15:51 13/07/2009

Khủng hoảng kinh tế, robot cũng “ngồi chơi xơi nước”

Kiều Oanh

Trong bối cảnh suy thoái hiện nay, những con robot (người máy) ở Nhật Bản cũng lâm vào cảnh khó kiếm việc làm

Một con robot công nghiệp của hãng Yaskawa - Ảnh Reuters.
Một con robot công nghiệp của hãng Yaskawa - Ảnh Reuters.
Được xem là những “công nhân” mẫn cán và làm việc hiệu quả nhất thế giới, nhưng trong bối cảnh suy thoái hiện nay, những con robot (người máy) ở Nhật Bản cũng lâm vào cảnh khó kiếm việc làm.

Thời gian này, Nhật Bản đang trải qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong hơn một thế hệ người dân ở nước này. Cùng lúc, tại các quốc gia khác trên thế giới, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng xa xỉ như xe hơi và các thiết bị công nghệ. Hàng trăm, hàng ngàn con robot của Nhật vì thế cũng rơi vào cảnh “ngồi chơi xơi nước”.

Robot công nghiệp chờ đơn hàng mới

Tại nhà máy điện tử Yaskawa Electronic ở hòn đảo Kyushu thuộc miền Nam Nhật Bản, hãng sản xuất robot công nghiệp lớn nhất của nước này, nơi những con robot vẫn làm công việc lắp ráp ra những con robot khác, những “công nhân” có thân hình bằng sắt thép này đang nghỉ ngơi, chờ ngày có đơn đặt hàng mới.

Nhưng ngày đó có lẽ còn xa, vì sản lượng công nghiệp của Nhật hiện đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, và vì thế, nhu cầu đặt mua robot của các công ty cũng lao dốc thảm hại. Nhìn vào tương lai, tình hình cũng chẳng mấy tươi sáng. Tài chính thắt chặt đang là một thực tế phũ phàng đối với những dự án robot đầy tham vọng của Nhật Bản, chẳng hạn robot vật nuôi trong nhà, hay robot lễ tân…

“Chúng tôi đang chịu ảnh hưởng nặng nề”, ông Koji Toshima, Chủ tịch hãng robot Yaskawa nói. Trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 20/3 vừa qua, lợi nhuận của hãng này đã giảm khoảng 2/3, xuống còn 6,9 tỷ Yên, tương đương 72 triệu USD. Năm nay, hãng dự kiến sẽ thua lỗ.

Theo Hiện hội Người máy Nhật Bản, số robot công nghiệp được tiêu thụ tại Nhật đã giảm 33% trong quý 4/2008. Sang quý 1/2009, mức giảm tăng lên 59%.

Ông Tetsuaki Ueda, một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Fuji Keizai, dự báo, thị trường robot của Nhật sẽ sụt giảm 40% trong năm nay. Theo chuyên gia này, những khoản đầu tư vào robot sẽ bị cắt giảm đầu tiên, do các công ty muốn bảo vệ việc làm cho các công nhân là người thật. Thêm vào đó, mặc dù trong dài hạn, sử dụng robot sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn, nhưng khoản đầu tư để mua robot là không hề nhỏ.

Vào năm 2005, có trên 370.000 con robot làm việc tại các nhà máy trên khắp nước Nhật, chiếm khoảng 40% tổng số robot công nghiệp trên toàn càu. Bình quân, cứ 1.000 công nhân công nghiệp tại Nhật thì lại có 32 con robot. Năm 2007, Chính phủ Nhật lên kế hoạch sử dụng 1 triệu con robot công nghệp tại nước này ở thời điểm 2025, nhưng với tình hình hiện nay, kế hoạch trên khó thành hiện thực.

“Suy thoái kinh tế đã đẩy lùi ngành công nghiệp robot lại mất nhiều năm”, ông Ueda nói.

