10:33 29/07/2008

Khi nước Mỹ bị “rao bán"

Kiều Oanh

Với đồng USD yếu và thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc, các công ty ngoại đang “bỏ túi” các doanh nghiệp Mỹ với giá hời

Không ít người Mỹ cảm thấy nước Mỹ đang bị bán dần từng mảnh!
Không ít người Mỹ cảm thấy nước Mỹ đang bị bán dần từng mảnh!
Với đồng USD yếu và thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc, các công ty ngoại đang “bỏ túi” các doanh nghiệp Mỹ với giá hời.

Những vụ M&A tiêu biểu

Gần đây, có những vụ mua lại lớn phải kể đến là vụ hãng bia khổng lồ Anheuser-Busch với thương hiệu lừng danh Budweiser của Mỹ bị hãng bia InBev của Bỉ mua lại với giá 52 tỷ USD vào ngày 13/7.

Không lâu sau đó, vào ngày 21/7, công ty công nghệ sinh học Roche Holdings của Thụy Sỹ cho biết sẽ “nuốt gọn” phần còn lại của công ty Genetech có trụ sở ở San Francisco với giá 43,7 tỷ USD. Trước đó, Roche đã sở hữu một phần công ty này.

Vào ngày 23/7, hãng bảo hiểm Nhật Bản Tokio Marine Holdings tuyên bố kế hoạch mua lại công ty bảo hiểm Philadenphia Consolidated Holding với giá 4,39 tỷ USD. Cũng trong tháng 7 này, 90% cổ phần của tòa nhà Chrysler Building đã bị bán lại cho Hội đồng Đầu tư Abu Dhabi với giá 800 triệu USD.

Các hàng tít chạy trên báo về những vụ mua lại như vậy đã đủ để khiến không ít người Mỹ cảm thấy nước Mỹ đang bị bán dần từng mảnh.  Theo thống kê, trong vòng 5 năm qua, đã có tới 2.331 công ty Mỹ với tổng giá trị 772,3 tỷ USD bị bán cho các doanh nghiệp nước ngoài. Riêng trong năm 2007, có 614 công ty Mỹ với tổng trị giá 294,4 tỷ USD bị bán lại, so với con số 226 công ty trị giá 49,6 tỷ USD vào năm 2003.

Năm 2008 này, hoạt động mua lại doanh nghiệp Mỹ của các công ty nước ngoài có chậm lại đôi chút, phản ánh sự đi xuống của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn thế giới trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, tốc độ diễn ra của các vụ mua lại năm nay vẫn có thể suýt soát với những gì diễn ra hồi năm 2006. Tính đến giữa tháng 7, đã có 266 thỏa thuận trị giá 121 tỷ USD được thông qua, so với con số 541 thỏa thuận với tổng trị giá 151,1 tỷ USD trong cả năm 2006.

Những lý do thúc đẩy

Các chuyên gia về M&A khẳng định, có nhiều lý do để cho rằng các công ty nước ngoài sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh việc mua lại các công ty Mỹ. Một nhân tố trong số này là đồng USD yếu. Đồng Euro hiện vẫn đang ở sát mức giá cao kỷ lục so với USD và đã tăng giá 13,6% so với bạc xanh trong vòng 1 năm trở lại đây. Chỉ số giá của USD so với một rổ gồm 6 ngoại tệ mạnh đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có nhiều ý kiến khác nhau về mức độ tác động của đồng USD yếu trong việc hấp dẫn các công ty nước ngoài mua lại doanh nghiệp Mỹ. Một công ty ngoại có thể phải trả ít hơn bằng đồng nội tệ của nước họ, nhưng cũng nhận được ít hơn, vì dòng tiền mặt và lợi nhuận của một công ty Mỹ cũng được tính bằng đồng USD.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, logic này không được áp dụng trong trường hợp một công ty mua một tài sản cứng. Cũng giống như khách du lịch nước ngoài tận dụng đồng USD yếu để mua quần áo, đồ trang sức và các mặt hàng khác với mức giá rẻ, các công ty nước ngoài có thể mua những tài sản như đất đai, nhà cửa, và đặc biệt là thương hiệu, như thương hiệu bia Budweiser chẳng hạn.

