21:35 13/06/2019

Jack Ma: "Internet ngày nay quan trọng hơn so với điện thế kỷ trước"

Ngọc Trang

Dù công nghệ số đang ngày càng tạo ra những thay đổi lớn và nhanh chóng trên thế giới, nhiều người vẫn bị bỏ lại phía sau

Từ trái sang phải: người dẫn chương trình Femi Oke, Jack Ma, Melinda Gates và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong cuộc thảo luận được phát trực tiếp tại trụ sở của Liên Hợp Quốc - Ảnh: AP.
Từ trái sang phải: người dẫn chương trình Femi Oke, Jack Ma, Melinda Gates và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong cuộc thảo luận được phát trực tiếp tại trụ sở của Liên Hợp Quốc - Ảnh: AP.

"Ngày nay, việc chúng ta không kết nối với quốc gia khác hoặc không để mọi người kết nối với internet, thì còn tồi tệ hơn việc không được kết nối điện trong thế kỷ trước", Jack Ma, người đồng sáng lập, chủ tịch của Alibaba Group Holding, nhận định trong cuộc thảo luận mới đây về hợp tác trong kỷ nguyên số cùng với nhà từ thiện Melinda Gates và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại trụ sở Liên hợp quốc (UN) ở New York, Mỹ. 

"Kết nối internet sẽ thay đổi rất nhiều thứ, vì vậy chúng ta không nên để người nào ở lại với thế kỷ trước", Jack Ma nói trong cuộc thảo luận được phát trực tiếp từ trụ sở UN. "Kỷ nguyên số mới chỉ bắt đầu".

Theo South China Morning Post, cuộc thảo luận được tổ chức nhân dịp công bố báo cáo "Kỷ nguyên tương thuộc về kỹ thuật số" trong hội thảo cấp cao về hợp tác số của Liên Hợp Quốc do Jack Ma và Melinda Gates đồng chủ trì.

Báo cáo này kêu gọi thúc đẩy hợp tác đa phương giữa các chính phủ để công nghệ số có thể được ứng dụng nhằm cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người. Nỗ lực này đổi lại sẽ được nhận được sự hiệp lực từ nhiều nhóm liên quan khác như các tổ chức xã hội, các nhà công nghệ, hàn lâm và khu vực tư nhân. Báo cáo được công bố trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, gây xáo trộn lớn cho thương mại quốc tế và hợp tác trong nghiên cứu công nghệ cao.

Theo báo cáo này, dù công nghệ số đang ngày càng tạo ra những thay đổi lớn và nhanh chóng, nhiều người vẫn bị bỏ lại phía sau. Hiện tại, hơn một nửa dân số thế giới "vẫn không đủ khả năng tài chính để tiếp cận internet hoặc dù được kết nối nhưng chỉ được hưởng lợi một phần nhỏ so với tiềm năng".

Đồng tình với quan điểm của Jack Ma, Melinda Gates - vợ của tỷ phú Bill Gates, cho rằng internet là thứ nên dành cho tất cả mọi người, đồng thời nên tập trung vào nữ giới trên khắp thế giới - những người có khả năng tiếp cận internet thấp hơn 40% so với nam giới.

"Ngày nay, cơ sở hạ tầng không chỉ là đường xá, nước hay điện", Gates nói. "Những thứ đó vô cùng quan trọng và chúng ta vẫn cần phải thúc đẩy, nhưng nó cũng bao gồm việc được tiếp cận với thông tin".

Báo cáo này cho thấy tỷ lệ người dân tại các nước đang phát triển tiếp cận với internet đã tăng nhanh trong thập kỷ qua - từ 14,5% năm 2008 lên 45,3% vào năm 2018 - nhưng gần đây đã giảm tốc.

Tỷ phú Jack Ma cho rằng toàn cầu hoá ở giai đoạn hiện tại là "chưa đủ toàn diện" và không giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp nhỏ. "Tạo ra việc làm, đảm bảo an ninh và sự riêng tư không chỉ là quan ngại của các chính phủ. Khu vực tư nhân cũng nên suy nghĩ về những vấn đề này", Jack Ma nói. "Chỉ khi bạn nghĩ việc làm, về sự toàn diện, an toàn và riêng tư, công ty của bạn mới có thể phát triển bền vững và được chào đón trong thế kỷ này. Nếu không, bạn sẽ bị đào thải".

Báo cáo này cũng đưa ra một số kiến nghị, bao gồm cải thiện về mặt tài chính, góp phần tạo ra một nền kinh tế số toàn diện, hỗ trợ các nhóm thiểu số và cải cách hệ thống giáo dục để trang bị tốt cho sinh viên trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, các quốc gia cũng cần phải tập trung vào quyền riêng tư và cải thiện vấn đề an ninh, tín nhiệm, bởi khi bước vào thế giới trực tuyến, sẽ ngày càng có nhiều dữ liệu được khai thác từ các hoạt động số.

"20 năm trước, chúng ta đã lạc quan một cách ngây thơ về toàn cầu hoá. Chúng ta cho rằng toàn cầu hoá sẽ không chỉ giúp sản sinh ra khối lượng tài sản khổng lồ, mà còn 'chia sẻ thịnh vượng' giữa người giàu vào người nghèo, làm lợi cho tất cả mọi người. Nhưng điều này không đúng", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nói. "Sự chênh lệch (giàu nghèo) ngày càng lớn. Chúng ta phải toàn cầu hoá cho tất cả mọi người, không để ai ở lại phía sau, bởi nếu không, những xung đột và ngờ vực chắc chắn sẽ gia tăng".