Huawei đang gặp thách thức trên toàn cầu như thế nào?
Huawei đã sa thải Giám đốc kinh doanh bị nhà chức trách Ba Lan bắt giữ vì bị nghi là gián điệp
Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei đã sa thải Giám đốc kinh doanh bị nhà chức trách Ba Lan bắt giữ vì bị nghi là gián điệp. Vụ bắt giữ này là bằng chứng mới nhất cho thấy Huawei đang gặp thách thức trên phạm vi toàn cầu.
Theo hãng tin Bloomberg, Huawei đã hành động nhanh chóng nhằm hạn chế tối đa có thể ảnh hưởng của vụ bắt giữ nói trên - vụ việc có khả năng làm gia tăng mạnh nỗi lo ngại trên khắp thế giới rằng Huawei hậu thuẫn Bắc Kinh theo dõi các chính phủ phương Tây, cáo buộc mà Huawei luôn phủ nhận.
Trong một tuyên bố, Huawei cho biết đã sa thải Wang Weijing, người phụ trách bán hàng cho khách hàng thuộc khu vực công. Tuyên bố nói ông Wang đã khiến công ty "mất uy tín", nhưng không nói cụ thể hơn. Động thái này diễn ra trước khi tòa án Ba Lan tổ chức điều trần để ông Wang có thể lên tiếng.
Vụ bắt giữ có ảnh hưởng lớn
Huawei - tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, với doanh thu lớn hơn cả Alibaba và Tencent cộng lại - đã trở thành một mục tiêu của sự giám sát gia tăng tại hàng loạt quốc gia phương Tây, từ Mỹ tới Australia và New Zealand. Nhiều nhà mạng đã và đang loại bỏ thiết bị của Huawei vì lo ngại các sản phẩm này có thể trở thành "cửa sau" cho các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Huawei luôn phủ nhận những cáo buộc như vậy, khẳng định rằng sản phẩm của mình là an toàn.
Theo nhận định của ông Brock Silvers, Giám đốc Kaiyuan Capital, vụ bắt giữ ở Ba Lan có thể sẽ có "một ảnh hưởng rất lớn" đối với hoạt động kinh doanh của Huawei, bởi châu Âu là một nguồn doanh thu chủ chốt của tập đoàn này.
"Cho dù cáo buộc đưa ra đối với ông Wang được giải quyết như thế nào, có vẻ như mảng kinh doanh quan trọng của Huawei tại châu Âu sẽ gặp khó trong 2019", ông Silvers nói.
Vụ bắt giữ ông Wang diễn ra trong bối cảnh Huawei trở thành một đối tượng cụ thể và quan trọng trong mối lo ngại của Mỹ đối với sự nổi lên về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Đầu tháng 12 vừa rồi, nhà chức trách Canada đã bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei theo đề nghị của Mỹ.
Một tuyên bố từ Mật vụ Ba Lan cho biết lực lượng chức năng của nước này đã bắt giữ ông Wang cùng với một cựu quan chức cấp cao thuộc Cơ quan An ninh nội địa Ba Lan. Tuyên bố nói có bằng chứng cho thấy hai người này có hoạt động gián điệp chống lại Ba Lan.
"2019 sẽ là một năm nhiều thách thức đối với Huawei tại châu Âu, bởi các nước châu Âu đang ngày càng nghi ngại về hoạt động của Huawei", ông Adam Ni, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận xét. "Vụ việc ở Ba Lan là tin xấu mới nhất trong dòng tin xấu đối với hoạt động của Huawei trên toàn cầu".
Trong tuyên bố ra ngày thứ Bảy, Huawei nói công ty không liên quan gì đến các cáo buộc nhằm vào ông Wang, khẳng định Huawei tuân thủ luật pháp và quy định của các quốc gia sở tại.
Hàng loạt lệnh cấm
Tuy nhiên, phát biểu trên kênh phát thanh RMF, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng Ba Lan, ông Karol Okonski cho biết Warsaw đang cân nhắc đưa ra cảnh báo chính thức về Huawei, và có thể sẽ loại Huawei khỏi thị trường công nghệ thông tin nước này.
Về phần mình, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về vụ bắt ông Wang. Trong một tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi có tin về vụ bắt giữ vào hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc "đề nghị quốc gia liên quan xử lý vụ việc một cách công bằng dựa trên pháp luật" và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của những cá nhân liên quan.
Ngoài khó khăn ở Mỹ và Ba Lan, Huawei còn đang đối mặt khó khăn ở hàng loạt thị trường chủ chốt khác.
Bloomberg cho biết Đức đang cân nhắc hạn chế vai trò của Huawei trong việc xây dựng hạ tầng viễn thông ở nước này. Trước đó, Australia và New Zealand đã ban lệnh cấm thiết bị Huawei trong mạng 5G.
Tháng trước, người đứng đầu cơ quan tình báo Anh nói Chính phủ nước này cần đưa ra quyết định về việc cấm thiết bị Huawei hay không. Czech đã ra cảnh báo về Huawei và Tổng thống nước này Milos Zeman lo ngại Trung Quốc đang tính cách trả đũa.
Mới tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cấm công ty nghiên cứu và phát triển của Huawei là Futurewei Technologies có trụ sở ở Santa Clara, California được xuất khẩu thiết bị và phần mềm viễn thông sản xuất tại Mỹ. Lệnh cấm này xuất phát từ lo ngại các công nghệ và sản phẩm mà Futurewei sản xuất tại Mỹ sẽ được đưa về Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ gọi những công nghệ và sản phẩm này là một rủi ro an ninh.
Là một thành viên EU, Ba Lan dựa nhiều vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ. Chưa có bằng chứng nào cho thấy vụ Ba Lan bắt Giám đốc Huawei có động cơ chính trị, nhưng Chính phủ ở Warsaw được xem là một đồng minh thân cận của Mỹ.