Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất gần 4 năm
Tổng thống Donald Trump tỏ ra hết sức tự hào về kết quả tăng trưởng này của nền kinh tế lớn nhất thế giới
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ trong quý 2 vừa qua đạt mức cao nhất gần 4 năm, nhờ người tiêu dùng tăng chi tiêu và nông dân đẩy mạnh bán đậu tương cho Trung Quốc trước khi hàng rào thuế quan có hiệu lực vào đầu tháng 7.
Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Donald Trump tỏ ra hết sức tự hào về kết quả tăng trưởng này của nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Chúng tôi đã hoàn thành được sự đảo chiều kinh tế mang tính lịch sử. Những con số này là rất, rất bền vững", ông Trump nói với giới truyền thông.
Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP Mỹ tăng 4,1% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, một phần còn nhờ Chính phủ tăng chi tiêu và hiệu ứng của kế hoạch cắt giảm thuế mà chính quyền ông Trump thực thi từ cuối năm 2017. Đây là mức tăng mạnh nhất mà kinh tế Mỹ đạt được từ quý 3/2014.
Số liệu tăng trưởng GDP quý 1 được điều chỉnh tăng lên mức 2,2%, thay vì mức tăng 2% như báo cáo lần đầu. Tính cả nửa đầu năm, kinh tế Mỹ tăng 3,1%, phù hợp mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 3% mà ông Trump đề ra. Nhu cầu trong nước của Mỹ tăng 4,3% trong quý 2.
Trái với những gì ông Trump nói về "sự đảo chiều kinh tế", nền kinh tế Mỹ đã có những giai đoạn tăng trưởng mạnh dưới thời Tổng thống Barack Obama. Khi ông Obama cầm quyền, kinh tế Mỹ đã tăng 5,1% vào năm 2014 và có 4 quý khác tăng trên 4%.
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo không nên quá lạc quan về con số tăng trưởng quý 2, bởi đây là kết quả của nhiều yếu tố chỉ có tác dụng một lần, bao gồm gói cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD. Tác động tích cực từ xuất khẩu đậu tương có thể đảo ngược trong những quý tới và hiệu ứng từ các biện pháp tại khóa cũng sẽ nhạt dần.
"Hãy ăn mừng ngày hôm nay, nhưng đừng quá quen với sự vui mừng đó. Sẽ có nhiều trở ngại đối với tăng trưởng trong thời gian tới", ông Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc MUFG ở New York, phát biểu. "Trừ phi thuế lại được cắt giảm nữa, sẽ không có thêm tiền để các công ty và người tiêu dùng tăng chi tiêu".
Mức tăng trưởng mạnh trong quý 2 có thể là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, sau khi đã tăng lãi suất hai lần vào tháng 3 và tháng 6.
Tỷ giá đồng USD không có nhiều biến động sau báo cáo GDP Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và chứng khoán Mỹ cũng đi xuống.
Do lo ngại thuế quan trả đũa của Trung Quốc, nông dân Mỹ đã đẩy mạnh giao hàng đậu tương cho khách mua từ Trung Quốc trong quý 2. Cùng với đó, xuất khẩu các mặt hàng khác sang Trung Quốc cũng được đẩy mạnh, giúp xuất khẩu của Mỹ trong quý tăng mạnh nhất 4 năm rưỡi và thâm hụt thương mại được rút ngắn.
Nhờ vậy, thương mại đóng góp 1,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý, sau khi không có đóng góp gì trong quý 1.