16:48 30/12/2009

Khi doanh nghiệp thủy sản làm khó lẫn nhau

Thiện An

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu đoàn kết, cạnh tranh giành khách?

Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ chào bán với giá 2,3-2,4 USD/kg, thấp chưa từng thấy.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ chào bán với giá 2,3-2,4 USD/kg, thấp chưa từng thấy.
Ba tháng cuối năm là thời điểm các nhà nhập khẩu thủy sản các nước đẩy mạnh mua vào. Nhưng hiện tại, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã “đuối sức” khi hoạt động xuất khẩu không mấy sáng sủa, phải lo đối phó với việc bị nhà nhập khẩu ép giá.

Tuy nhiên, đây lại là lúc hầu hết các doanh nghiệp quay ra làm khó lẫn nhau vì lợi nhuận riêng.

Tại hội thảo đánh giá tác động của xuất khẩu thủy sản sau thời gian gia nhập WTO mới diễn ra tại Tp.HCM, TS Nguyễn Thị  Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng: các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu đoàn kết, cạnh tranh giành khách, bán phá giá lẫn nhau.

 “Mua dây buộc mình”

Ông Võ  Đông Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết, hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và EU đang giảm mạnh về số lượng và giá bán. Để được xuất hàng, nhiều doanh nghiệp tranh thủ chào bán với giá thấp ở các thị trường mới, đặc biệt tại Mỹ. Do được hưởng thuế suất bằng 0% nên một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ chào bán với giá 2,3-2,4 USD/kg, thấp chưa từng thấy.

“Các nhà nhập khẩu cũng nhân cơ hội này tìm cách đẩy giá xuống, ép giá. Vì thế trong tháng 9, dù lượng thủy sản xuất vào Mỹ tăng 1,9% so với tháng trước, nhưng lại giảm 26,7% về giá trị. Tình trạng này cũng tương tự các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi”, ông Đức lo ngại.

Bức tranh xuất khẩu thủy sản năm 2009 vẫn ảm đạm do kinh tế  toàn cầu suy giảm. Để đón đầu vượt qua thách thức, ngành thủy sản Việt Nam đã dự báo, mở rộng hơn những thị trường tiêu thụ, đồng thời ổn  định nguồn nguyên liệu, thông qua đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác và đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít doanh nghiệp “mua dây buộc mình” bởi cách làm ăn thiếu thật thà.

 “Các nhà xuất khẩu trong nước lo sợ mùa xuất khẩu qua đi mà không bán được hàng nên chỉ cần có lãi chút đỉnh là sẵn sàng ký hợp đồng. Điều này cũng đã kìm hãm giá cá tra, basa nguyên liệu trong nước không thể tăng được”, ông Đức nhận định. Một số doanh nghiệp bị đòi giảm giá quá sức chịu đựng nên buộc phải từ chối hợp đồng, dù hàng trong kho còn nhiều. Theo ông Võ Hoàng Trọng, Giám đốc Công ty Thủy sản Trân Châu (Tp.HCM), dù đã chào hàng tại nhiều thị trường nhưng đều nhận được yêu cầu “giảm giá mới mua”, có nơi đòi giảm 50%.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, căn cứ  vào giá nguyên liệu trong nước thì doanh nghiệp không thể giảm giá bán hơn được. Người nuôi trồng và đánh bắt trong nước chịu sức ép rất lớn do giá xăng dầu tăng nên họ bỏ ao, người đánh bắt hạn chế ra khơi.

Ngư dân khó đã đành, song gánh nặng thiếu nguyên liệu để chế biến lại đè nặng lên vai các doanh nghiệp. Các ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất tiền vay đến mức chóng mặt. Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn cầm cự bằng cách nhập nguyên liệu về để chế biến. Còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì bó tay, giá nguyên liệu trong nước tăng vọt. Các hợp đồng đã ký với đối tác từ đầu năm bị chậm và gián đoạn, khiến đối tác đòi bồi thường thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa và phá sản.

Cần quy hoạch trên cơ sở liên kết cấp vùng

Các nước nhập khẩu thủy sản luôn đưa ra những hàng rào kỹ thuật, quy định mới về dư lượng chất kháng sinh. VASEP đã kiến nghị cơ quan chức năng nên đưa ra danh sách các chất kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cũng như các chất bị cấm, tránh tình trạng người nuôi hay các nhà máy chế biến đổ lỗi cho nhau khi sản phẩm bị nhiễm kháng sinh. Tuy nhiên, cái khó là mỗi thị trường nhập khẩu lại có những quy định khác nhau. Thị trường này chấp nhận, thị trường khác thì cấm.

Theo Thứ  trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương, trước mắt mỗi tỉnh, thành trong vùng phải xúc tiến việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có tính đến việc quản lý và thực hiện quy hoạch trên cơ sở liên kết cấp vùng. Đồng thời, cải tiến nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và bảo vệ môi trường.

Việc thành lập hiệp hội chế biến thủy sản cấp vùng làm trung tâm liên kết các hoạt động phát triển công nghiệp chế biến thủy sản giữa các địa phương sẽ phát huy sức mạnh nội lực. Từ đó tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan quản lý Nhà nước - doanh nghiệp chế biến với người nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản tăng tốc trong thời gian tới.