Hướng mốc 10 tỷ USD vào 2026, ngành dược tăng tốc thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất
Thị trường dược phẩm Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD vào 2026, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn dược phẩm toàn cầu. Với chính sách mở cửa và tiềm năng tiêu dùng lớn, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm sản xuất và nghiên cứu dược phẩm tại khu vực…

Ngành dược phẩm Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng hai con số mỗi năm, với quy mô thị trường dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2026. Với tiềm năng tiêu dùng lớn, thể hiện ở nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và môi trường đầu tư cải thiện, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược của nhiều tập đoàn dược phẩm toàn cầu, từng bước khẳng định vị thế trung tâm sản xuất trong khu vực.
DỰ KIẾN ĐẠT 10 TỶ USD VÀO 2026
Tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 7 tỷ USD năm 2025 và dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2026. Cả nước có hơn 238 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn EU-GMP, trên 5.000 cơ sở bán buôn thuốc và trên 62.000 cơ sở bán lẻ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm năm 2024 gần 4,4 tỷ USD, tăng 27,9% so với năm 2023. Các thị trường lớn cung cấp dược phẩm cho Việt Nam trong năm 2024 là Pháp, Mỹ, Đức, Ấn Độ.
Trong đó nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Pháp, đạt 572,46 triệu USD, tăng 31,4% so với năm 2023 và chiếm 13% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngành. Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt 512,53 triệu USD, tăng 30,2%, chiếm 11,7%; thị trường Đức đạt trên 404,8 triệu USD, tăng 26,8%, chiếm 9,2%; thị trường Ấn Độ đạt gần 335,71 triệu USD, tăng 22,7%, chiếm 7,6%...
Ngoài ra, các chuyên gia dự báo với dân số gần 100 triệu người và chi tiêu cho y tế tăng mạnh (tăng 8,7 lần trong 30 năm qua), thị trường dược phẩm Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn dược phẩm quốc tế. Dự báo năm 2026, thị trường dược phẩm sẽ đạt giá trị lên tới 10 tỷ USD, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư và công ty dược phẩm quốc tế gia nhập và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Trong Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cũng đã mục tiêu là đưa ngành dược ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại.
Đồng thời, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN; phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO.
Bên cạnh đó, nhiều công ty dược phẩm châu Âu đang được hưởng lợi rất lớn từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo đó, 51% dược phẩm EU được miễn thuế. Điều này tạo ra lợi thế lớn cho các công ty dược phẩm EU khi gia nhập thị trường Việt Nam, đồng thời giúp tiếp cận vào các hệ thống bệnh viện công, nơi chiếm 65% doanh thu của ngành dược phẩm.
THU HÚT ĐẦU TƯ TỪ CÁC TẬP ĐOÀN DƯỢC TOÀN CẦU
Thúc đẩy ngành dược phát triển mạnh mẽ hơn, ngày 22/1 (theo giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Tọa đàm với các tập đoàn dược phẩm toàn cầu với chủ đề: "Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số - Tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ”.
Tại sự kiện, đại diện các tập đoàn dược phẩm như AstraZeneca, Roche, Sanofi, Novartis, MSD, Safoni, Pfizer, Merck, Sumitomo, Pharma Group,... đánh giá cao những cải thiện trong khung pháp lý đặc biệt tại Luật Dược nhằm tăng cường tiếp cận của người bệnh với các loại thuốc, vaccine mới, và phấn khởi với những định hướng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy các tiến bộ công nghệ mới qua Nghị quyết 57 - NQ/TW.
Đại diện các tập đoàn này cũng chia sẻ về các dự án đầu tư vào hoạt động nghiên cứu lâm sàng, chuyển giao công nghệ sản xuất, các chương trình nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, vai trò của công nghệ và phát minh trong lĩnh vực y tế, dược phẩm và mong muốn đẩy mạnh hợp tác, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, để đưa Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất cạnh tranh trong khu vực.

Đơn cử, Tập đoàn BDR được thành lập năm 2002 là nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ với 80% thị phần trong nước. Tập đoàn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2022. Hiện, BDR đang cung cấp nguyên liệu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy tại Việt Nam và chuẩn bị được phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư.
Ngày 4/4 vừa qua, Tập đoàn dược phẩm Biocodex (Pháp) cũng đã chính thức ra mắt công ty thành viên tại TP. Hồ Chí Minh. Biocodex là tập đoàn dược phẩm cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn cầu được thành lập vào năm 1953 tại Pháp. Doanh nghiệp được biết đến với việc tiên phong phát triển sản phẩm nấm men vi sinh probiotic đầu tiên trên thế giới giúp hỗ trợ hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ hệ vi sinh đường ruột.
Ông Nicolas Coudurier, Tổng giám đốc Tập đoàn Biocodex, cho biết Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của các sản phẩm này. Hiện, quy mô thị trường của Việt Nam đứng 15 thế giới với giá trị khoảng 25 triệu USD và có thể tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới.
"Biocodex quyết định chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm điểm đến đầu tư, thành lập doanh nghiệp thành viên. Sự mở rộng này nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng đáng kể của Việt Nam cũng như tầm quan trọng chiến lược dài hạn của Biocodex tại châu Á. Đặc biệt, sản phẩm nấm men vi sinh được phát triển từ việc lấy cảm hứng của sự kiện phát hiện ra chủng men vi sinh này tại Việt Nam vào những năm 1920 do nhà sinh học người Pháp Henri Boulard”, ông Nicolas Coudurier khẳng định.
Trước đó, ngày 12/3, Mayoly - một trong những công ty dược phẩm lâu đời của Pháp, cũng đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam. Với hơn 116 năm kinh nghiệm trong ngành dược phẩm, Mayoly đã quyết định đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thông qua việc thành lập Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu một bước chuyển mình lớn từ hợp tác phân phối sang đầu tư trực tiếp.