Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 14 lần nhờ tích cực mở rộng thị trường
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ mốc 800 triệu USD năm 1998, đã tăng lên 11 tỷ USD vào năm 2022, tức là tăng 14 lần trong 25 năm. Hơn nữa, con số 692 nhà máy có mã xuất khẩu EU code trong tổng số 847 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của ngành thủy sản Việt Nam…
Sau hành trình 25 năm đầy thách thức, xuất khẩu thủy sản đã có những bước tiến vượt bậc, từ 800 triệu USD năm 1998 đã tăng lên 11 tỷ USD vào năm 2022. Đây là con số ấn tượng được công bố tại Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn ra ngày 12/6/2023, tại TP. Hồ Chí Minh.
VƯỢT QUA NHIỀU RÀO CẢN THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Theo báo cáo của VASEP, từ những ngày đầu khai phá thị trường với con số 19 nhà máy được cấp mã EU code, VASEP đã đồng hành cùng các doanh nghiệp hội viên và toàn ngành đạt được những cột mốc đáng nhớ. Đó là, đưa doanh số xuất khẩu tăng dần từ mốc 800 triệu USD năm 1998 lên 4,5 tỷ USD sau 10 năm (2008) và lên gần 9 tỷ USD sau 20 năm (2018), cán mốc 11 tỷ USD vào năm 2022. Đến nay, trong số 847 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, đã có 692 nhà máy được cấp mã xuất khẩu EU code.
Một phần cơ bản làm nên thành tích đó là sự tích cực mở rộng thị trường bằng những chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ quốc tế và trong nước hàng năm. Đặc biệt, VASEP và các doanh nghiệp đã và đang cùng nhau vượt qua các rào cản thương mại quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao vị thế thủy sản Việt Nam.
Những dấu ấn trên thương trường thủy sản quốc tế và của ngành thủy sản Việt Nam phải kể đến vụ kiện chống bán phá giá (cá tra, tôm) tại Mỹ, sự phối hợp vững vàng, tính chuyên nghiệp của VASEP và các doanh nghiệp mang lại kết quả là đến nay chúng ta vẫn duy trì được vị trí ngành hàng tôm và cá tra trên thị trường lớn nhất thế giới này và giữ được thuế quan thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp.
Có những cơn sóng ngầm, “âm ỉ và nguy hiểm” mà ngành thủy sản phải đối diện và bền bỉ đi qua. Đó là hiện tượng truyền thông tiêu cực, truyền thông bôi xấu tại nước ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của sản phẩm thủy sản Việt Nam kéo dài từ nhiều năm, có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn như một tất yếu của cạnh tranh trên thương trường.
Nội lực của doanh nghiệp rất lớn nhưng cũng có nhiều vấn đề nội tại trên con đường phát triển. Trong đó, không ít các qui định, chính sách, thủ tục hành chính bất cập, hoặc không phù hợp với thực tiễn của ngành, hoặc khác biệt với thông lệ quốc tế, với quy định pháp luật trong nước… đôi khi đó là những rào cản “trói chân” doanh nghiệp. Khi đó, VASEP đã làm tốt vai trò cầu nối, đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, là đầu mối phối hợp, kiến nghị tới các cơ quan bộ, ngành hoặc Chính phủ để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc cho doanh nghiệp, cho ngành.
NĂM 2023-2024: KHOẢNG LẶNG TRƯỚC KHI PHỤC HỒI
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, chia sẻ năm 2023 là một nốt trầm của ngành thủy sản Việt Nam trước những tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh quá lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…
Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ - giảm hơn 50% so với cùng kỳ; thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
Hai thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh nhất. Tại thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản, quốc gia suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ… đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản của chúng ta.
Theo một số dự báo, nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi từ quý 3 như những dự báo trước đây.
Trong khi đó, ngành thủy sản vẫn đang phải giải quyết nhiều vấn đề. Đó là thẻ vàng IUU và những qui định thủ tục đối với hải sản khai thác xuất khẩu sang thị trường EU; những qui định “IUU” của Nhật Bản và Hoa kỳ (SIMP), và xu hướng này có thể tiếp tục tại những thị trường khác…
"Vị thế trên đường đua bị “đe dọa” khi các nước sản xuất thủy sản khác đang nổi lên mạnh mẽ, từng bước chiếm vị thế cạnh tranh bằng nguồn cung lớn, giá thành rẻ hơn và bằng sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ các nước", bà Thu Sắc cảnh báo.
TIẾP TỤC VƯỢT QUA NHỮNG THÁCH THỨC MỚI
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định: "Những thách thức phía trước sẽ ngày càng nhiều hơn, khắc nghiệt hơn, mục tiêu mà ngành thủy sản Việt Nam vươn tới không phải là chính phục được nhiều thị trường mà là sự tăng trưởng bền vững, đòi hỏi một nền tảng vững mạnh cho cả chuỗi cung ứng, từ con giống, thức ăn, công nghệ nuôi, chế biến, tiêu thụ đến các vấn đề đảm bảo môi trường, trách nhiệm xã hội, phúc lợi người lao động…".
“Chúng ta cần có niềm tin vươn tới những đỉnh cao mới, khát vọng mới, không chỉ là mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 12,5 tỷ USD – 14 tỷ USD năm 2025, hay 16 tỷ - 20 tỷ USD năm 2030 mà còn là uy tín, chất lượng, vị thế vững chắc của sản phẩm thủy sản Việt trên thị trường quốc tế!”.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP.
Ghi nhận và biểu dương các thành tích đã đạt được trong thời gian qua của VASEP và toàn thể hội viên Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tập hợp được cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu Thủy sản, với hơn 1/3 số hội viên là các doanh nghiệp lớn, đi đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản, với vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhận định về thách thức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng hiện nay lạm phát trong nước, các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng. Doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân.
"Cả doanh nghiệp và bà con nông ngư dân đều khó tiếp cận vay vốn trước thực trạng các ngân hàng đóng hết các room tín dụng, không giải ngân. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn đến đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lo lắng.
Trong bối cảnh tràn ngập khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Hiệp hội VASEP trong thời gian tới đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò trong hội tụ, kết nối các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với người nuôi trồng thủy sản và Chính phủ; tập trung thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đồng thời VASEP cần thông báo kịp thời tới Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững. VASEP cũng phải tiếp tục vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất.