11:14 28/02/2013

Khi “đại gia” SPDR Gold Trust liên tục bán tháo vàng

An Huy

7 phiên bán ròng vừa qua của SPDR Gold Trust là chuỗi phiên bán ròng dài nhất kể từ khi quỹ này bắt đầu đi vào hoạt động

Vàng quốc tế hiện đang trong giai đoạn chịu áp lực giảm giá lớn khi 
mà chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ đã không còn có tác dụng hỗ trợ rõ
 rệt đối với giá vàng như trước.
Vàng quốc tế hiện đang trong giai đoạn chịu áp lực giảm giá lớn khi mà chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ đã không còn có tác dụng hỗ trợ rõ rệt đối với giá vàng như trước.
Tính đến hôm qua (27/2), quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã có phiên bán ròng thứ bảy liên tục. Chỉ trong vòng 1 tuần qua, quỹ này “xả”  42 tấn vàng.

Trong động thái mới nhất, phiên hôm qua, SPDR Gold Trust bán ròng 12 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ về mức 1.258,4 tấn, trị giá gần 64,9 tỷ USD, từ mức 1.270,4 tấn trong phiên trước đó. Đây là mức nắm giữ thấp nhất của SPDR Gold Trust trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây.

Hãng tin Reuters cho hay, 7 phiên bán ròng vừa qua của SPDR Gold Trust là chuỗi phiên bán ròng dài nhất kể từ khi quỹ này bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2004.

Từ thứ Tư tuần trước tới thứ Tư tuần này, khối lượng nắm giữ vàng của SPDR Gold Trust đã giảm từ gần 1.300 tấn xuống còn 1.258,4 tấn, tương đương mức bán ròng khoảng 42 tấn. Nếu tính từ đầu năm tới thời điểm này, quỹ đã bán ra gần 93 tấn vàng, so với mức mua ròng 96,25 tấn vàng trong cả năm 2012.

Hôm thứ Tư tuần trước (20/2), SPDR Gold Trust đã có phiên bán ròng vàng mạnh nhất trong vòng 1 năm rưỡi, với mức bán ròng xấp xỉ 20,8 tấn.

Không chỉ có SPDR Gold Trust mà nhiều quỹ tín thác đầu tư vàng khác như COMEX Gold Trust hay ETF Securities cũng bán ròng trong thời gian gần đây, khi mà giá vàng thế giới liên tiếp điều chỉnh giảm.

Quỹ tín thác (ETF) vàng là các quỹ phát hành các loại chứng khoán được đảm bảo bằng vàng. Đây là một cách phổ biến để đầu tư vào vàng ở Mỹ và châu Âu kể từ khi quỹ tín thác vàng đầu tiên được mở vào năm 2004.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), với khối lượng vàng đang nắm giữ hiện nay, SPDR Gold Trust vẫn là một kho vàng lớn hơn dự trữ vàng quốc gia của các nước như Trung Quốc, Thụy Sỹ, Nga, Nhật. Thống kê mới nhất từ WGC cho thấy, Trung Quốc hiện có dự trữ 1.054 tấn vàng, Thụy Sỹ có 1.040 tấn vàng, Nga có gần 958 tấn vàng, và Nhật Bản có hơn 765 tấn vàng.

Khối lượng nắm giữ của SPRD Gold Trust đạt đỉnh 1.353 tấn vàng vào tháng 12/2012. Kể từ đó đến nay, quỹ này hầu như chỉ có bán chứ không mua vào. Song song với đó, giá vàng thế giới hiện đã giảm 4,5% kể từ đầu năm tới nay.

Theo Reuters, các động thái mua-bán của quỹ này có thể được xem như một “hàn thử biểu” về niềm tin của giới đầu tư đối với vàng.

Vàng quốc tế hiện đang trong giai đoạn chịu áp lực giảm giá lớn khi mà chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ đã không còn có tác dụng hỗ trợ rõ rệt đối với giá vàng như trước. Chưa kể, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm nhờ các tín hiệu phục hồi kinh tế cũng làm khiến vàng giảm sức hấp dẫn.

Về mặt lý thuyết, chứng chỉ quỹ của các quỹ tín thác vàng rất dễ bị các nhà đầu tư bán ra để chuyển vốn sang các tài sản khác như cổ phiếu.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng Mỹ công bố mới đây, nhà đầu cơ tỷ phú John Paulson đã cắt giảm lượng nắm số chứng chỉ quỹ SPDR Gold Trust xuống còn 17,3 triệu chứng chỉ quỹ tính đến cuối quý 4/2012, trị giá khoảng 2 tỷ USD, từ mức 20,3 triệu chứng chỉ quỹ trong quý trước đó.

Một số tổ chức lớn gần đây cũng tỏ ra bi quan về triển vọng giá vàng. Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã cắt giảm mức giá mục tiêu 3 tháng của vàng về 1.615 USD/oz từ mức 1.825 USD/oz trước đó. Ngoài ra, mức giá mục tiêu của 6 tháng và 12 tháng của vàng cũng bị ngân hàng này lần lượt giảm về 1.600 USD/oz và 1.550 USD/oz từ các mức 1.805 USD/oz và 1.800 USD/oz đưa ra trong lần dự báo trước.