Kinh tế Trung Quốc phát tín hiệu hồi phục
Nền kinh tế Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu hồi phục đầu tiên sau nhiều tháng giảm tốc
Nền kinh tế Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu hồi phục đầu tiên sau nhiều tháng giảm tốc, với thị trường chứng khoán và giá hàng hóa cơ bản hồi phục giúp cải thiện niềm tin của giới đầu tư.
Đánh giá này được hãng tin Bloomberg đưa ra trên cơ sở phân tích những dữ liệu mới nhất về niềm tin thị trường và điều kiện kinh doanh ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kết quả cho thấy các cổ phiếu chủ chốt và giá hàng hóa cơ bản dẫn dắt sự đi lên của toàn thị trường, và các doanh nghiệp nhỏ trở nên tin tưởng hơn.
Nhưng bên cạnh đó, các thước đo về lạm phát, thương mại và niềm tin của các nhà quản trị bán hàng cho thấy có thể vẫn còn quá sớm để có thể kết luận kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã khởi sắc mạnh mẽ nhờ các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, và khả năng hai nước đạt một thỏa thuận thương mại cũng là những nhân tố quan trọng giúp niềm tin hồi phục.
Tuần này, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc và tỷ giá đồng Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục đều tăng mạnh.
Những diễn biến mới này trong nền kinh tế Trung Quốc giúp làm nhẹ bớt "đám mây đen" phủ bóng nền kinh tế toàn cầu mấy tháng gần đây. Theo chuyên gia kinh tế trưởng Jan Hatzius của ngân hàng Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể đã bắt đầu có sự hồi phục, và điều này giúp cải thiện triển vọng cho kinh tế Trung Quốc.
"Sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể củng cố niềm tin cho người tiêu dùng nước này, nhưng vẫn còn quá sớm để nói điều đó sẽ giúp ích nhiều cho các hoạt động kinh tế", ông Qu nói.
Theo vị chuyên gia, các biện pháp kích cầu kinh tế mà Bắc Kinh triển khai, bao gồm tăng cường cho vay đối với các công ty tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng, đã bắt đầu phát huy tác dụng. Trong tháng 1, lượng vốn tín dụng cấp mới đạt mức cao kỷ lục, đồng thời xuất khẩu cũng tăng tốc.
Các chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục giữ vai trò hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, và các biện pháp tài khóa như giảm thuế, tăng chi tiêu và phát hành trái phiếu đặc biệt có thể sẽ được Chính phủ nước này tăng cường trong năm nay.
Nhưng ngoài sự cải thiện niềm tin, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt một số áp lực suy giảm tăng trưởng. Một chỉ số khảo sát các nhà quản trị bán hàng đang ở mức thấp chưa từng thấy, một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể vẫn đang đi xuống.
Ngoài ra, một thước đo lạm phát tại các nhà máy vẫn đang trong trạng thái èo uột, chưa kể nhu cầu của thị trường toàn cầu ở mức yếu cũng là một mối lo lớn của nền kinh tế Trung Quốc vốn có độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu.
Trong 20 ngày đầu tiên của tháng 2, xuất khẩu sang Trung Quốc từ Hàn Quốc - nhà cung cấp chính của Trung Quốc về các loại linh kiện điện tử - giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu này phản ánh sự suy giảm của thương mại hàng điện tử trên toàn cầu những tháng gần đây.