Robot gia dụng ế khách

Không chỉ những con robot công nghiệp, mà ngay cả những con robot trong lĩnh vực đồ chơi, giải trí và gia dụng cũng trở thành nạn nhân của suy thoái. Hãng sản xuất robot Systec Akazawa đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 1 năm nay, chưa dầy một năm sau khi giới thiệu mô hình thu nhỏ của con robot đi bộ mang tên PLEN tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng ở Las Vegas, Mỹ.

Con robot “quản gia” Roborior của hãng Tmsuk - một người máy giữ nhà có hình dạng một quả dưa hấu, di chuyển khắp nhà và sử dụng cảm ứng hồng ngoại để phát hiện những di chuyển đáng ngờ, dùng camera để truyền hình ảnh tới chủ nhà đang đi vắng - cũng gặp khó trong việc tìm người sử dụng mới. Chương trình cho thuê robot này cũng đã bị hủy bỏ vào tháng 4 vừa rồi vì không mấy ai quan tâm.

Mặc dù Tmsuk không công bố doanh số của Roborior, nhưng các chuyên gia cho rằng, công ty này chỉ đạt được 1/3 mức doanh số mục tiêu 3.000 con đặt ra khi Roborior lần đầu ra mắt thị trường vào năm 2005. Hiện tại, Tmsuk không có kế hoạch sản xuất thêm loại “quản gia” này.

Đây thực sự là một điều đáng buồn, vì trước đó, chính dân số đang lão hóa của Nhật đã tạo cơ hội cho sự phát triển của những con robot làm việc nhà và robot công nghiệp. Với 25% công dân Nhật ở độ tuổi từ 65 đổ lên, nước này cần dựa vào những con robot để bù đắp cho lực lượng lao động hao hụt và chăm sóc người cao tuổi.

Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ con robot có tên My Spoon của hãng Secom - một loại robot chuyên nhiệm vụ cho người già và người tàn tật ăn uống - cũng đã chững lại, vì khách hàng ngại mức giá 4.000 USD của con robot này. Hãng Mitsubishi Heavy Industries thậm chí còn không bán được một con robot giúp việc nhà Wakamaru mà hãng lần đầu giới thiệu vào năm 2003.

Đối với những con robot nhiều công dụng đã vậy, tình hình còn thê thảm hơn đối với những con robot có ít tính năng thực tế. Chú chó robot Aibo mà hãng Sony giới thiệu vào năm 1999 đã bị hãng này ngừng sản xuất vào năm 1999. Với mức giá 2.000 USD/con, Aibo không tài nào xâm nhập được vào thị trường bình dân.

Con robot đồ chơi mang tên i-Sobot của công ty Takara Tomy - một loại robot có khả năng nhận diện các từ được phát âm - có mức giá hấp dẫn chỉ 300 USD/con. Từ khi xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2007 tới nay, đã có tới 47.000 con robot này được tiêu thụ, trở thành một cú “hit” lớn trên thị trường người máy. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, doanh số của i-Sobot lao dốc nghiêm trọng, khiến Takara Tomy không lên kế hoạch sản xuất thêm.

Ông Kenji Hara, một nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu và marketing Seed Planning, cho rằng, nhiều dự án robot của Nhật Bản dường như quá xa rời thực tế. “Liệu người tiêu dùng có thực sự cần tới những con robot giúp việc nhà hay không?”, ông Hara đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, hãng Fuji Heavy Industries thì cho rằng, những con robot của họ là rất thực tế và có tính kinh tế cao. Một trong những sản phẩm của công ty này là một con robot làm vệ sinh nhà cao tầng có thể tự dùng tháng máy để đi lại. Hiện nhiều tòa nhà chọc trời ở Tokyo đã dùng robot này cho việc lau dọn.

Không chỉ các hãng robot ở Nhật mới gặp khó. Hãng robot Ugobe ở Idaho Mỹ, nhà sản xuất khủng long robot Pleo, đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 4 vừa qua. Dù đã bán được 100.000 con khủng long máy Pleo và thu lãi trên 20 triệu USD, công ty này vẫn mắc nợ hàng triệu USD và không thể tìm kiếm được nguồn tài chính mới.

(Theo New York Times)