09:49 31/03/2024

Kiến nghị sửa quy định về cho vay trả nợ tại tổ chức tín dụng khác

Tùng Thư

Trong buổi họp ngày 29/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nêu 5 khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng…

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi  Thông tư số 39/2016/TT-NHNN
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

Thứ nhất, về cho vay trả nợ tại tổ chức tín dụng khác. Hiện, Thông tư  06/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng cho vay để trả nợ tại tổ chức tín dụng khác nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện a) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; b) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

VNBA cho biết những trường hợp khách hàng đã từng cơ cấu nợ, đến thời điểm hiện tại (thời điểm thẩm định cho vay trả nợ trước hạn), khách hàng đã hoàn tất thời hạn cơ cấu nợ và đã quay về tình trạng trả nợ bình thường hoặc nhiều doanh nghiệp có khoản vay trung dài hạn được cơ cấu nợ do COVID 19, có nhu cầu cho vay trả nợ trước hạn tại tổ chức tín dụng khác nhưng bị vướng quy định này của Thông tư 06. Do đó, VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước sửa quy định trên.

Trường hợp vẫn tiếp tục duy trì yêu cầu nêu trên, VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thêm trường hợp cho vay để trả nợ khoản vay nước ngoài thì việc xác định khoản vay nước ngoài đã thực hiện cơ cấu lại nợ là như thế nào, có áp dụng tương tự định nghĩa cơ cấu lại thời hạn trả nợ như Thông tư 39/2016 đã ghi nhận hay không. 

Theo VNBA, hiện nay, Thông tư 39/2016 quy định: “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ…”, trong khi nhiều khoản vay nước ngoài thì bên cho vay là tổ chức khác, không phải là tổ chức tín dụng. Trong khi Thông tư 08/2023/TT-NHNN (về điều kiện vay nước ngoài) thì chỉ có định nghĩa như sau: “Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài là việc trả khoản nợ nước ngoài hiện hữu từ nguồn vốn vay nước ngoài mới”

Thứ hai, về nhu cầu vốn không được cho vay. Khoản 2 Điều 8 Thông tư 06 quy định: “ Để gửi tiền”, VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ hình thức “gửi tiền”nêu tại khoản này được hiểu là các hình thức nào và xác định theo quy định pháp luật nào.

Thứ ba, quy định dư nợ cho vay tối đa qua phương tiện điện tử. Thông tư 39 đang quy định dư nợ cho vay qua phương tiện điện tử không vượt quá 100 triệu đồng/khách hàng. VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng hạn mức cho vay qua phương tiện điện tử đối với hình thức cho vay có bảo đảm 100% bằng sổ tiết kiệm/số dư tiền gửi tại tổ chức tín dụng cho vay, do đây là biện pháp bảo đảm an toàn và ít rủi ro.

Thứ tư, về phương án sử dụng vốn. Khoản 6 Điều 2 Thông tư 39 quy định: “Phương án sử dụng vốn là tập hợp các thông tin… trong đó có thông tin: phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh doanh (trừ nhu cầu vốn phục vụ đời sống).

Thông tư 06 đã sửa đổi như sau: “Phương án sử dụng vốn là tập hợp các thông tin…trong đó có thông tin: Phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở.”

Thứ năm, về thứ tự thu nợ gốc, lãi, Thông tư 06 quy định “Đối với khoản nợ vay có một hoặc một số kỳ hạn trả nợ bị quá hạn, tổ chức tín dụng thực hiện thu nợ theo thứ tự nợ gốc đã quá hạn, thu nợ lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả, thu nợ gốc đến hạn, thu nợ lãi trên nợ gốc mà đến hạn chưa trả.”

VNBA cho rằng quy định này đã dẫn đến khó khăn cho tổ chức tín dụng và khách hàng. Cụ thể: khách hàng có kỳ hạn lãi bị quá hạn đến 90 ngày và có nợ gốc vừa đến hạn trong ngày nhưng do chưa có đủ nguồn thu để thanh toán nợ lãi quá hạn và nợ gốc đến hạn nên khách hàng đề nghị ngân hàng thu lãi quá hạn trước gốc đến hạn. Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 39 thì ngân hàng phải ưu tiên thu nợ gốc đến hạn trước, dẫn đến khoản nợ lãi bị quá hạn trên 90 ngày và chuyển sang nợ xấu. Do đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại quy định về việc thu nợ gốc, lãi.

Theo VNBA, quy định về trật tự thu nợ gốc trước, thu lãi sau này, cùng với quy định của Bộ Luật Dân sự về mức lãi suất 10% năm đối với tiền lãi quá hạn sẽ khiến nhiều khách hàng lợi dụng điều khoản này để chây ỳ không thanh toán các khoản lãi trong hạn, lãi quá hạn cho các tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng.

Trên thực tế, khi tranh chấp ra tòa, tổ chức tín dụng kiện khách hàng yêu cầu khách hàng thanh toán khoản lãi trong hạn, quá hạn này thì tòa án hiện vẫn thường từ chối thụ lý do việc khách hàng đã thanh toán đủ gốc nên không có gốc để xác định được số tiền lãi đang yêu cầu.

Do đó, VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi theo hướng “Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay (bao gồm cả nợ trong hạn và nợ quá hạn)”.