Hậu Covid - 19: Tập đoàn công nghệ sáng tạo trong kinh doanh
Đại dịch Covid - 19 đã trở thành quá khứ, nhưng hậu quả để lại cho nền kinh tế toàn cầu có lẽ không một tổ chức nào có thể tự tin khẳng định khi nào sẽ kết thúc. Nhưng trong khó khăn và thách thức sẽ tạo ra được những ý tưởng táo bạo...
MỞ RỘNG KHÔNG GIAN MỚI ĐỂ BỨT PHÁ
Viettel Commerce cũng bị tác động bất lợi từ khủng hoảng chung kinh tế thế giới và những khó khăn của ngành, của thị trường. Từ đầu năm 2022, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu từ Covid-19, đặc biệt, khi nhà máy Foxconn Trung Quốc bị phong tỏa, sản lượng Apple sản xuất giảm tới 30% khiến đơn vị này thiếu hàng bán ra. Đây là mặt hàng chủ lực mà Trung tâm phân phối Viettel Commerce đang kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, sau nhiều trăn trở, để đối phó với việc thiếu hụt mặt hàng Iphone, Trung tâm quyết định mở mới mảng non-phone như ipad, macbook… Còn để giải bài toán thiếu hụt điện thoại 2G, 3G, lãnh đạo trung tâm đã thực hiện một bước đi mạo hiểm khi chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới là kinh doanh xe đạp, đồ gia dụng và tivi.
Để xác định được việc mở mới các mặt hàng trên, trước đó Trung tâm đã gặp thất bại không dưới 5 lần khi đàm phán với các nhãn hàng. Giám đốc Trung tâm Viettel Commerce Phạm Tiến Tuyền chia sẻ: “Chúng tôi đã phải làm lại từ đầu với những con số 0. Không kinh nghiệm, không nhân sự và không thị trường”.
Chưa hết khó, việc ngân hàng tăng lãi suất khiến chi phí vốn tăng, huy động vốn khó khăn, đã tác động mạnh đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của một đơn vị làm thương mại như Viettel Commerce.
Tuy nhiên, anh Tuyền cho rằng: “Lúc càng khó khăn, càng phải đoàn kết. Không chỉ đoàn kết trong nội bộ mà còn đoàn kết với cả chính khách hàng của mình. Trung tâm xác định, kênh bán là sức mạnh của Nhà phân phối”. Vì vậy, nhân viên của Trung tâm đã đi mọi miền tổ quốc để mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ công cụ và đào tạo chủ kênh cách bán hàng, giúp họ mở rộng thị trường, xây dựng các chính sách bán hàng linh động theo từng đại lý.
Bằng sự nỗ lực đó của mỗi nhân viên, mà năm 2022, Viettel Commerce đã đạt doanh thu “không tưởng” hơn 8.300 tỷ, hoàn thành 128% kế hoạch. Lần đầu tiên, hơn 4000 điểm bán, đại lý của Viettel Commerce không chỉ có mặt ở thành thị mà len lỏi đến từng bản làng sát tận biên giới.
KHẢO SÁT LẠI NHU CẦU KHÁCH HÀNG, TỐI ƯU NGUỒN LỰC
Khủng hoảng Covid-19 cũng đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường của các doanh nghiệp viễn thông, đặt ra bài toán buộc các doanh nghiệp này phải mở rộng dịch vụ sang các mảng khác như dịch vụ số, bán thiết bị, sản phẩm. Đối với thị trường Việt Nam, thì tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng bị đại dịch Covid-19 hoành hành, bị tác động tiêu cực nhất.
Điều này đòi hỏi Viettel Hồ Chí Minh cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh, mở rộng sang không gian sản phẩm dịch vụ số, phát triển hạ tầng số để thích ứng với tình hình mới.
Tháng 4/2022, sau nhiều thời gian thuyết phục bằng cách đưa ra các giải pháp hợp lý, Viettel Hồ Chí Minh đã ký hợp tác với UBND TP. Hồ Chí Minh và các quận, huyện hỗ trợ chuyển đổi số. Song song đó, Viettel Hồ Chí Minh cũng tiếp cận với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng đồng hành, cung cấp các hạ tầng số, các giải pháp công nghệ thông tin giúp chủ doanh nghiệp quản lý khoa học, tiết kiệm hơn. Các hoạt động này đã giúp Viettel Hồ Chí Minh tối ưu hóa được chi phí trong việc cân đối giữa đầu tư phát triển hạ tầng với mục tiêu tăng trưởng doanh thu lợi nhuận hàng năm.
Trong lĩnh vực viễn thông truyền thống, Viettel Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với thực tế thị trường bão hòa, có rất nhiều dịch vụ thay thế. Lãnh đạo chi nhánh đã phải dành nhiều thời gian khảo sát trên các kênh, nghiên cứu kĩ hành vi khách hàng để tạo ra được gói cước chủ lực V120Z (Giá cước 90.000 VND miễn phí 20’/cuộc nội mạng, 50’ gọi ngoại mạng và 4GB data/ngày) phù hợp với nhu cầu người dùng. Từ đó, nhân viên kinh doanh cũng tự tin đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo, làm hình ảnh thật nổi bật trên toàn bộ điểm bán nhằm lan tỏa gói sản phẩm. Đây chính là gói cước cởi nút thắt cho chi nhánh Viettel Hồ Chí Minh, giúp chặn đà suy giảm doanh thu.
Sau hai tháng triển khai, doanh thu được cải thiện, doanh thu trung bình tiêu dùng của khách hàng trả sau mới có xu hướng tăng lên 17%. Chưa kể tổng doanh thu từ thuê bao trả trước phát triển mới năm 2022 so với 2021 tăng 80,6%, là một con số tăng trưởng cực kỳ ấn tượng.
Anh Ngô Mạnh Hùng, Giám đốc Chi nhánh Viettel cho rằng: “Với các kết quả như trên, Viettel Hồ Chí Minh thấy rằng chúng tôi đã đi đúng hướng và năm 2023 Viettel Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục quyết tâm với cách làm quyết liệt như trên để hướng đến mục tiêu khát vọng số 1 thị phần di động tại TP.HCM.”
Bài học và sự quyết tâm ấy cũng đã được Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng từng đúc rút: “Mỗi thế hệ, mỗi giai đoạn, Viettel lại tiếp tục hành trình đi chinh phục các đỉnh núi mới. Thách thức sẽ thôi thúc gần 50.000 người Viettel, lao động hăng say, vươn lên mỗi ngày”. Có những thách thức không phải tự mình tạo ra, nhưng “Tinh thần cùng nhau chinh phục” đã trở thành kim chỉ nam cho Trung tâm phân phối của Viettel Commerce và chi nhánh Viettel Hồ Chí Minh vượt qua những khó khăn, để trở thành một trong 10 tổ chức được vinh danh tại Viettel’s Stars 2022.