13:44 10/01/2022

Ngành nghề nào sẽ thưởng Tết 2022 cao nhất?

Phúc Minh

Theo nhận định của các chuyên gia, những doanh nghiệp thuộc nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin sẽ có mức thưởng cao hơn so với mặt bằng chung, song ngược lại số doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh thưởng sẽ rất thấp, thậm chí không có…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, báo cáo thưởng Tết năm 2022 hiện vẫn đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp. Song mức thưởng tại một số địa phương đã từng bước được hé lộ, cho thấy bức tranh thưởng Tết có sự chênh lệch đáng kể giữa các loại hình doanh nghiệp. Có nơi mức thưởng lên đến cả tỷ đồng, ngược lại chỗ chỉ vài trăm, thậm chí vài chục nghìn.

CHÊNH LỆCH THƯỞNG TẾT GIỮA CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

Đến thời điểm này, các địa phương lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đều đã công bố mức thưởng Tết. Trong đó, tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2022 cao nhất là 400 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp dân doanh, song mức thưởng thấp nhất cũng thuộc về khối doanh nghiệp này với mức 500.000 đồng/người.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của  phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có phương án thưởng để giữ chân người lao động.

Bên cạnh một số doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có dự kiến thưởng, mức thưởng Tết của người lao động trong các doanh nghiệp báo cáo giảm nhẹ, riêng mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm 2022 trong khối doanh nghiệp FDI tăng hơn so với năm 2021.

Tại TP. HCM, báo cáo tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, mức thưởng Tết Âm lịch 2022 trung bình là 8,8 triệu đồng/người, tương đương với năm 2021, song mức thưởng cao nhất đạt xấp xỉ 1,29 tỷ đồng tại một doanh nghiệp FDI.

Xét theo ngành nghề, các doanh nghiệp điện, điện tử, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, công nghệ thông tin có mức thưởng cao hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, hiện có 508/1.012 doanh nghiệp được khảo sát cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có gặp khó khăn trong thưởng Tết cho người lao động.

Tại Đà Nẵng, theo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, đối với các công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng cao nhất là 50 triệu đồng, thấp nhất là 1,075 triệu đồng. Với doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước, tiền thưởng cao nhất là 45 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng.

Với các doanh nghiệp dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 1,432 tỷ đồng, thấp nhất là 200.000 đồng. Còn ở nhóm doanh nghiệp FDI, mức thưởng cao nhất là 150 triệu đồng, thấp nhất là 768.000 đồng.

DOANH NGHIỆP TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG DỰ KIẾN VẪN THƯỞNG CAO

Tại Bắc Giang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, có khoảng 279 doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán năm 2022 với mức bình quân chung 5,227 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 227,950 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp FDI, mức thưởng thấp nhất 100.000 đồng/người.

Tại Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh, đối với thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhóm các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng trung bình là 3.030.000 đồng/người; nhóm công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước mức thưởng là 3.350.000 đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 6.110.000 đồng/người; doanh nghiệp FDI là 3.810.000 đồng/người. Dự kiến mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ở các doanh nghiệp tại Thanh Hoá là 68,6 triệu đồng/người thuộc về loại hình doanh nghiệp dân doanh, nhưng mức thấp nhất chỉ 100.000 đồng/người.

Năm 2021 vừa qua, trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức thưởng Tết đã được các chuyên gia dự báo rất khó để có mức thưởng tăng đột biến, thậm chí nhiều doanh nghiệp có thể không có thưởng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn phát triển như tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng ở mức cao.

Với phần đông doanh nghiệp khác duy trì được việc làm thì vẫn cố gắng giữ mức thưởng Tết tương đồng so với các năm trước đây, bình quân là tháng lương cơ bản hoặc tháng lương theo hợp đồng.

Còn những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không hiện đang phục hồi sản xuất thì cố gắng có tiền lương và thưởng Tết cho người lao động. Được biết có những doanh nghiệp khó khăn nhưng cam kết sẽ có khoản tiền thưởng Tết để động viên người lao động.

Cũng theo dự báo của các chuyên gia, trong bối cảnh năm 2021 vừa qua rất khó khăn, việc doanh nghiệp có thưởng Tết cho người lao động là điều rất đáng quý, song có lẽ nhóm không được thưởng Tết sẽ khá nhiều, đây là thời điểm người lao động cần chia sẻ với doanh nghiệp, bởi mục tiêu trước mắt còn là giữ được việc làm và có thu nhập.

Về phía đơn vị tổng hợp báo cáo thưởng Tết, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết hiện đã có một số địa phương gửi báo cáo thưởng Tết về Bộ nhưng số lượng còn khá ít.

Trước đó, cơ quan này cũng đã có công văn gửi các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động trong doanh nghiệp, trong đó, có nội dung thời hạn gửi báo cáo lương, thưởng Tết về Bộ trước ngày 29/12.