16:47 12/04/2010

Khi nào mới nên tính đến vàng?

Anh Quân

Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đề xuất nên đưa vàng ra khỏi danh sách mặt hàng xuất nhập khẩu

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - Ảnh: Anh Quân.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - Ảnh: Anh Quân.
Sau khi xuất hiện ý kiến từ phía Hiệp hội Kinh doanh vàng, theo đó nên đưa vàng ra khỏi danh sách mặt hàng xuất nhập khẩu và xem vàng như một ngoại tệ mạnh, đã có nhiều kiến nghị phản bác lại đề xuất này.

Trao đổi với VnEconomy bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 16 vừa qua, Bộ trường Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng bày tỏ sự không đồng tình. Ông nói:

- Vàng vẫn phải tính vào trong thống kê xuất nhập khẩu vì nó nằm trong các hoạt động trao đổi thương mại, thể hiện trong thống kê thì vẫn phải tính.

Chỉ khi tính toán về tăng trưởng và xu hướng xuất nhập khẩu thì mới không nên tính vàng vào, có thể nó sẽ phản ánh không đúng, vì còn phụ thuộc vào thời điểm hay chính sách tiền tệ.

Có ý kiến cho rằng nên coi vàng như một loại ngoại tệ mạnh vì tính thanh khoản cao và khả năng biến đổi dễ dàng thành ngoại tệ khác trên thị trường thế giới. Quan điểm của ông?

Cái đó phải rất cẩn thận. Khi dùng khái niệm liên quan đến tiền tệ, liên quan đến ngoại hối phải rất cẩn thận, cần xem xét trên nhiều khía cạnh.

Chúng tôi chỉ đề nghị, khi xem xét so sánh tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu thì không nên tính vàng vào, chỉ riêng cái đó thôi. Chứ còn thống kê vẫn phải tính, nước nào cũng thế.

Tức là trong cân đối ngoại thương vẫn phải tính vàng?

Cân đối vẫn phải tính. Thực ra, khi nhập vàng vào anh cũng phải bỏ ngoại tệ ra để nhập, hay xuất vàng đi thì anh thu ngoại tệ. Cho nên, trong cân đối ngoại tệ của ngân hàng (ngân hàng trung ương - PV) phải tính cái đó, cân đối thương mại quốc tế phải tính.

Xuất khẩu quý 1/2010 giảm 1,6%; nhưng nhập khẩu đã tăng 37,6% so với cùng kỳ, theo Tổng cục Thống kê. Như vậy, vàng ảnh hướng đến các con số này như thế nào?

Vừa rồi có những đột biến liên quan đến vàng. Cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam tái xuất khẩu vàng dẫn đến xuất khẩu tăng và xuất siêu. Nhưng ngay sau đó lại thành ra nhập siêu.

Năm nay, cùng kỳ Việt Nam không còn tái xuất vàng nữa mà lại nhập khẩu vàng nên bức tranh lại thay đổi. Cho nên, khi so kim ngạch xuất khẩu quý 1 năm nay với cùng kỳ năm 2009 thì giảm hơn.

Nhưng thực ra không phải. Nếu tính riêng xuất khẩu hàng hóa thì quý 1 năm nay tăng tới 19%. Như vậy là nó (vàng - PV) phản ánh sai.

Năm ngoái thì nói rằng tự nhiên xuất siêu, nhưng có phải đâu, chỉ có mấy tháng, sau đó lại là nhập siêu. Xu hướng của Việt Nam thì vẫn là nhập siêu.

Cho nên bây giờ so sánh, vì xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng mà bảo nhập siêu năm nay lớn thì cũng không phải.

Còn các nước họ xuất khẩu quặng vàng hay vàng sản xuất và xuất khẩu vàng thường xuyên như Nam Phi, Nga thì khác, nó trở thành hàng hóa như chúng ta xuất khẩu gạo, phôi sắt... Trong khi, Việt Nam là nước chỉ sử dụng vàng thôi.