07:28 10/11/2022

Khánh Hoà phục hồi vịnh Nha Trang

Mộc Minh

Các hoạt động lặn biển sẽ tạm dừng để phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.

Theo tỉnh Khánh Hòa, vịnh Nha Trang là thành viên thứ 29 của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới, là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời cũng là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia phải được bảo vệ hiệu quả.

Thời gian qua, môi trường vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Do đó, việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang, bao gồm khu vực biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển tỉnh Khánh Hoà phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Do đó, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch tổng thể với 16 nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi vịnh Nha Trang và rạn san hô ở Hòn Mun.

Cụ thể, tạm dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023. Trong đó, tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển ở các địa điểm rạn san hô bị suy thoái ở Hòn Mun và các địa điểm khác (nếu có).

Tạm thời giữ nguyên diện tích và tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi trồng thuỷ sản hiện có trên vinh Nha Trang. Di chuyển hoạt động lưới đăng ra khỏi Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt tại phía Nam Hòn Mun…

Đồng thời, phục hồi san hô tại khu vực này với các biện pháp kỹ thuật phù hợp, loại bỏ rác thải nhựa trong rạn san hô.

Từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2026: phục hồi và bảo tồn rùa biển trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận.

Đặc biệt, thử nghiệm tạo rạn san hô nhân tạo sẽ thực hiện từ năm 2023 tới năm 2028. Trong đó, lựa chọn một điểm thử nghiệm tạo rạn gắn với sinh thái biển và nghề cá giải trí…

Bên cạnh đó, khảo sát và phân vùng chức năng bảo tồn biển vịnh Nha Trang; kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang…

Tỉnh Khánh Hòa cho rằng công tác phục hồi phải huy động được các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư sống trong và lân cận địa bàn quản lý vịnh Nha Trang tham gia giám sát, bảo vệ và bảo tồn rạn san hô gắn với phát triển kinh tế.

Vì vậy, giải pháp đưa được ra là nâng cao ý thức kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường, tạo sinh kế bền vững của cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô.

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hoà cũng đưa ra nhiệm vụ nâng cao năng lực và tạo nguồn tài chính bền vững cho Ban quản lý vịnh Nha Trang và Đội công tác liên ngành trên vịnh. Đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong vịnh.

 

Độ phủ rạn san hô giảm nghiêm trọng

Theo ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang, giữa tháng 6/2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến dịch vụ du lịch giảm mạnh, độ phủ san hô sống lên đến 61%.

Ông Thái cũng cho biết thêm, đợt khảo sát đầu năm 2022 cho thấy chất lượng rạn san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình. So sánh với năm 2015, rạn san hộ ở Hòn Mun có độ phủ trung bình giảm nghiêm trọng ở khu vực đông bắc - tây bắc từ 53,7% xuống còn 32,6%. Còn khu vực đông nam - tây nam từ 52,2% xuống còn 11,1%.

Cụ thể, khu vực tây nam của Hòn Mun có tỷ lệ bao phủ san hô chỉ còn 7,8%, tình trạng rạn được đánh giá rất kém. Khu vực đông nam đảo Hòn Mun, độ bao phủ san hô chỉ còn 14,5%, cũng xảy ra tình trạng gãy đổ san hô với diện tích khoảng 300 m2. Khu vực tây bắc đảo Hòn Mun, san hô chỉ còn 24,6%. Khu vực đông bắc, tỷ lệ bao phủ san hô cũng chỉ đạt mức 41%.

Theo PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, vịnh Nha Trang không phải chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa mà là tài sản của cả nhân loại, bằng chứng là nó được công nhận một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Ngoài yếu tố vịnh đẹp, hệ sinh thái dưới biển trong đó có san hô là điều kiện đủ để được công nhận.

Nguồn lợi thủy sản từ biển thì các rạn san hô góp 50% công sức nuôi dưỡng, nếu mất chúng đi, ta mất chừng đó giá trị lợi nhuận bền vững từ biển. Cần phải có chính sách, đường lối sao cho phù hợp để bảo tồn, phát triển chứ không thể khai thác quá mức như hiện nay.