Mặc dù đồng USD yếu có thể không phải là một nhân tố quyết định, nhưng nhân tố này có thể thúc đẩy việc các thỏa thuận mua bán diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Một nhân tốc khác có thể chính là mức độ sẵn có của tín dụng. Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên toàn cầu, các công ty nước ngoài dường như vẫn được tiếp cận dễ dàng hơn so với các nguồn tài chính so với ở Mỹ.

Tuy nhiên, thậm chí cả khi mức giá là hợp lý và tín dụng là sẵn có đối với các khách hàng, các công ty tư vấn cho rằng một vụ mua lại tiềm năng mới là vấn đề chiến lược. Chẳng hạn, bằng cách phối hợp với các công ty Mỹ, các công ty tiêu dùng nước ngoài thường tìm cách để tạo ra hệ thống phân phối toàn cầu hiệu quả hơn. Nước Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất và giàu có nhất trên thế giới, do đó nếu một công ty nào đó có tham vọng toàn cầu, công ty đó cần có chân ở Mỹ.

“Chân dung” khách hàng

Vậy các khách hàng mua lại từ đâu tới? Các công ty ở Canada và các quốc gia phát triển ở châu Âu thường là những khách hàng tích cực nhất trong việc mua lại các công ty Mỹ, chiếm tới 69% số vụ mua lại của năm ngoái.

Các công ty châu Á cũng đã thúc đẩy việc mua lại, đặc biệt là các công ty đến từ các nền kinh tế đang nổi lên như Ấn Độ và Trung Quốc. Các công ty này đã tiến hành 23 vụ mua lại trong năm 2008 này và 62 vụ trong năm 2007, gần gấp đôi so với số vụ của năm 2006 và gấp hơn 4 lần số vụ của năm 2005. Tuy nhiên, các công ty đang nổi lên ở châu Á, vốn có xu hướng tập trung nhiều hơn vào việc phát triển thị trường trong nước, chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong số các khách hàng.

Xu hướng khách hàng ngoại mua lại các doanh nghiệp Mỹ có thể tăng tốc nếu những lo ngại về cuộc khủng hoảng tín dụng và kinh tế Mỹ suy yếu giảm bớt, vì xét cho cùng, họ cũng cần thận trọng.

Các công ty tài chính Mỹ, vốn có giá trị thị trường sụt giảm trong năm vừa qua, nằm trong số những đối tượng rốt cục có thể thu hút sự quan tâm của các đối thủ từ bên ngoài. Tuy nhiên, các công ty có ý định thâu tóm hiện vẫn chưa muốn sở hữu những doanh nghiệp đang khốn đốn này vì họ chưa chắc liệu bao giờ giá cổ phiếu tài chính Mỹ thực sự chạm đáy. Những khách hàng mua lại tiềm năng vẫn thích những tài sản an toàn hơn của nước Mỹ, nhất là các công ty năng lượng.

Vấn đề chính trị

Có một điều còn chưa rõ là liệu các vấn đề chính trị sẽ ảnh hưởng ra sao tới việc mua lại các tài sản Mỹ. Trong năm 2006, công ty DP World của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bị cản trở trong nỗ lực mua lại quyền quản lý nhiều cảng của nước Mỹ do giới phê bình lên tiếng về vấn đề an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó tới lúc công bố việc InBev lên kế hoạch mua lại Anheuser, hầu như không mấy ai lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc các công ty nước ngoài mua lại công ty Mỹ. Mặc dù có những phải ứng mang tính cảm xúc khi chứng kiến những thương hiệu lớn của Mỹ như bia Budweiser rơi vào tay nước ngoài, vụ mua lại Anheuser được dự kiến là sẽ được thông qua.

Các cổ đông Mỹ thường tỏ ra thích thú với các đề xuất mua lại, cho dù khách hàng là ai, vì các đề xuất mua lại sẽ giúp làm tăng giá cổ phiếu. Ngoài ra, các công nhân viên và cộng đồng của họ cũng thích các nhà đầu tư nước ngoài hơn. Các công ty nước ngoài mua lại công ty Mỹ thường có tầm nhìn dài hạn, và như thế họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển doanh nghiệp.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 này và chính quyền mới có thể sẽ làm môi trường M&A ở Mỹ thay đổi. Cho tới khi đó, cũng giống như đồng USD rẻ, các vụ mua lại của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lại nhắc nhở nước Mỹ rằng, nền kinh tế này đang theo sau phần còn lại của thế giới trong vấn đề tăng trưởng.

(Theo BusinessWeek)