Kiến nghị coi chất lượng làm luật là căn cứ đánh giá tín nhiệm
Hiện đang phát sinh một số lượng lớn dự án được Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung, điều chỉnh
Thời gian Chính phủ dành cho mỗi dự án luật còn ít, trong khi cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp còn nể nang, ngại va chạm, xuôi theo ý kiến của ban soạn thảo.
Ngày 8/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Trình bày báo cáo chuyên đề về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chương trình ban đầu, năm 2017 Quốc hội sẽ thông qua 23 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Nhưng qua 4 lần điều chỉnh thì số dự án luật thông qua còn 18 và số cho ý kiến là 12.
Với sự điều chỉnh liên tục như vậy, tại kỳ họp thứ 4 cuối năm nay Quốc hội có ba dự án được bổ sung là: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ông Định cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình năm 2018, hiện đang phát sinh một số lượng lớn dự án được Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung, điều chỉnh.
Trong đó, chỉ riêng các dự án cần được sửa đổi bổ sung, ban hành mới để thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Quốc phòng (sửa đổi) hoặc liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, đầu tư công đã lên đến khoảng 58 dự án luật, pháp lệnh. Nhưng hiện chưa có hồ sơ đề nghị đưa vào chương trình, chưa có dự kiến tiến độ trình.
Khái quát, Uỷ ban Pháp luật đánh giá: công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, thiếu sót dẫn đến việc chương trình phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không bảo đảm thực hiện được đúng kế hoạch đề ra. Chất lượng một số văn bản chưa cao, thiếu tính khả thi.
Báo cáo cũng nêu nhiều bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật mà nhiều năm chưa được khắc phục.
Như, trong việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiều bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, việc thực hiện còn lúng túng, chưa kịp thời.
Nhiều đề nghị, kiến nghị chưa thực sự có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết còn sơ sài, chưa có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện đối với nhu cầu khách quan của việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh cũng như đối với các chính sách cơ bản của từng dự án cụ thể. Nhiều báo cáo đánh giá tác động dự kiến nguồn lực còn mang tính định tính, thiếu định lượng; nhiều báo cáo không có đánh giá về dự kiến nguồn lực ảnh hưởng tới việc bảo đảm tính khả thi của dự án.
Việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của dự án luật.
Việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án mang tính hình thức, lấy lệ, một số cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của mình, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản đồng ý.
Bên cạnh đó vẫn còn có tâm lý vị nể nên thường đưa ra ý kiến ủng hộ chung chung mà không có sự nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, chính xác.
Việc “thảo luận” của Chính phủ thường được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức tổng hợp phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ về một số nội dung của dự án, việc bố trí thời gian Chính phủ thảo luận để bàn sâu về chính sách, biện pháp cụ thể của từng dự án còn rất hạn chế.
Vì vậy, có những dự án đã có tờ trình chính thức của Chính phủ nhưng khi Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành có liên quan.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình; còn nể nang, ngại va chạm, xuôi theo ý kiến của cơ quan soạn thảo; tính phản biện chưa cao - Uỷ ban Pháp luật nhìn nhận.
Về giải pháp để đảm bảo thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Uỷ ban Pháp luật kiến nghị Tổng Thư ký Quốc hội công bố công khai danh sách cơ quan trình, cơ quan soạn thảo không bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước mỗi kỳ họp Quốc hội và coi đây là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong năm 2018.
Uỷ ban Pháp luật cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ cần dành thời gian nhiều hơn nữa cho việc thảo luận tập thể về mỗi dự án luật, thảo luận kỹ nội dung mà bộ, ngành chuyên môn có ý kiến, mặc dù đó là ý kiến thiểu số.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục một số bất hợp lý của quy trình hiện hành - ông Định cho biết.