Khơi mở tiềm năng hợp tác Việt - Pháp trong Kỷ nguyên số
French Tech Summit Vietnam 2025 chính thức khai mạc, mở ra không gian hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa Việt Nam và Pháp...

Sáng 27/5, sự kiện French Tech Summit Vietnam 2025 (FTSV 2025) do La French Tech Vietnam tổ chức, với sự đồng hành của đối tác chiến lược AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu) chính thức được khai mạc tại TP.HCM.
Đây cũng là một trong những hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp được ký kết ngày 7/10/2024, trong đó nhấn mạnh ưu tiên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
KẾT NỐI HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP, SÁNG TẠO GIỮA HAI NƯỚC
Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch La French Tech Vietnam Alexandre Sompheng nhấn mạnh: “Sự kiện là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm chung của hai quốc gia trong việc tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực then chốt, đặc biệt là đổi mới sáng tạo và công nghệ. Đồng thời, thể hiện rõ tinh thần hợp tác Pháp - Việt đang ngày càng được củng cố thông qua một động lực và khát vọng chung trong lĩnh vực công nghệ”.
Tại sự kiện, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM Emmanuelle PAVILLON-GROSSER chia sẻ niềm vui khi có mặt tại hội nghị, đồng thời nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh là một trục xuyên suốt trong quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua”.
Bên cạnh đó, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM cũng khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển công nghệ thông qua các tổ chứ cũng như các chương trình hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn với sự tham gia của Ủy ban Năng lượng hạt nhân và Năng lượng tái tạo Pháp (CEA).

Bà Emmanuelle PAVILLON-GROSSER cho biết trong hơn 30 năm qua, đã có khoảng 15.000 kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Pháp và Việt Nam. Đây là hành trình hợp tác được hai bên cùng nhau ghi nhận và tiếp tục thúc đẩy thông qua các hoạt động như hội nghị lần này.
Sự kiện cũng là dịp để đưa các công ty khởi nghiệp và doanh nhân của hai quốc gia vào trung tâm của hợp tác và đổi mới sáng tạo. Hội nghị French Tech Summit Vietnam sẽ tạo cơ hội kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của hai nước, tập trung thảo luận về các chủ đề chiến lược như trí tuệ nhân tạo, môi trường, chuyển đổi số doanh nghiệp và công nghệ tài chính. Trong những lĩnh vực này, hai bên đã triển khai nhiều dự án cụ thể.
TIỀM NĂNG HỢP TÁC VẪN RẤT LỚN
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM, nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai nước thể hiện sự tin tưởng và cam kết đồng hành từ phía Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam vượt qua các thách thức để phát triển bền vững.
Hiện nay, Pháp là một trong những nhà đầu tư lớn từ châu Âu tại Việt Nam với hơn 600 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,8 tỷ USD, tập trung vào năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, công nghiệp chế biến và hạ tầng đô thị.
Dự báo đến năm 2025, dòng vốn FDI từ Pháp vào Việt Nam có thể đạt 44,2 tỷ USD, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và chuyển đổi số. Việt Nam hiện đang nổi lên như điểm đến hấp dẫn trong đầu tư công nghệ cao.
Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy 9 lĩnh vực công nghệ trọng điểm gồm: công nghiệp môi trường, y tế, nhà máy thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, truyền thông số, đô thị thông minh, nông nghiệp xanh và an ninh mạng.
Các chương trình hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Intel, NVIDIA… đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu.
Đồng thời, ông Dũng cho biết thêm hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.HCM hiện xếp thứ 110 trong số 1.000 thành phố toàn cầu và thứ 3 ở Đông Nam Á. Thành phố không ngừng cải thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và triển khai các chiến lược then chốt.
"Mục tiêu của chúng tôi là lọt vào top 100 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất thế giới và nuôi dưỡng 5.000 startup sáng tạo", ông Dũng cho biết.
Trong khi đó, Pháp sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu cùng nhiều phòng thí nghiệm hàng đầu châu Âu về AI, hứa hẹn mở ra nhiều không gian hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như y tế, công nghiệp, môi trường và đô thị thông minh.

Tại sự kiện, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM nhận định tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn. Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong ngành công nghệ, được thúc đẩy bởi lực lượng lao động trẻ, được đào tạo tốt và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Song song đó, Pháp hiện là quốc gia đứng thứ 12 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (WIPO) có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh, với các cụm liên kết cạnh tranh được thiết lập từ năm 2004 và 55 cụm được ghi nhận vào năm 2024.
Đặc biệt, từ năm 2017, Pháp đã thành lập các hệ thống tăng tốc chuyển giao công nghệ để hỗ trợ đưa các sáng chế có tiềm năng từ viện nghiên cứu ra thị trường qua các hình thức như thử nghiệm, khởi nghiệp và cấp phép.
“Pháp sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm này với Việt Nam, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác và chào đón các doanh nhân Việt bước vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Pháp”, bà Emmanuelle PAVILLON-GROSSER nhấn mạnh.
Thông qua hội nghị lần này, các bên kỳ vọng sẽ hình thành những sáng kiến cụ thể, góp phần nâng cao năng lực sáng tạo, năng lực quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững cho cả hai quốc gia.
Đồng thời, sự kiện cũng là sân khấu để các doanh nghiệp trình diễn công nghệ tiên tiến, giới thiệu những giải pháp và cùng hợp tác, nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Tối 25/5, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 27/5, theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường.
Chuyến thăm là điểm đến đầu tiên nằm trong khuôn khổ chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Emmanuel Macron và Phu nhân, gồm: Việt Nam, Indonesia và Singapore.
Trước đó, vào tháng 10/2024, nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nước đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.