11:27 01/03/2013

Kinh tế 2013: Tìm cơ hội từ sự nghiệt ngã

Hoài Ngân

“Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái hoạ đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ”

Các diễn giả tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức”.<br>
Các diễn giả tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức”.<br>
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức” - sự kiện do Thời báo Kinh tế Việt Nam và VnEconomy tổ chức - đã diễn ra trong sáng nay (1/3) tại khách sạn Majestic, quận 1, Tp.HCM.

Tại hội thảo, các diễn giả đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá quan trọng về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong năm 2013, từ đó đưa ra những giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

VnEconomy ghi nhận một số ý kiến từ hội thảo này.

Cơ hội lớn để tái cơ cấu

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội


Kinh tế 2013: Tìm cơ hội từ sự nghiệt ngã 1"Năm 2013 bên cạnh những thách thức, vẫn có cơ hội để tái cơ cấu doanh nghiệp, lành mạnh hóa thị trường hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn như đề án tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013-2020, mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Thứ nhất, niềm tin của thị trường. Vấn đề quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường. Trong suốt 5 năm phải áp dụng các biện pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn.

Hệ thống chính sách và giải pháp Chính phủ đề ra thông qua các nghị quyết 01 và 02 là những nổ lực cần thiết và đúng đắn để lấy lại niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó Chính phủ vừa phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; trong đó đã phân kỳ cho giai đoạn 2013-2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực: đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn tổng công ty nhà nước.

Quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra sẽ có tác động làm tăng tổng cấu và phân bố lại nguồn lực. Đây là cơ hội mà các doanh nghiệp cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới.

Thứ hai, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái hoạ đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường bất động sản, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy; chứ không chỉ có họa.

Thứ ba, với lạm phát kỳ vọng 6-7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 sẽ  tạo điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn. Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo đề án của Chính phủ đến năm 2020, doanh nghiệp có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình.

Thứ tư, chắc chắn trong các năm 2013-2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực; thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.   

Tóm lại, năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đan xen thách thức và cơ hội cả vĩ mô và vi mô. Các khó khăn như sức mua giảm; hàng tồn kho, nợ xấu tăng; lãi suất cao; doanh nhiệp thiếu vốn... sẽ được cải thiện hơn so với  năm 2012. Nhưng đây cũng là thời kỳ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp năm bắt cơ hội để tái cơ cấu và phát triển bển vững. Thị trường sẽ lành mạnh hơn".

Tự quyết vận mệnh của chính mình

GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam

Kinh tế 2013: Tìm cơ hội từ sự nghiệt ngã 2“Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều hội thảo, nghe nhiều chuyên gia cũng như đọc trên các tờ báo về các dự cảm của năm 2013, có một điểm chung trong nhận định rằng: năm 2013, nền kinh tế phải tiếp tục đối đầu với nhiều khó khăn còn tiếp diễn.

Ba điểm nghẽn lớn nhất cản trở tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là nợ xấu ở mức khá cao, cản trở tốc độ tăng trưởng tín dụng, tồn kho lớn là điểm nghẽn thứ hai và bất động sản là điểm nghẽn thứ ba.

Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành đã có chủ trương và giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn như hạ lãi suất, có cơ chế bảo lãnh tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng tín dụng cho sản xuất, tiêu dùng; Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; Một số giải pháp làm ấm thị trường bất động sản, làm sao để khơi thông thị trường, cứu thị trường nhưng không làm tăng lạm phát hoặc tạo cơ hội đầu cơ tái bùng phát…

Những từ “cứu” hay “hỗ trợ”, “giải pháp” từ phía Nhà nước rất ý nghĩa đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất quyết định vận mệnh của mỗi doanh nghiệp là tự cứu mình, chủ động tái cấu trúc, khai phá thị trường và có những giải pháp phù hợp vượt bão.

Chúng ta không có nhiều thông tin lạc quan, nhưng cũng không nên nhìn bối cảnh quá bi quan mà cần nhìn một cách khách quan, trung thực để có thể làm chủ được hoàn cảnh.

