Khói bụi khiến thị lực của chúng ta suy giảm
Tại các thành phố lớn có lượng khí thải giao thông cao và nhiều công trình xây dựng, việc ô nhiễm môi trường không chỉ gây hại cho hệ hô hấp mà còn làm giảm thị lực của người dân.
Số lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng trên đường phố là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị lớn tại châu Á, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, đe dọa sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân. Đó là lời cảnh báo từ nghiên cứu "Ô nhiễm không khí tại các thành phố châu Á" do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) mới công bố.Các nhà nghiên cứu khẳng định hiện nồng độ tập trung hóa chất PM10 (cực kỳ có hại cho sức khỏe và cuộc sống của con người) sản sinh từ khói xe máy đã tăng đến mức "nghiêm trọng" trong không khí tại Hà Nội, TP.HCM, Jakarta, Bắc Kinh... Đồng thời, khí NO2 và các loại khí thải khác cũng đang tăng lên nhanh chóng cùng với sự gia tăng số lượng các phương tiện cá nhân.
Trong các bộ phận, mắt là một trong những nơi tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với bụi bặm ngoài môi trường. Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến mắt khiến mắt tiết nước gây viêm nhiễm, đồng thời bụi có thể gây cộm, khó chịu, thậm chí trầy xước giác mạc nếu có góc cạnh.Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tiếp xúc với khói xe trong thời gian dài làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Bệnh này về lâu dài có thể gây mù lòa, vì nó ảnh hưởng đến võng mạc của người bệnh. Bệnh này hiện tại chưa có cách chữa trị, do đó ta chỉ có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa.Khi mắc bệnh thoái hóa điểm vàng, trong con ngươi của người bệnh sẽ xuất hiện các đốm làm cho thị lực người bệnh trở nên mờ ảo. Về lâu dài, bệnh này sẽ gây mù lòa hoặc thị lực mờ nhòe ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi). Nghiên cứu cũng cho thấy, người sống ở khu vực ô nhiễm có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi. Hai nhân tố chính gây tổn thương mắt là nitơ đioxit và cacbon monoxit có trong khói xe. Những người sống ở thành phố dễ bị ảnh hưởng hơn bởi mức độ ô nhiễm ở thành thị cao hơn ở nông thôn.
Ô nhiễm ánh sáng, lạm dụng ánh sáng nhân tạo quá mức cần thiét so với khả năng chịu đựng ánh sáng của con người và môi trường cũng có thể gây hại cho mắt. Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến mắt khi phụ thuộc nhiều yếu tố khác như cường độ, bước sóng, thời gian tác động. Đối với cường độ, các nguồn sáng có cường độ cao mang năng lượng được chiếu đến mắt và hấp thụ bởi sắc tố bên trong mắt. Khi đó năng lượng ánh sáng được chuyển thành nhiệt năng, gây đông protein trong tế bào.Vì thế, các nguồn sáng có cường độ cao sẽ ảnh hưởng đến mắt do tác động nhiệt, xảy ra khi nhiệt độ hấp thụ tăng cao hơn nhiệt độ phân tán (thường là 10 độ C). Nếu thời gian và cường độ tác động đến các tế bào trong võng mạc vượt qua ngưỡng phục hồi sẽ gây các tổn thương ảnh hưởng đến khả năng quan sát của mắt.Để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt của mình, bạn hãy đóng cửa kính ô tô khi đi trên đường. Nếu di chuyển bằng xe 2 bánh, bạn nên đeo kính râm khi đi ra ngoài. Sau khi về nhà, sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm sạch và khử trùng mắt. Nếu các chất ô nhiễm đã xâm nhập vào mắt, tránh dụi mắt trực tiếp. Thay vào đó, bạn nên rửa mắt bằng nước sạch, đắp một miếng gạc mát để giảm kích ứng và sử dụng thuốc nhỏ mắt.
Bạn không nên hút thuốc lá, thuốc lào, bởi khói thuốc lá, thuốc lào cũng làm yếu mắt. Bên cạnh đó, theo dinh dưỡng học hiện đại, những thực phẩm có ích cho thị lực cần chứa nhiều các chất như vitamin A, beta-caroten, vitamin C, vitamin E, lutein, selenium… Xin đơn cử một số loại như: quả bơ, rau chân vịt, cá hồi, cà rốt, các loại hạt chứa nhiều Selenium như hạt hướng dương, tỏi; cà chua, cải xanh, cải bó xôi, trứng,… Ngoài ra, bạn nên kiểm tra mắt định kỳ (ít nhất 1 lần/năm).