Khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó thiên tai tại miền núi, trung du Bắc Bộ
Đợt mưa lũ từ ngày 9 đến sáng 11/6 đã khiến 3 người thiệt mạng; 2.407 nhà bị ngập nước; 2.424 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; nhiều điểm giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng trên 21.400 m3 đất, đá, bê tông…
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, đêm hôm qua, từ 19 giờ 10/6-7 giờ 11/6, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Phổ Yên (Thái Nguyên) 185mm, Sông Công (Thái Nguyên) 183mm, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) 66mm, Cổ Phúc (Yên Bái) 71mm.
MƯA VÀ LŨ GÂY THIỆT HẠI LỚN
Trước đó, từ ngày 9/6 đến chiều 10/6/2924, khu vực miền núi phía Bắc có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 90-120mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hà Giang (Hà Giang) 149mm; Đạo Đức (Hà Giang) 148mm; Lào Cai (Lào Cai) 172mm; Thanh Thuỷ (Lào Cai) 144mm (mưa to tập trung vào đêm và rạng sáng ngày 10/6).
Tính 3 ngày từ ngày 8 đến 7 giờ sáng 11/6, tổng lượng mưa phổ biến ở Bắc Bộ từ 100-150mm; riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có mưa rất to với tổng lượng mưa từ 200-250mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Phình Hồ (Quảng Ninh) 393mm; Tiên Yên (Quảng Ninh) 365mm; Quất Đông (Quảng Ninh) 349mm; Đồ Nghi (Hải Phòng) 322mm; Cửa Cấm (Hải Phòng) 276mm.
Dự báo chiều và tối ngày 11/6, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-20mm, có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường suất lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
"Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã thăm hỏi gia đình người bị nạn, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; tiếp tục tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại".
Ông Vũ Xuân Thành, Trưởng ca trực đêm 10/6 của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.
Tỉnh Hà Giang đang trải qua với trận mưa lũ lớn nhất trong 30 năm qua. Tổng hợp báo cáo nhanh từ Văn phòng Phòng chống thiên tai các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Phòng, mưa lớn, ngập úng, lũ, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn. Tính đến sang 11/6, đã có 3 người thiệt mạng tại Hà Giang.
Về nhà: 2.407 nhà bị ngập nước, thiệt hại, trong đó nặng nhất là Hà Giang 1.238; Quảng Ninh 1.119 nhà. Về nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản: 2.424 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 157 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại; 513 con gia súc, 230 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về giao thông: nhiều điểm bị sạt lở, ngập lụt với tổng khối lượng trên 21.400 m3 đất, đá, bê tông.
KHẨN TRƯƠNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Chiều 10/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 57/CĐ-TTg yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Công điện gửi: Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng và Thanh Hóa.
Công điện nêu: Từ đêm ngày 08 đến sáng ngày 10/6/2024 do ảnh hưởng của rãnh thấp nhiệt đới kết hợp với vùng xoáy thấp, ở một số địa phương khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 40-120mm; khu vực tỉnh Quảng Ninh - thành phố Hải Phòng lượng mưa từ 150-300mm, tỉnh Hà Giang từ 100-250mm (riêng tại xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên lượng mưa lên tới 428mm).
Do ảnh hưởng của mưa lớn, trên thượng nguồn sông Lô (Hà Giang), sông Gâm (Cao Bằng) đã xuất hiện lũ; mực nước cao nhất trên sông Lô tại Hà Giang, sông Gâm tại Bảo Lạc vượt báo động 3, làm 3 người chết và một số người mất tích. Mực nước các hồ thủy điện: Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2023; một số khu vực thuộc các thành phố: Hà Giang, Uông Bí, Hạ Long, Hải Phòng bị ngập sâu, giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
"Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn".
Theo Công điện của Chính phủ.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong mấy ngày tới (từ ngày 14-17 tháng 6) khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao từ 100-150mm/24 giờ; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu tại các vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại đô thị. Trên các sông thuộc lưu vực sông Thao, sông Đà, sông Lô có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tỉnh Hà Giang và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc vùng núi, trung du Bắc Bộ phải huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn, nhất là những gia đình chính sách, hộ bị mất nhà cửa, gia đình neo đơn, hộ nghèo, khó khăn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, trong đó tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ đập, vận hành theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập.