23:19 02/02/2018

Kinh tế Mỹ được đánh giá “tự do hơn” dưới thời Tổng thống Trump

An Huy

Nền kinh tế Mỹ được đánh giá trở nên “tự do hơn” nhờ Tổng thống Donald Trump nới lỏng các quy chế giám sát

Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên "tự do hơn" nhờ những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc nới lỏng các quy chế giám sát - hãng tin CNBC dẫn một báo cáo mới được công bố cho biết.

Theo chỉ số tự do kinh tế toàn cầu 2018 được thực hiện bởi tổ Quỹ Di sản (The Heritage Foundation) - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington, Mỹ xếp thứ 18 trên thế giới về mức độ tự do của nền kinh tế.

Điểm số của Mỹ trong xếp hạng năm nay tăng 0,6% so với năm ngoái. Với 75,7/100 điểm, kinh tế Mỹ được xếp trong nhóm "gần như tự do" (mostly free).

Đánh giá về chính sách của các chính phủ trong việc cho phép lao động, vốn và hàng hóa di chuyển tự do, xếp hạng của Quỹ Di sản được thực hiện dựa trên các yếu tố như các quy định luật pháp, tính hiệu quả của các quy chế giám sát và độ mở của thị trường.

"Chúng tôi rất lạc quan về Mỹ và hướng đi của nền kinh tế Mỹ hiện nay. Lý do khiến Mỹ đạt thứ hạng tốt hơn trong xếp hạng năm nay là bởi sự nới lỏng quy chế giám sát kể từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền", ông Edwin Feulner, nhà sáng lập và là cựu Chủ tịch Quỹ Di sản, nói với CNBC. "Dù muốn hay không, nước Mỹ vẫn là đầu máy của đoàn tàu kinh tế thế giới".

Điểm số được cải thiện của Mỹ trong xếp hạng tự do kinh tế năm nay đánh dấu sự đảo ngược của xu hướng đi xuống trong suốt 1 thập kỷ qua.

"Cách đây 12 năm, Mỹ đứng thứ 5 trên thế giới về mức độ tự do kinh tế. Hiện nay, Mỹ xếp thứ 18. Đó không phải là chuyển biến tốt", ông Feulner nói. "Nhưng Mỹ đã đảo ngược được sự suy giảm điểm số và đi đúng hướng trở lại".

Theo ông Feulner, Quỹ Di sản chỉ nghiên cứu dữ liệu đến ngày 30/6/2017 để thực hiện xếp hạng của năm 2018. Ông nói rằng nước Mỹ có thể được xếp hạng cao hơn nếu tính đến cả những cả những cải cách thuế được thông qua mới đây.

Cuối năm ngoái, Tổng thống Trump đã ký một đạo luật cải tổ thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống 21% từ mức 35% trước đó, bên cạnh các biện pháp nới lỏng quy chế nhằm thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Các nền kinh tế châu Á vẫn được đánh giá là tự do nhất thế giới. Trong đó, hai trung tâm tài chính Hồng Kông và Singapore đã chiếm hai vị trí đầu bảng suốt 24 năm liên tiếp. Bốn vị trí tiếp theo trong nhóm 6 nền kinh tế được đánh giá là "tự do" (free) bao gồm NewZealand, Thụy Sỹ, Australia và Ireland.

Nền kinh tế lớn Trung Quốc lớn thứ nhì thế giới đứng thứ 110 trong xếp hạng này, thuộc nhóm "gần như không tự do" (mostly unfree). Nhật Bản xếp thứ 30, cùng nhóm "gần như tự do" với Mỹ.