Đó là lý do ngày hôm nay, chúng ta cùng có mặt tại đây, ngoài giới truyền thông báo chí, các bạn đồng nghiệp của tôi, tôi chắc rằng, các bạn còn lại là đại diện đến từ các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần là chủ yếu, có thể từ ngân hàng thương mại, kinh doanh tài chính, bất động sản, hay thực phẩm, hoặc vật liệu xây dựng… đều đang phải tự bươn chải, đối diện với thực tế và mong mỏi tìm giải pháp phù hợp cho chính mình. Chúng tôi tin rằng, việc nắm bắt và cập nhật thông tin, cùng nhau chia sẻ thông tin vĩ mô và kinh nghiệm là việc quan trọng, giúp doanh nghiệp hoạch định tốt kế hoạch cho riêng mình”.

“Bán lỗ để cắt lỗ”

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM


Kinh tế 2013: Tìm cơ hội từ sự nghiệt ngã 3“Trước tình hình cực kỳ khó khăn, trong tháng 12/2012, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã đề xuất nhiều kiến nghị với lãnh đạo thành phố, các bộ ngành Trung ương, và chính phủ để tìm kiếm các giải pháp xử lý hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản trong năm 2013.

Trước hết, các doanh nghiệp sẽ phải rà soát, tái cấu trúc bộ máy, cơ cấu lại đầu tư, kiên quyết đình hoãn hoặc dãn tiến độ thực hiện các dự án, cơ cấu lại sản phẩm, xin phép điều chỉnh công năng dự án, qui mô căn hộ phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng tài chính của khách hàng.

Trong thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá bán, thậm chí “bán lỗ để cắt lỗ” để giải quyết bài toán hàng tồn kho và nợ xấu để bảo đảm uy tín thương hiệu nhằm tăng cường khả năng tồn tại. Đây cũng là lúc doanh nghiệp định hình lại các dòng sản phẩm hướng đến nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Người tiêu dùng hiện nay đang đứng ở vị trí trung tâm của thị trường bất động sản, với lợi thế lớn hơn lúc nào hết, với quyền lựa chọn sản phẩm rất rộng, với mức giá cả chưa bao giờ hợp lý như hiện nay và phương thức thanh toán linh hoạt.

Với các chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi trong dài hạn đến 20 năm hoặc dài hơn sẽ tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình mua được căn nhà mơ ước với giá cả hợp lý và phương thức thanh toán phù hợp.

Đồng thời, trên thị trường cũng xuất hiện thêm nhiều loại căn hộ cho thuê và loại hình sở hữu căn hộ có thời hạn giúp gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Đối với phân khúc căn hộ cao cấp, cũng sẽ có sự chuyển động lớn theo hướng tăng cường thêm tiện ích với giá cả phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, chỉ có Nhà nước mới là nhân tố quyết định nhất giải quyết các khó khăn của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Đó là sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế”.

Sẵn sàng đón cơ hội mới

Ông Lê Phước Vũ,
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ

Kinh tế 2013: Tìm cơ hội từ sự nghiệt ngã 4"Hiện nay Tập đoàn Hoa Sen chiếm 40% thị phần tôn thép nội địa, là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Đông Nam Á. Đến cuối năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành và các thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cắt giảm toàn bộ các loại thuế xuất nhập khẩu bằng 0 thì sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hoa Sen nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Và cơ hội này sẽ tiếp tục khi mô hình “đàn sếu bay” (flying-geese development model) trở thành hiện thực ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Cơ sở của mô hình này, theo tôi, là vùng Đông Á gồm nhiều nền kinh tế ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Một ngành công nghiệp (tạm gọi là ngành A) thường được bắt đầu phát triển tại Nhật Bản, sau đó chuyển sang nhóm NIEs tại châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore) rồi ASEAN-4 (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan). Kết thúc hành trình này là sự góp mặt của Trung Quốc và tiếp theo có thể là Việt Nam và các nước khác.

