Không liên kết được vì thiếu niềm tin
Một nhà nhập khẩu đến Việt Nam mua hàng, điều đầu tiên họ làm là “đi dọ giá”
Chưa bao giờ những cụm từ “khủng hoảng”, “suy thoái”, “khó khăn” xuất hiện trong mặt báo nhiều như trong năm 2009, khi nói về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên kết giữa các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua và được coi là một giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp vượt khó. Đã có những mô hình liên kết thành công được đưa ra tại hội thảo “Liên kết tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào tuần qua.
Mô hình liên kết giữa Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) và Công ty TNHH một thành viên Lương thực TPHCM là một ví dụ. Hai công ty này tận dụng hàng hóa và hệ thống phân phối của nhau, cùng bán hàng, doanh số năm 2009 của Vissan tăng 30%.
Mô hình liên kết giữa hai công ty trên được coi là khá hiếm hoi, khi mà vấn đề liên kết doanh nghiệp đã được đặt ra từ nhiều năm qua. Thực tế, nhiều liên kết đã hình thành, nhưng đều bị “gãy gánh giữa đường” vì thiếu niềm tin.
Giám đốc một doanh nghiệp Việt kiều trong ngành gỗ nói bên lề buổi hội thảo: “Tôi gần như đã mất hết, khi liên kết với một doanh nghiệp trong cùng ngành nghề”. Nhiều năm ở nước ngoài, nên vị doanh nhân Việt Kiều này có nhiều khách hàng từ Mỹ. Khi nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, do năng lực hạn chế, công ty chủ động mời một công ty khác, với quy mô lớn hơn trong ngành gỗ cùng tham gia sản xuất, cung cấp cho đối tác.
“Sau hai năm hợp tác khá ăn ý với nhau, đến đầu năm 2009, những đối tác của tôi không đặt hàng qua công ty nữa, mà đặt trực tiếp từ công ty mà tôi kêu gọi hợp tác”. Ông cay đắng nói, “vì công ty kia giảm giá sản phẩm tới 30% so với mức giá mà hai công ty cùng làm”.
Thiếu liên kết, thiếu thông tin, không thống nhất về giá cả đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong cùng ngành nghề. Một nhà nhập khẩu đến Việt Nam mua hàng, điều đầu tiên họ làm là “đi dọ giá”. Doanh nghiệp nào chào giá rẻ nhất sẽ được chọn.
Chính vì sự thiếu liên kết này, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã đua nhau giảm giá vào giữa năm 2009, lúc cuộc khủng hoảng vẫn còn tác động mạnh. Hậu quả của việc này, theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, “kinh tế thế giới đang phục hồi, mình muốn tăng giá trở lại cũng không được, nếu tăng, những nhà nhập khẩu sẽ tìm nhà cung cấp khác với giá bán rẻ hơn”.
Có những doanh nghiệp muốn vì lợi ích chung, kêu gọi các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại tìm giải pháp để nâng sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu. Nhưng sự phản hồi chỉ là sự im lặng đến khó hiểu. Ông Lý Hải Long, Giám đốc xuất khẩu của Công ty TNHH Bảo Thanh, than thở: “Không liên kết được, vì mọi người không tin nhau. Nhiều lúc nản quá, thôi mình tự làm cho xong”.
Theo ông Long, hiện ở Bình Thuận, chỉ có bốn nhà trồng thanh long đạt tiêu chuẩn Global Gap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) nhưng không ngồi lại được với nhau. Việc không phối hợp được khiến tình trạng xuất khẩu thanh long sẽ còn gặp nhiều trở ngại, do mạnh ai nấy bán, và thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về người nông dân.
Xin trích một đoạn e-mail (không được phản hồi) mà ông Long gửi cho Hiệp hội Thanh Long tỉnh Bình Thuận để thay lời kết. “Mối nguy về đầu ra của trái thanh long ngày càng hiện rõ với sản lượng liên tục gia tăng. Việc không liên kết, luôn tìm cách cạnh tranh bằng giá bán thấp sẽ dẫn ngành trồng thanh long đi vào ngõ cụt. Trên 16.000 héc ta thanh long sẽ đi về đâu trong vòng năm năm tới, người trồng thanh long sẽ ra sao? Chúng ta phải có một phần trách nhiệm trong xã hội này, đây cũng là một trong những tiêu chuẩn mới của châu Âu, Mỹ và các nước tiên tiến đang được áp dụng (CSR - Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội). Rất mong được gặp các anh và cùng nhau đưa ra các giải pháp liên kết mà mọi người đều cảm thấy hạnh phúc khi làm việc cùng nhau…”.
Một liên kết được hình thành phải dựa trên niềm tin. Khi không có niềm tin, những liên kết, nếu có chỉ là mối quan hệ lỏng lẻo, tạm thời. Niềm tin được hình thành dựa trên sự tôn trọng quyền lợi của nhau và có một tầm nhìn lâu dài vì lợi ích toàn cục. Không lẽ nào cộng đồng doanh nghiệp trong nước cứ mãi bị “khủng hoảng” về niềm tin?
