09:36 06/01/2020

Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iraq trục xuất quân Mỹ

An Huy

Vụ không kích của Mỹ vào tuần trước khiến một vị tướng Iran thiệt mạng ở Iraq tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.

Vụ không kích của Mỹ vào tuần trước khiến một vị tướng Iran thiệt mạng ở Iraq tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao, khi Quốc hội Iraq bỏ phiếu quyết định trục xuất quân Mỹ và Iran tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Theo hãng tin Bloomberg, Chính phủ Iran ngày 5/1 nói rằng nước này tự coi mình không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào trong thỏa thuận hạt nhân ký kết với Mỹ và các cường quốc khác của thế giới hồi năm 2015. Đây là thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ hồi năm 2018 nhằm tìm kiếm một thỏa thuận mà ông cho là tốt hơn cho Mỹ, nhưng các cường quốc còn lại vẫn cố gắng duy trì thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.

Về phần mình, Quốc hội Iraq - quốc gia gọi cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ vào sáng sớm hôm thứ Sáu theo giờ địa phương là một hành động vi phạm chủ quyền quốc gia - yêu cầu Chính phủ rút lại đề nghị hồi năm 2014 về nước ngoài can thiệp quân sự vào nước này để chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

1

Quốc hội Iraq trong cuộc họp khẩn ngày 5/1 - Ảnh: Truyền thông Iraq/Bloomberg.

Trước đó, một nhóm vũ trang ở Lebanon vốn được hẫu thuẫn bởi ông Qassem Soleimani, vị Iran thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ, thề sẽ tấn công binh sỹ và các căn cứ của Mỹ. Các quốc gia Vùng Vịnh thì đang cố gắng ngăn chặn những diễn biến xấu hơn của cuộc khủng hoảng này vì lo ngại khu vực sẽ bị đẩy vào mọt cuộc đối đầu quân sự trên diện rộng.

"Niềm tin giữa Iraq và Mỹ đã trở nên lung lay", Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Iraq, ông Adel Abdul-Mahdi, nói trước Quốc hội trong phiên họp khẩn cấp vào ngày Chủ nhật để bàn về phản ứng về cái chế của ông Soleimani. Toàn bộ 172 nghị sỹ có mặt bỏ phiếu thuận với đề xuất trục xuất quân Mỹ, nhưng có khoảng 160 nghị sỹ chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd không dự cuộc họp này.

"Mỹ thất vọng vì hành động ngày hôm nay của Quốc hội Iraq", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố. "Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo Iraq đánh giá lại về tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và an ninh hiện nay giữa hai nước".

Phát biểu trên kênh ABC, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ sẽ "hành xử đúng luật", sau khi Tổng thống Donald Trump gây lo ngại bằng tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng lực lượng của Mỹ đã đặt vào tầm ngắm 52 địa điểm "quan trọng đối với nền văn hóa Iran".

Liên quân do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS ở Iraq ngày Chủ nhật tuyên bố đã dừng tất cả hoạt động đào tạo và các chiến dịch chốt IS ở Iraq, và nguồn lực sẽ được dành cho việc bảo vệ các căn cứ của liên quân ở Iraq.

Dù bị Mỹ coi là một "trùm khủng bố", tướng Soleimali là một nhân vật được nể trọng tại Iran. Hàng nghìn người Iran đã đổ xuống đường vào ngày Chủ nhật để tưởng nhớ và đón thi thể ông Soleimali được đưa về nước. Cái chết của vị tướng này là một đòn giáng mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran vốn đã trở nên mong manh kể từ khi Mỹ rút lui.

2

Người Iran đổ xuống đường đón thi thể tướng Qassem Soleimani ngày 5/1 - Ảnh: CNBC.

Ông Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của tổ chức Hezbollah - đồng minh của Iran ở Lebanon - nói rằng cuộc xung đột đã bước vào một "giai đoạn mới" và Mỹ sẽ phải trả giá cho cái chết của tướng Soleimani bằng cách chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực. Đồng minh của Iran có thể trả đũa Mỹ ở bất kỳ nơi nào tại Trung Đông, ông Nasrallah nói.

Nếu Mỹ rút quân khỏi Iraq, thì động thái đó sẽ khép lại một chương sử bắt đầu bằng cuộc chiến của Mỹ ở nước này vào năm 2003 lật đổ Tổng thống Iraq khi đó là ông Saddam Hussein. Quyết định trục xuất quân Mỹ được Quốc hội Iraq thông qua chỉ vài giờ sau khi ông Trump nói Mỹ đã xác định được 52 địa điểm Iran mà lực lượng của Mỹ sẽ tấn công nếu Tehran trả đũa.

Một lần nữa, ông Trump giải thích rằng Mỹ không kích ông Soleimani là vì vị tướng này đang âm mưu tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao và binh sỹ Mỹ ở Trung Đông.

Các nước Vùng Vịnh - những quốc gia thân Mỹ có nguy cơ trở thành mục tiêu cho việc Iran trả đũa - ra sức kêu gọi các bên bình tĩnh. Giới phân tích cho rằng khả năng báo thù của Iran có thể bị hạn chế bởi tình trạng èo uột của nền kinh tế nước này. Kinh tế Iran đã sa sút nhiều do lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào 2018.

Mặc dù vậy, tên lửa đã được phóng vào khu vực Green Zone ở Baghdad, nơi đặt đại sứ quán Mỹ, vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Giá dầu thô giao sau tại thị trường London và New York có lúc tăng hơn 4% vào sáng sớm ngày thứ Hai theo giờ Việt Nam, giá dầu lên mức cao nhất 4 tháng, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt mạnh. Chỉ số S&P 500 tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống.