Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành văn hóa cần đi vào chiều sâu
Những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Để chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả hơn, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan hữu quan và sự tin tưởng của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn khi cần hỗ trợ pháp lý...
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện lồng ghép công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong nhiều hoạt động: từ xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến thanh kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ cũng thường xuyên thực hiện việc duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ (www.bvhttdl.gov.vn), một số cơ quan báo chí thuộc Bộ để doanh nghiệp tra cứu, khai thác thông tin, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật...
Tuy nhiên, trong hoạt động của doanh nghiệp lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Pháp luật được ban hành nhưng chưa được tổ chức thi hành tốt đã ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
“Việc hiểu biết pháp luật hạn chế đã làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng, gây bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định.
Hiện nay, nguồn lực để phát triển văn hóa bao gồm nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế; nguồn lực tài chính, nguồn lực đất đai, nguồn lực khu vực công nghệ tổ chức bộ máy; nguồn lực con người tham gia hoạt động văn hóa…
Theo các chuyên gia, để phát triển văn hóa, đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ, toàn diện các nguồn lực. Do đó, các cơ quan ban ngành cần xác định một trong những giải pháp lớn là tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa của doanh nghiệp.
Vì vậy, để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, đi vào thực chất, chiều sâu và có hiệu quả, cần chú ý tới 6 vấn đề sau:
Thứ nhất, đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng và xây dựng, phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.
Đồng thời chú trọng đầu tư phát triển lực lượng nòng cốt, chủ đạo để có thể dẫn dắt, truyền cảm hứng, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp tới cộng đồng.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng truyền thông mạng xã hội để mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho ngành văn hoá.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của pháp chế doanh nghiệp, cách thức kiểm soát rủi ro pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp lĩnh vực văn hoá. Khuyến khích đầu tư các trung tâm công nghiệp văn hóa tại các địa phương; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư cho phát triển văn hóa, con người.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng bài giảng điện tử có nội dung theo hướng đa dạng cách thực truyền thông như phát trên truyền hình, phát thanh, kênh youtube, mạng xã hội…....
Thứ năm, cập nhật, cung cấp thông tin pháp lý, thông tin về những vấn đề thời sự liên quan đến hoạt động văn hoá của doanh nghiệp; khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tăng cường hiệu quả của đầu tư, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa đã được xây dựng.
Ngoài ra, thứ sáu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở những nơi còn khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.