13:52 30/09/2021

iPhone 13 bị giao trễ do dịch bệnh tại Việt Nam

Đức Anh

"Các công ty lắp ráp vẫn có thể sản xuất iPhone mới nhưng khoảng trống về nguồn cung khiến lượng tồn kho mô-đun máy ảnh sắp hết. Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc theo dõi tình hình ở Việt Nam hàng ngày và chờ họ tăng sản lượng”, một nguồn tin của Nikkei Asia cho biết...

IPhone 13 mới ra mắt của Apple gặp phải sự cố sản xuất, một phần do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam - Ảnh: Nikkei Aisa
IPhone 13 mới ra mắt của Apple gặp phải sự cố sản xuất, một phần do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam - Ảnh: Nikkei Aisa

Theo Nikkei Asia, những khách hàng đã đặt mua điện thoại thông minh iPhone 13 mới ra mắt của Apple sẽ phải chờ lâu hơn dự kiến mới nhận được hàng do làn sóng dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra tại Việt Nam cũng như việc hãng công nghệ Mỹ nâng cấp tính năng camera trên dòng điện thoại này.

KHÔNG THỂ LÀM GÌ NGOÀI VIỆC THEO DÕI TÌNH HÌNH TẠI VIỆT NAM

Nguồn tin của Nikkei cho hay, sự gián đoạn này chủ yếu do nguồn cung mô-đun camera cho 4 mẫu iPhone 13 mới bị ảnh hưởng bởi phần lớn các linh kiện được lắp ráp tại Việt Nam.

Trước đó, việc tung ra dòng sản phẩm iPhone mới của Apple được kỳ vọng sẽ diễn ra tương đối suôn sẻ bởi hầu hết các thay đổi của dòng sản phẩm này chỉ là bổ sung thêm và Apple có thể dự trữ nhiều linh kiện quan trọng. Tuy nhiên, đại gia công nghệ Mỹ sau đó đã quyết định nâng cấp lên tính năng chống rung dịch chuyển cảm biến (Sensor-shift OIS) cho camera của cả 4 phiên bản trong dòng iPhone 13, tính năng vốn chỉ có ở iPhone 12 Pro Max. Điều này khiến các nhà cung cấp phải tăng cường sản xuất trong bối cảnh phải chịu ảnh hưởng lớn bởi các lệnh hạn chế nghiêm ngặt do dịch bệnh.

Tính năng Sensor-shift OIS giúp ổn định các cảm biến trên camera, làm cho hình ảnh mượt mà hơn, còn video ổn định hơn kể cả khi người dùng đang chuyển động và đây là một cải tiến của công nghệ chống rung ống kính máy ảnh trước đây.

"Các công ty lắp ráp vẫn có thể sản xuất iPhone mới. Tuy nhiên, khoảng trống về nguồn cung khiến lượng tồn kho mô-đun máy ảnh sắp hết”, một nguồn tin thân cận của Nikkei Asia cho biết. “Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc theo dõi tình hình ở Việt Nam hàng ngày và chờ họ tăng sản lượng”.

Một nguồn tin khác cho rằng tình hình có thể sẽ sớm được cải thiện vào khoảng giữa tháng 10 bởi những ngày gần đây, một trong những cơ sở sản xuất mô-đun camera iPhone chủ chốt tại miền Nam Việt Nam đã dần khôi phục hoạt động sau nhiều tháng bị gián đoạn.

Theo thông tin trên trang web của Apple, thời gian chờ đối với điện thoại iPhone 13 Pro Sierra Blue dung lượng 512 GB lên tới 5 tuần tại Trung Quốc - thị trường lớn thứ ba của Apple. Trong khi đó, thời gian chờ phiên bản tương tự tại Nhật và Mỹ lần lượt là 5 tuần và 4 tuần. Kể cả với iPhone 13 mini - phiên bản có màn hình nhỏ nhất trong 4 phiên bản iPhone mới, thời gian chờ là từ 7-10 ngày tại Trung Quốc và Mỹ, và lên tới 15 ngày tại Nhật.

Việt Nam, được xem là một cường quốc sản xuất công nghệ mới nổi, hứng chịu làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới từ tháng 4 đến nay. Khu vực phía Nam, bao gồm TP.HCM và Bình Dương - nơi đặt nhà máy của hàng loạt nhà cung cấp công nghệ, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 kể từ tháng 4 đến nay. Ảnh: Getty Images
Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 kể từ tháng 4 đến nay. Ảnh: Getty Images

Các nhà cung cấp của những công ty như Apple, Netflix, Nike và Ikea tại đây đã buộc phải tạm dừng sản xuất vào giữa tháng 7 khi chính phủ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh. Các công ty chỉ có thể tiếp tục hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” - công nhân ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc ngay tại công xưởng. Đến nay, các nhà máy đã dần được mở cửa khi công nhân được tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19 thường xuyên và sống tại các vùng không có dịch.

Tại cuộc họp sáng 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời để khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể, quyết định việc chuyển trạng thái, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phụ trách.

THIẾU CHIP VÀ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG Ở TRUNG QUỐC

Cũng giống nhiều hãng công nghệ, Apple đang đối mặt với tình trạng thiếu chip và linh kiện chưa từng thấy trong cả năm qua, kéo tụt doanh thu của công ty. Theo nguồn tin của Nikkei Asia, công ty đã chuyển hướng sử dụng một số chip vốn dành cho dòng iPad mới của mình để dùng trong iPhone 13. Điều này khiến thời gian giao hàng của dòng iPad và iPad mini mới của hãng cũng lâu hơn dự kiến.

Trang web của hãng cho thấy Apple đã giới hạn người tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ được mua tối đa hai chiếc iPad thuộc dòng mới ra mắt - dấu hiệu cho thấy nguồn cung linh kiện với sản phẩm này cũng đang bị hạn chế.

Trong khi đó, tuần này, nhiều nhà cung cấp của Apple ở Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, Trung Quốc phải vật lộn để ứng phó với việc phải dừng sản xuất trên diện rộng. Việc chính phủ Trung Quốc siết chặt tiêu thụ điện dẫn đến việc ngừng cung cấp điện công nghiệp trên khắp các tỉnh này, nơi đặt nhà máy của nhiều nhà sản xuất công nghệ.

Theo Nikkei Asia, đến nay, các công ty lắp ráp iPhone chính của Apple, gồm Foxconn, Pegatron và Luxshare, vẫn chưa bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình trạng cắt điện. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được phạm vi của nguy cơ phản ứng dây chuyền do ngừng hoạt động tại các nhà sản xuất vật liệu, linh kiện, mô-đun cung như nhiều bộ phận khác. Các nhà cung cấp này đang quan ngại về một đợt ngừng cắt điện nữa vào tháng tới.

Việc ngừng cắt điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nhà máy sản xuất công nghệ tại Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Việc ngừng cắt điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nhà máy sản xuất công nghệ tại Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

“Trên thực tế, nguồn cung mô-đun máy ảnh cho dòng iPhone 13 đang bị hạn chế do đại dịch. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới việc giao hàng vẫn nằm trong tầm kiểm soát”, Eddie Han, nhà phân tích cấp cao của Isaiah Research, nhận định với Nikkei Asia.

Tuy nhiên, theo ông Han, tình hình sẽ rất đáng lo ngại nếu việc hạn chế cung cấp điện tại Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng tới các nhà cung cấp bảng mạch in, vật liệu và hóa dầu, bởi điều này có thể tác động tới nguồn cung linh kiện iPhone trong quý tới.