừng kỳ thi sát hạch tiếng Hàn dự kiến tổ chức vào 7/8 vừa qua và đang xem xét dừng tiếp nhận lao động Việt Nam
Tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang ngày càng nhiều. Chính phủ Hàn Quốc lo ngại số lượng này tiếp tục gia tăng khi lao động nhập cư kết thúc hợp đồng trong năm nay là rất lớn.
Theo Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, việc này đã tác động xấu đến ổn định xã hội; làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình lập kế hoạch tiếp nhận lao động hàng năm và đã làm đau đầu cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách lao động và quản lý người nước ngoài.
Trước thực tế này, Chính phủ Hàn Quốc đã phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, ráo riết hơn trong việc truy quét và xử lý lao động nước ngoài bất hợp pháp tại đây.
Cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các lực lượng để truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Cơ quan này cũng đang điều tra các tổ chức tội phạm người nước ngoài, trong đó có các đường dây liên quan đến việc tổ chức cho người lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp; đồng thời thực hiện chính sách thưởng tiền cho những người cung cấp thông tin cho cảnh sát về người lao động bất hợp pháp.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn đề ra biện pháp xử phạt đối với chủ sử dụng lao động và người lao động bất hợp pháp.
Cụ thể, các chủ sử dụng lao động sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị phạt tiền tối đa là 40 triệu won và có thể bị cấm hoạt động. Khi chủ sử dụng không tuyển và “chứa chấp”, việc làm cho lao động bất hợp pháp sẽ ít đi, đồng nghĩa với cơ hội để lao động ở lại sống bất hợp pháp sẽ khó khăn hơn.
Đối với người lao động, nếu cư trú bất hợp pháp cũng sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng (trường hợp người lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt).
Chính phủ Hàn cũng đã ban hành lệnh cấm người lao động đã từng cư trú bất hợp pháp nhập cảnh vào nước này. Lao động bất hợp pháp trước khi bị trục xuất về nước phải chụp ảnh và lấy dấu vân tay để lưu vào hồ sơ của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Biện pháp này ngăn ngừa các trường hợp sử dụng hộ chiếu với thông tin cá nhân đã được thay đổi.
Tại Việt Nam, chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được thực hiện ở từ năm 2004 theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc. Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc phải tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn do Bộ Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức.
Kể từ khi thực hiện chương trình EPS, phía Hàn Quốc đã tổ chức 8 kỳ kiểm tra tiếng Hàn, với hơn 110.000 người tham dự. Từ năm 2004 đến nay, chương trình EPS đã đưa được 62.971 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Người lao động làm việc theo chương trình này đại bộ phận là lao động phổ thông, làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (79%), số còn lại làm việc trong các ngành Nông nghiệp (10%); Xây dựng (8,8%), Ngư nghiệp và dịch vụ (2,2%).
Tuy nhiên, lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang ở mức đáng lo ngại làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử (Trung Quốc là 5.100 người; Philippin là 4.958 người; Indonesia là 3.728 người; Mông Cổ là 3.515 người; Thái Lan là 3.216 người).
Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã dừng kỳ kiểm tra tiếng Hàn dự định tổ chức vào tháng 8/2011 vừa qua và chưa đưa ra thông báo dừng đến bao giờ. Cơ quan này cũng đang cân nhắc đến việc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, nếu tình trạng bỏ trốn, sống bất hợp pháp của lao động Việt Nam trở nên nghiêm trọng hơn thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn.
Theo nguồn tin của VnEconomy, tháng 8 vừa qua, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đã trực tiếp sang Hàn Quốc bàn về chương trình EPS và vấn đề lao động bất hợp pháp nói trên nhưng không mang lại kết quả khả quan.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ quan trực tiếp quản lý lao động Việt ở nước ngoài hiện đang có chuyến công tác tại một số tỉnh miền Trung. Mục đích nhằm đối thoại với các gia đình có con em bỏ trốn tại Hàn Quốc, phối hợp với chính quyền địa phương vào cuộc để xử lý vấn đề này.