15:45 29/07/2021

Hàng xả ít, cổ phiếu tranh thủ tăng ào ạt

Kim Phong

Thị trường chiều nay lại xuất hiện một đợt bán nhưng không gây được ảnh hưởng nào rõ rệt. Nhà đầu tư đã “xuống tiền” quyết liệt hơn, giúp độ rộng vượt trội với số mã tăng gần gấp đôi số giảm...

VNM (màu xanh) có một nhịp giảm khá đột ngột góp phần kéo VN-Index xuống lúc 2h.
VNM (màu xanh) có một nhịp giảm khá đột ngột góp phần kéo VN-Index xuống lúc 2h.

Thị trường chiều nay lại xuất hiện một đợt bán nhưng không gây được ảnh hưởng nào rõ rệt. Nhà đầu tư đã “xuống tiền” quyết liệt hơn, giúp độ rộng vượt trội với số mã tăng gần gấp đôi số giảm.

Dẫn dắt thị trường phiên chiều vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, mặt bằng giá nhóm này được nâng lên đáng kể khi chỉ còn 4/27 cổ phiếu tăng dưới 1%. Rất tiếc VCB cũng tăng, nhưng chưa thể bùng nổ.

Đà tăng khá đẹp về cuối ngày, nhưng đến tận 2h, thị trường vẫn chịu áp lực nhất định. Nhà đầu tư xả hàng quá 2/3 thời gian phiên chiều, thậm chí khiến VN-Index tạo đáy trong ngày ở 1282,88 điểm, thu hẹp mức tăng còn 0,45% so với tham chiếu (cuối phiên sáng chỉ số tăng 0,93%).

Tuy vậy đợt xả nhỏ này không có thanh khoản lớn và độ rộng thời điểm tạo đáy vẫn cân bằng với 173 mã tăng/169 mã giảm. Mã cổ phiếu lớn là VIC, VHM, VNM tạo sức ép chính ở nhịp trượt dốc chiều nay. VNM tạo đáy lúc 2h giảm tới 1,04% so với tham chiếu; VIC tạo đáy sớm hơn khoảng 20 phút giảm 0,67%, VHM bị đánh tụt về tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhiều mã cũng hạ độ cao ở 1 giờ đầu tiên của phiên chiều. Tuy nhiên phần lớn cổ phiếu cũng vẫn tăng tốt so với tham chiếu. Nhóm này bật lại rất nhanh và dẫn dắt nhịp tăng 30 phút cuối phiên kéo dài tới tận ATC. VHM cũng phục hồi đáng kể, tăng 1,31% so với tham chiếu. Chỉ có VIC và VNM là không thể chạm được mức đóng cửa hôm qua, giảm tương ứng 0,1% và 0,12%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng rực rỡ. Trong tất cả các mã nhóm này ở 3 sàn, duy nhất VAB là tham chiếu, còn lại đều tăng. VCB cũng cải thiện giá đáng kể so với phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 0,93%. BID nhích lên tăng 1,23%, STB tăng 1,38%, HDB tăng 1,52%... đều là có cải thiện nhẹ so với cuối phiên sáng. Nhóm blue-chips mạnh nhất là CTG tăng 3,04%, ACB tăng 3,02%, MBB tăng 2,9%, TCB tăng 1,81%... Trong nhóm ngân hàng nhỏ, NVB kịch trần, EIB tăng 5,1%, BVB tăng 4,95%, ABB tăng 5,76%, PGB tăng 4,32%...

Trong top 10 cổ phiếu kéo VN-Index mạnh nhất lúc đóng cửa, ngoài VHM, có thêm MSN tăng 2,57%, MWG tăng 3,63%, GVR tăng 1,53%, còn lại là 7 mã ngân hàng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng xanh áp đảo.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng xanh áp đảo.

VN-Index chốt phiên tăng 16,53 điểm tương đương 1,29% so với tham chiếu. Mức tăng này vừa đủ đưa chỉ số quay lại điểm đóng cửa hôm 22/7 và cũng là điểm cao nhất của vùng tích lũy hiện tại. Do đó nếu thị trường tiếp tục cao thêm, sẽ bước vào một nhịp tăng mới.

Thanh khoản phiên chiều này không mạnh, đặc biệt là ở nhịp tăng 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đợt ATC. Cả chiều hai sàn khớp 7.305 tỷ đồng, thấp hơn phiên sáng khoảng 22%. HoSE giao dịch 6.367 tỷ đồng và đặc biệt rổ VN30 chỉ khớp được 3.714 tỷ đồng.

Mặc dù thanh khoản phiên chiều không cao nhưng thị trường lại xoay chiều tốt và tăng mạnh hơn. Như vậy áp lực bán cũng rất nhỏ. Mặt khác sự cộng hưởng đồng loạt của nhóm blue-chips đã tạo sức mạnh đáng kể.

VN30-Index vẫn là chỉ số tăng tốt hơn VN-Index, đóng cửa trên tham chiếu 1,42% với 23 mã tăng/4 mã giảm. Các mã giảm là VIC giảm 0,1%, VNM giảm 0,12%, NVL giảm 0,1%, TCH giảm 1,31%. Các mã này đến cuối phiên cũng đã có một nhịp hồi, như VIC và NVL còn vượt được tham chiếu. Tuy vậy đến đợt ATC VIC lại bị bán ra ép giảm xuống 1 bước giá, NVL giảm 4 bước giá.

Thay đổi lớn nhất là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, phiên chiều đều tăng rất mạnh. Chỉ số VNMidcap chốt ngày tăng 1,45%, VNSmallcap tăng 1,04%. So với thời điểm cuối phiên sáng, cả hai chỉ số này đều cao hơn đáng kể. Độ rộng của mỗi rổ cũng đảo ngược hoàn toàn với số mã tăng gấp nhiều lần số giảm. Độ rộng chung trên HoSE cuối ngày ghi nhận 227 mã tăng/125 mã giảm, khoảng 115 cổ phiếu tăng trên 1%.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ 71 tỷ đồng trên HoSE và mua ròng gần 32 tỷ đồng trên HNX. HPG và chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng chính, tương ứng 144 tỷ và 102 tỷ đồng. HPG vẫn tăng giá tốt 0,86% dù đã bị trượt giảm 1,2% kể từ đỉnh ngay đầu phiên chiều. Phía mua ròng có VHM đạt 123,5 tỷ, MBB hơn 97 tỷ, MSN gần 52 tỷ đồng...