10:22 15/11/2007

Kinh tế Trung Quốc vẫn quá nóng

Trung Việt

Bất chấp các biện pháp kiềm chế tăng trưởng nóng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay vẫn ở mức hơn 11%

Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2007, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 11,2%, chỉ thấp hơn chút ít so với mức tăng trưởng 11,5% của quý trước.
Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2007, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 11,2%, chỉ thấp hơn chút ít so với mức tăng trưởng 11,5% của quý trước.
Bất chấp các biện pháp kiềm chế tăng trưởng nóng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay vẫn ở mức hơn 11%. Trong khi đó, thặng dư thương mại vẫn tăng và riêng tháng 10 vừa qua đạt mức kỷ lục mới là 27 tỷ USD.

Trung tâm Thông tin nhà nước Trung Quốc ngày 12/11 dự đoán, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong cả năm 2007 sẽ tăng 11,4%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 4,6%, so với mức 1,5% của năm 2006.

Lo vì kinh tế tăng trưởng mạnh

Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2007, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 11,2%, chỉ thấp hơn chút ít so với mức tăng trưởng 11,5% của quý trước. Tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng lên mức 5,9% trong quý 4, so với mức 4,1% của chín tháng đầu năm.

Trong khi đó, ngày 12/11, Cục Hải quan Trung Quốc cho biết, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 10 đã tăng kỷ lục, lên tới 27 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thặng dư hàng tháng cao nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc.

Trong tháng 10, xuất khẩu của Trung Quốc đạt 107,73 tỷ USD, tăng 22,3% so với tháng 10/2006 nhưng giảm 0,5% so với tháng trước; nhập khẩu đạt 80,67 tỷ USD, tăng lần lượt 25,5% và 9,4%.

Trong khi đó, chỉ số tiêu dùng, một trong những yếu tố chính thể hiện mức độ lạm phát, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,7% so với tháng trước, chủ yếu do giá lương thực tăng cao (17,6%).

Các chuyên gia của Trung tâm Thông tin nhà nước Trung Quốc nhận định rằng xu hướng chủ đạo của chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc thời gian tới là sẽ tiếp tục tập trung vào việc ngăn chặn sự phát triển quá nóng. Đồng thời, việc thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng cao chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với các chính sách thương mại của Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã rất nỗ lực cải thiện tình trạng xuất siêu của mình để giảm bớt lo ngại cho các đối tác nước ngoài thông qua việc tăng cường các chính sách về thuế quan, thuế xuất khẩu, ngành gia công chế biến, thắt chặt quy định đối với việc xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng cũng như hạn chế đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, do giá trị thặng dư mậu dịch của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nên nước này vẫn tiếp tục đạt mức thặng dư mậu dịch kỷ lục, mặc dù tốc độ tăng xuất khẩu hiện tại đã chậm hơn tốc độ tăng nhập khẩu.

Vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ sẽ lại nóng lên

Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế thuộc Tổng cục Thống kê Trung Quốc, trong năm nay và năm 2008 nước này có thể đạt mức thặng dư thương mại lên tới 250 tỷ USD.

Ông Long Quốc Cường, một chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc nhận định: "Mức thặng dư thương mại của Trung Quốc hiện nay là rất nguy hiểm, vì nó không chỉ kích thích lạm phát mà còn làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ thương mại với các đối tác thương mại chính của Trung Quốc".

Ông Long Quốc Cường cho rằng Mỹ và các bạn hàng chính của Trung Quốc sẽ gia tăng sức ép buộc Chính phủ Trung Quốc phải nới lỏng các biện pháp khống chế đồng nội tệ.

Theo hãng AFP, Tổng thống Pháp N.Sarkozi - người sẽ tới thăm Trung Quốc từ 25 đến 27/11 tới, vừa cho biết, ông sẽ bàn bạc với Bắc Kinh về đồng tiền “bị phá giá” của nước này.

Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp, Trung Quốc cũng sẽ đón các phái đoàn của Liên minh châu Âu do Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu J. Claude Trichet và phái đoàn của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính H. Paulsol dẫn đầu. Cả hai phái đoàn này cũng sẽ chuyển đến chính phủ Trung Quốc những thông điệp tương tự như của ông Sarkozi về vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Đại sứ Ủy ban châu Âu tại Trung Quốc, ông Serge Abou ngày 12/11 cho biết, châu Âu đang mất dần kiên nhẫn với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không chịu được mức thâm hụt thương mại ngày càng lớn. Chúng tôi muốn Trung Quốc chú ý hơn tới các yêu cầu của chúng tôi”.

Các nhà phân tích cho rằng, việc lường trước sức ép của nước ngoài có thể chính là nguyên nhân tạo ra mức thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua. Nghĩa là, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu trước khi đồng Nhân dân tệ bị ép tăng giá, làm cho giá hàng hoá Trung Quốc đắt hơn ở nước ngoài.

Tuy nhiên, số thặng dư thương mại nói trên của Trung Quốc còn thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích, do mức nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 25,5%, đạt 80,7 USD.