Trong mô hình này, các nền kinh tế đi trước mất dần lợi thế so sánh trong ngành A do sự tăng giá của đồng nội tệ, chi phí nhân công tăng cao và phải đối mặt với các rào cản thương mại từ các nước nên đã nỗ lực chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên những ngành có giá trị gia tăng cao, với trình độ công nghệ cao hơn. Đây là hiện tượng đuổi bắt nhiều tầng trong quá trình công nghiệp hoá ở Đông Á, tạo nên tính năng động của vùng này.

Yếu tố đưa đến hiện tượng này là nỗ lực tích luỹ tư bản, công nghệ tại các nền kinh tế đi sau và quá trình đó được thúc đẩy bằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các hình thái chuyển giao công nghệ khác từ các nền kinh tế đi trước.

Với "mô hình đuổi bắt", sản phẩm công nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và thế giới. Các ngành tiềm năng của Việt Nam như điện tử hay công nghệ thông tin, máy tính… có thể "bay theo đàn chim sếu" đến các thị trường khác.

Tập đoàn Hoa Sen đang đi theo kịch bản này để xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài, với mục tiêu trở thành một thương hiệu quốc tế.

Một trong những nguy cơ mà các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt trong năm 2013 và các năm tiếp theo là động thái chống bán phá giá ở các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, những khó khăn thách thức cũng như việc tốn kém chi phí, thời gian khi xây dựng thương hiệu riêng tại các thị trường mới sẽ đẩy các doanh nghiệp dễ dàng bước vào “lối mòn gia công” hoặc sản xuất các sản phẩm không có thương hiệu và như vậy sẽ không đem lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tôi tin Việt Nam có thể trở thành công xưởng của thế giới trong một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng và một số ngành công nghệ cao dựa trên mô hình “đàn sếu bay”. Năm 2015, cộng đồng chung ASEAN hoàn toàn mở cửa, các doanh nghiệp cần tự tạo nội lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tận dụng cơ hội này để vươn ra thị trường thế giới".

5 giải pháp chủ đạo

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước


Kinh tế 2013: Tìm cơ hội từ sự nghiệt ngã 5"Trong năm 2013, kinh tế thế giới và kinh tế trong nước vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Để đạt được các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua (GDP tăng 5,5%, lạm phát thấp hơn năm 2012), cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành ngân hàng phải hết sức cố gắng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2013 như sau:

Thứ nhất là điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt điều hành lãi suất  phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến của lạm phát.

Thứ hai là nhóm giải pháp điều hành tín dụng, theo đó sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, đến hết năm 2013.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn quy chế cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao....

Thứ ba là về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế. Thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế, từng bước tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng, chuyển hóa hoàn toàn quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng. Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, đảm bảo sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối.

Thứ tư là triển khai đề án xử lý nợ xấu được Chính phủ thông qua; thành lập và đưa vào hoạt động công ty quản lý tài sản; xây dựng nghị định về tổ chức và hoạt động của công ty quản lý tài sản.

Thứ năm là tập trung triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".

Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu


(Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương)

“Bước sang năm 2013, tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và trong nước. Hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều phải đối mặt với những vấn đề nội tại trong năm 2013. Xu hướng bảo hộ không những không giảm mà còn tiếp tục tăng.

Để đảm bảo việc thực hiện được kế hoạch xuất khẩu (dự kiến tăng trưởng 10%) và kiểm soát nhập siêu ở mức 8% kim ngạch xuất khẩu, cần phải nhận diện những khó khăn, thách thức và cơ hội của năm 2013, trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Ở trong nước, do khó khăn của nền kinh tế, tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất cao, các doanh nghiệp trong nước đã hạn chế đầu tư sản xuất và mở rộng sản xuất trong năm 2011-2012 nên sẽ ảnh hưởng đến mức tăng trưởng nguồn hàng xuất khẩu trong năm 2013 và các năm tiếp theo.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu như tiếp tục có giải pháp nhằm khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất của các doanh nghiệp như giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí… hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Bên cạnh đó là tập trung giải quyết vấn đề vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thuỷ sản có lượng hàng hoá lớn như gạo, thủy sản, cà phê... và nghiên cứu xây dựng chính sách tạm trữ để ổn định giá, chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu.

Ngoài ra là việc tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời để tạo chỗ đứng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam”.