15:26 10/01/2022

Hàng chục triệu người Trung Quốc băn khoăn có về quê ăn Tết hay không

Hoài Thu

Jason Zhao, nhân viên một công ty nhà nước tại Bắc Kinh, đã phải vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan mà hàng chục triệu người lao động Trung Quốc đang đối mặt: Có về quê đoàn tụ dịp Tết Nguyên Đán tới đây hay không...

Nhiều người Trung Quốc chưa biết có thể về quê đón Tết năm nay hay không - Ảnh: Xinhua
Nhiều người Trung Quốc chưa biết có thể về quê đón Tết năm nay hay không - Ảnh: Xinhua

Zhao biết rất rõ rằng mình phải tuân thủ các “hướng dẫn” của công ty về kỳ nghỉ lễ, cũng như các quy định bắt buộc của Chính phủ. Anh cần phải được giám sát trực tiếp phê duyệt thì mới được nghỉ về quê, nếu không sẽ bị giảm tiền thưởng cuối năm.

Cuối cùng, Zhao quyết định sẽ ở lại thủ đô dịp Tết năm nay. Đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp anh không thể về đoàn tụ với cha mẹ ở tỉnh Tân Cương xa xôi phía Tây Bắc và thay vào đó sẽ ăn mừng năm mới với gia đình ở quê nhà qua mạng.

SIẾT PHÒNG DỊCH TRƯỚC THỀM TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ THẾ VẬN HỘI BẮC KINH

Theo tờ SCMP, Tết Nguyên Đán là một trong những dịp lễ lớn nhất và thường nghỉ dài ngày nhất tại Trung Quốc, chứng kiến cuộc di cư hàng năm lớn nhất trái đất. Thông thường vào dịp này, hàng chục triệu người Trung Quốc sẽ rời các thành phố lớn – nơi họ sinh sống và làm việc – để trở về quê nhà.

Tuy nhiên, do các biện pháp hạn chế đi lại vì đại dịch Covid-19, năm 2020, số lượng người rời thành phố về quê dịp Tết Nguyên Đán đã giảm mạnh và được dự báo sẽ phục hồi trong năm nay khi dịch bệnh dường như đã được kiểm soát bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Cao điểm đi lại dịp Tết tại Trung Quốc sẽ bắt đầu vào tuần tới và kéo dài tới ngày 25/2.

Theo dự báo của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, số lượng chuyến đi vào dịp này sẽ tăng đáng kể so với con số 870 triệu chuyến đi vào năm 2021 và có thể vượt qua con số 1,5 tỷ chuyến đi ghi nhận năm 2020. Dù vậy, số lượng chuyến đi năm nay sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với 3 tỷ chuyến đi ghi nhận vào năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát.

Tuy nhiên, những tuần gần đây, hy vọng về thành công của chính sách chống dịch “không Covid” (zero Covid) của Chính phủ Trung Quốc đã tan biến sau khi đợt bùng dịch tồi tệ nhất tại thành phố Tây An đã khiến 13 triệu dân tại đây bị phong tỏa.

Số lượng chuyến đi vào dịp Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc được dự báo sẽ tăng đáng kể so với con số 870 triệu chuyến đi vào năm 2021 và có thể vượt qua con số 1,5 tỷ chuyến đi ghi nhận năm 2020 - Ảnh: AFP.
Số lượng chuyến đi vào dịp Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc được dự báo sẽ tăng đáng kể so với con số 870 triệu chuyến đi vào năm 2021 và có thể vượt qua con số 1,5 tỷ chuyến đi ghi nhận năm 2020 - Ảnh: AFP.

Việc phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao ở hai thành phố lớn khác - Thiên Tân và Thâm Quyến – và một đợt bùng phát khác ở Hà Nam, khiến nhiều người dự báo các biện pháp hạn chế đi lại sẽ càng được siết chặt hơn vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán.

Tuần trước, 14 bộ, ngành của Trung Quốc, bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành một thông báo chung kêu gọi người dân “nâng cao cảnh giác” trong kỳ nghỉ lễ.

Một yếu tố hàng đầu đang đè nặng lên tâm trí người dân nước này là Thế vận hội mùa đông, dự kiến khai mạc vào đầu tháng 2 tại Bắc Kinh và có thể khiến nhà chức trách siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch mới.

“Dù các công ty vẫn chưa chính thức công bố chính sách nghỉ lễ của mình, nhưng chắc chắn các chính sách sẽ nghiêm ngặt hơn so với năm ngoái. Và việc về quê ăn Tết năm nay không phải là ý hay. Tôi và gia đình rất lo nếu tôi bị mắc kẹt hoặc bị cách ly ở Tân Cương hoặc Bắc Kinh và không thể trở lại làm việc. Ngoài ra, sẽ rất bất tiện cho cả gia đình nếu tôi bị cách ly ở Tân Cương. Dù rất nhớ nhau, chúng tôi đành phải chấp nhận (việc không được đoàn tụ trực tiếp)”, Zhao chia sẻ.

HAI NĂM KHÔNG VỀ QUÊ ĐÓN TẾT

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Đông, nhiều người vẫn đang chờ đợi và xem tình hình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc có về quê ăn tết hay không.

Một quản lý cấp trung tên Li làm việc cho doanh nghiệp nhà nước ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ của Quảng Đông, cho biết công ty anh đã triển khai việc báo cáo hàng ngày và yêu cầu truy vết tiếp xúc trong trường hợp phát hiện ca nhiễm Covid-19.

“Việc rời khỏi Quảng Đông năm nay thực sự rất khó, nhưng tôi chưa biết liệu chúng tôi có thể thực hiện các chuyến đi ngắn ngày từ Quảng Châu hay không”, người này cho hay. “Hàng ngày, chúng tôi phải báo cáo thân nhiệt và vị trí của mình cho công ty như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh”.

Zhao Wei, một giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Y Miền Nam tại Quảng Châu, cho biết cao điểm đi lại dịp lễ chắc chắn sẽ có tác động tới các biện pháp phòng chống, dịch tại Trung Quốc.

“Trung Quốc đang triển khai các biện pháp ngăn chặn. Một số trường đại học ở Bắc Kinh đã ban hành quy định dịp lễ và hoãn kỳ học mới để giảm lưu lượng đi lại trên toàn quốc. Các biện pháp này sẽ giúp phòng, chống dịch nhưng lưu lượng đi lại khổng lồ sẽ là một phép thử với những biện pháp này”, ông Wei cho biết.

Theo ông, áp lực của năm nay sẽ lớn hơn so với năm ngoái bởi sau một thời gian dài bị phong tỏa hoặc hạn chế, người dân đang háo hức được đi lại và vui chơi, do đó có thể xuất hiện các đợt bùng dịch.

“Đại dịch đang rất nghiêm trọng ở nước ngoài và do đó Trung Quốc rất khó miễn dịch khỏi nó”, ông Zhao nói khi đề cập tới biến thể Delta và Omicron đang lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm nay, Yang Min, một nữ luật sư 35 tuổi ở Phật Sơn, một trung tâm thương mại gần Quảng Châu, có thể sẽ không trở về quê nhà ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, dịp nghỉ Tết Nguyên Đán.

Nhiều người lao động tại Trung Quốc đón cái Tết xa quê thứ hai - Ảnh: Reuters.
Nhiều người lao động tại Trung Quốc đón cái Tết xa quê thứ hai - Ảnh: Reuters.

“Công ty vẫn ổn nếu chúng tôi muốn về quê vào dịp này nhưng tôi lo lắng về các biện pháp phòng dịch và hạn chế ở những tỉnh như Hà Nam và Hà Bắc – nơi bố mẹ tôi đang sinh sống”, Min nói. “Chắc chắn năm nay sẽ có nhiều biện pháp hạn chế hơn do Thế vận hội mùa đông và đây là một quyết định khó khăn bởi tôi đã không về nhà hai năm rồi”.

Min cho biết bố mẹ cô đã ngoài 70 tuổi và Tết Nguyên Đán có ý nghĩa rất lớn khi mà họ luôn muốn được đoàn tụ gia đình vào dịp này.

“Bố mẹ tôi chắc sẽ rất buồn vì chúng tôi không về, đặc biệt là khi hàng xóm sum vầy đón Tết bên con cháu”, nữ luật sư chia sẻ. “Tôi đã rất lưỡng lự khi nói với bố mẹ rằng chúng tôi sẽ không về quê. Họ có thể hiểu nhưng vẫn cảm thấy thất vọng”.