16:09 04/04/2018

"Hàn Quốc tăng giao thương với Việt Nam để giảm phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn"

An Huy

Theo Bloomberg, Seoul nhận thấy nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump ngày càng nhiều đòi hỏi và trở thành một đối tác thương mại không còn đáng tin cậy

Bên ngoài nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên, tháng 10/2016 - Ảnh: Reuters.
Bên ngoài nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên, tháng 10/2016 - Ảnh: Reuters.

Đối mặt căng thẳng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc đang thắt chặt quan hệ với Việt Nam - quốc gia đang trên đà vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì của các công ty Hàn, hãng tin Blooberg cho hay.

Bài viết đăng ngày 3/4 trên Bloomberg nói rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang đẩy mạnh thương mại với khu vực Đông Nam Á như một cách để các công ty lớn của nước này như Samsung Electronics đa dạng hóa cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu.

Seoul nhận thấy nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump ngày càng nhiều đòi hỏi và trở thành một đối tác thương mại không còn đáng tin cậy. Trong khi đó, căng thẳng giữa Hàn Quốc với Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc đã kéo dài hơn 1 năm, bài báo nhấn mạnh.

Các công ty Hàn Quốc từ lâu đã xây dựng nhà máy ở Việt Nam, nhưng bất đồng Trung-Hàn về Thaad đã khiến Việt Nam càng trở nên hấp dẫn với tư cách một địa chỉ sản xuất và một thị trường xuất khẩu - ông Kim Ill-san, Giám đốc chi nhánh Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc ở Tp.HCM, phát biểu với Bloomberg.

Một kết quả là xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam tăng gấp rưỡi chỉ riêng trong năm 2017 và tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 3 năm qua. Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc.

"Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu hàng hóa trung gian và máy móc, trang thiết bị sang Việt Nam. Nhưng khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, thì cơ hội xuất khẩu các sản phẩm tiêu dùng cũng tăng lên", ông Kim nói.

Các công ty như Samsung và Lotte Group đang dẫn đầu làn sóng đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, từ chỗ tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, chuyển dần sang những lĩnh vực cao hơn như sản xuất hàng điện tử, dịch vụ và bán lẻ.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trực tiếp đạt kỷ lục 7,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2017 - theo dữ liệu của Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc.

Cũng theo tổ chức này, năm ngoái, Hàn Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhì của Việt Nam. Khoảng 1/3 hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam là thiết bị bán dẫn và màn hình để sử dụng cho các dây chuyển sản xuất hàng điện tử.

Với một nền kinh tế tăng trưởng mạnh và dân số trẻ, Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn đối với các hãng bán lẻ nước ngoài, trong đó có các nhà bán lẻ Hàn Quốc. Quý 1 năm nay, kinh tế Việt Nam tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 1/3 dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 15-34.

Ảnh 1.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam (đường màu đen) và sang Mỹ (đường màu đỏ) qua các năm. Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, 2018/Bloomberg.

Trong lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn Lotte - vốn đang "chịu trận" ở thị trường Trung Quốc do mâu thuẫn về Thaad - đang tìm cách bán lại các đại siêu thị (hypermarket) tại quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng lại có kế hoạch tăng số trung tâm bán lẻ tại Việt Nam lên 6 lần trong thời gian đến năm 2020, lên con số 87 từ 13 trung tâm hiện nay.

E-mart Inc., nhà vận hành chuỗi cửa hiệu bán lẻ giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, đang xây dựng cửa hiệu thứ hai ở Việt Nam sau khi rút khỏi thị trường Trung Quốc vì doanh thu ảm đạm.

Vốn đầu tư của Hàn Quốc đang giúp thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng ở Việt Nam, Bloomberg nhận định. Samsung cho biết sử dụng 100.000 lao động tại nhà máy của hãng ở Bắc Ninh, còn số công ty trực thuộc và nhà cung cấp của nhà máy là khoảng 300.

Phát biểu trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 3, Tổng thống Moon miêu tả mối quan hệ Việt-Hàn ngày càng phát triển là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.

"Hiện có khoảng 5.500 công ty Hàn Quốc đang làm ăn ở Việt Nam", ông Moon nói. "1 triệu người lao động Việt Nam có việc làm tốt, và các công ty Hàn Quốc phát triển nhanh nhờ sự giỏi giang và cần cù của người lao động Việt Nam".

Mối quan hệ này được dự báo sẽ tiếp tục thắt chặt trong thời gian tới. Trong chuyến thăm của Tổng thống Moon, Việt-Hàn và các công ty hai nước đã ký 18 biên bản ghi nhớ. Một phần trong Chính sách hướng Nam mới của ông Moon là tăng cường kết nối với các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song song với giảm sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị của Hàn Quốc vào Trung Quốc và Mỹ.

Giới phân tích cho rằng việc Hàn Quốc mở rộng thương mại và sản xuất với Việt Nam sẽ chỉ giúp hạn chế phần nào ảnh hưởng từ sự suy giảm quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong trường hợp căng thẳng thương mại gia tăng hơn nữa. Ngoài ra, nhiều sản phẩm mà các công ty Hàn Quốc sản xuất ở Việt Nam rốt cục được xuất khẩu sang Mỹ hoặc Trung Quốc.

"Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung không thể thay thế hoàn toàn thị trường Mỹ và Trung Quốc, nhưng đây là những thị trường mới, có tính bổ trợ để giúp Hàn Quốc chuẩn bị cho việc tránh những cú sốc có thể xảy ra với hai nền kinh tế lớn kia", ông Kwak Sungil, Giám đốc Việt Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, một tổ chức nghiên cứu thuộc Chính phủ nước này, nhận xét.