Trần Sơn Nghĩa (TBKTSG)
Liên kết giữa các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua và được coi là một giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp vượt khó. Đã có những mô hình liên kết thành công được đưa ra tại hội thảo “Liên kết tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào tuần qua.
Mô hình liên kết giữa Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) và Công ty TNHH một thành viên Lương thực TPHCM là một ví dụ. Hai công ty này tận dụng hàng hóa và hệ thống phân phối của nhau, cùng bán hàng, doanh số năm 2009 của Vissan tăng 30%.
Mô hình liên kết giữa hai công ty trên được coi là khá hiếm hoi, khi mà vấn đề liên kết doanh nghiệp đã được đặt ra từ nhiều năm qua. Thực tế, nhiều liên kết đã hình thành, nhưng đều bị “gãy gánh giữa đường” vì thiếu niềm tin.
Giám đốc một doanh nghiệp Việt kiều trong ngành gỗ nói bên lề buổi hội thảo: “Tôi gần như đã mất hết, khi liên kết với một doanh nghiệp trong cùng ngành nghề”. Nhiều năm ở nước ngoài, nên vị doanh nhân Việt Kiều này có nhiều khách hàng từ Mỹ. Khi nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, do năng lực hạn chế, công ty chủ động mời một công ty khác, với quy mô lớn hơn trong ngành gỗ cùng tham gia sản xuất, cung cấp cho đối tác.
“Sau hai năm hợp tác khá ăn ý với nhau, đến đầu năm 2009, những đối tác của tôi không đặt hàng qua công ty nữa, mà đặt trực tiếp từ công ty mà tôi kêu gọi hợp tác”. Ông cay đắng nói, “vì công ty kia giảm giá sản phẩm tới 30% so với mức giá mà hai công ty cùng làm”.
Thiếu liên kết, thiếu thông tin, không thống nhất về giá cả đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong cùng ngành nghề. Một nhà nhập khẩu đến Việt Nam mua hàng, điều đầu tiên họ làm là “đi dọ giá”. Doanh nghiệp nào chào giá rẻ nhất sẽ được chọn.
Chính vì sự thiếu liên kết này, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã đua nhau giảm giá vào giữa năm 2009, lúc cuộc khủng hoảng vẫn còn tác động mạnh. Hậu quả của việc này, theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, “kinh tế thế giới đang phục hồi, mình muốn tăng giá trở lại cũng không được, nếu tăng, những nhà nhập khẩu sẽ tìm nhà cung cấp khác với giá bán rẻ hơn”.
Có những doanh nghiệp muốn vì lợi ích chung, kêu gọi các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại tìm giải pháp để nâng sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu. Nhưng sự phản hồi chỉ là sự im lặng đến khó hiểu. Ông Lý Hải Long, Giám đốc xuất khẩu của Công ty TNHH Bảo Thanh, than thở: “Không liên kết được, vì mọi người không tin nhau. Nhiều lúc nản quá, thôi mình tự làm cho xong”.
Theo ông Long, hiện ở Bình Thuận, chỉ có bốn nhà trồng thanh long đạt tiêu chuẩn Global Gap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) nhưng không ngồi lại được với nhau. Việc không phối hợp được khiến tình trạng xuất khẩu thanh long sẽ còn gặp nhiều trở ngại, do mạnh ai nấy bán, và thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về người nông dân.
Xin trích một đoạn e-mail (không được phản hồi) mà ông Long gửi cho Hiệp hội Thanh Long tỉnh Bình Thuận để thay lời kết. “Mối nguy về đầu ra của trái thanh long ngày càng hiện rõ với sản lượng liên tục gia tăng. Việc không liên kết, luôn tìm cách cạnh tranh bằng giá bán thấp sẽ dẫn ngành trồng thanh long đi vào ngõ cụt. Trên 16.000 héc ta thanh long sẽ đi về đâu trong vòng năm năm tới, người trồng thanh long sẽ ra sao? Chúng ta phải có một phần trách nhiệm trong xã hội này, đây cũng là một trong những tiêu chuẩn mới của châu Âu, Mỹ và các nước tiên tiến đang được áp dụng (CSR - Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội). Rất mong được gặp các anh và cùng nhau đưa ra các giải pháp liên kết mà mọi người đều cảm thấy hạnh phúc khi làm việc cùng nhau…”.
Một liên kết được hình thành phải dựa trên niềm tin. Khi không có niềm tin, những liên kết, nếu có chỉ là mối quan hệ lỏng lẻo, tạm thời. Niềm tin được hình thành dựa trên sự tôn trọng quyền lợi của nhau và có một tầm nhìn lâu dài vì lợi ích toàn cục. Không lẽ nào cộng đồng doanh nghiệp trong nước cứ mãi bị “khủng hoảng” về niềm tin?
Trần Sơn Nghĩa (TBKTSG)