00:18 30/08/2008

Lãi suất: Nhà điều hành “neo”, nhiều thành viên giảm

Minh Đức

Trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “neo” lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng lại đồng loạt giảm

Lãi suất huy động giảm thời gian qua là một cơ sở để các ngân hàng xét giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động giảm thời gian qua là một cơ sở để các ngân hàng xét giảm lãi suất cho vay.
Trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “neo” lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng lại đồng loạt giảm.

Ngày 29/8, thị trường ngân hàng đón nhận loạt thông tin mới từ nhà điều hành chính sách tiền tệ, cũng như từ các thành viên trong hệ thống. Đây là diễn biến khá nổi bật kể từ ngày cơ chế lãi suất mới có hiệu lực (ngày 19/5/2008).

Ủng hộ giữ nguyên lãi suất cơ bản

Ngày 29/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng Việt Nam ở mức 14%/năm. Quyết định này tạm khép lại những dự tính gần đây về khả năng lãi suất này sẽ được điều chỉnh giảm.

Trước khi có quyết định trên, một số tổ chức nước ngoài, cũng như chuyên gia trong nước, nhận định rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Những tháng gần đây, tốc độ tăng của lạm phát có dấu hiệu chững lại nhưng nhà điều hành vẫn cần phải thận trọng.

Trong ngày 29/8, đón thông tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản, đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã lên tiếng ủng hộ, cũng như có những quyết định mới trong việc thực hiện lãi suất tại ngân hàng mình.

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết, với quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, ABBank ủng hộ và đang xem xét giảm lãi suất cho vay để góp phần chia sẻ cùng doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh.

“Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng chiến lược là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi sẽ thực hiện chính sách lãi suất ưu đãi trong lần điều chỉnh giảm này”, ông Khánh nói.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, bình luận rằng: “Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lúc khó khăn và ổn định thị trường. Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ lãi suất cơ bản 14% là hợp lý vào thời điểm này và thể hiện sự thận trọng cần thiết trong việc tiếp tục kiểm soát lượng cung tiền và khống chế lạm phát”.

“Chúng tôi ủng hộ chủ trương này bằng việc giảm một phần lãi suất cho vay áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu, mặc dù bản thân các ngân hàng cũng còn nhiều khó khăn”, ông Thắng cho biết thêm.

Cùng giảm lãi suất cho vay

Đi cùng thông tin từ ông Thắng, cuối chiều ngày 29/8, Techcombank chính thức thông báo ra thị trường về việc áp dụng chính sách lãi suất mới, cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế trọng điểm, nhằm hỗ trợ một phần và giảm bớt khó khăn của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, ngân hàng này cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ cho vay xuất khẩu với lãi suất ưu đãi, dành từ 4.000 – 5.000 tỷ đồng cho vay thu mua và chế biến lua gạo, cà phê, sắn lát, điều…; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời Techcombank cũng có chính sách lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên vật liệu, trang thiết bị phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh.

Mức lãi suất ưu đãi mà Techcombank bắt đầu áp dụng giảm so với trước đó từ 0,5% - 1%/năm đối với cho vay bằng VND; giảm từ 2% - 2,5%/năm đối với cho vay bằng ngoại tệ.

Trước đó, một ngân hàng cổ phần lớn khác là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã quyết định giảm mạnh lãi suất cho vay VND đối với khách hàng doanh nghiệp, với mức tối đa là 19,8%/năm.

Cũng trong ngày 29/8, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại quốc doanh và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1%/năm.

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), lãi suất cho vay VND thông thường tối đa là 20%/năm; lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên theo chính sách khách hàng là 18,2%/năm, khá thấp so với mức tối đa được phép là 21%/năm.

Tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), lãi suất cho vay VND thông thường tối đa là 20,2%/năm; lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên theo chính sách khách hàng là 19,5%/năm.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất cho vay VND thông thường tối đa là 20%/năm; lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên theo chính sách khách hàng là 19,2%/năm.

Tại Vietcombank, lãi suất cho vay VND thông thường tối đa là 20,5%/năm; lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên theo chính sách khách hàng là 19,475%/năm.

Và tại Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB), lãi suất cho vay VND thông thường tối đa là 20%/năm; lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên theo chính sách khách hàng là 19%/năm.

Mục đích việc giảm lãi suất cho vay này, theo thông tin chung từ các ngân hàng nói trên, là nhằm góp phần chia sẻ cùng doanh nghiệp và người vay, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển.

Và để thuận lợi cho việc điều chỉnh lãi suất cho vay, thời gian qua, các ngân hàng thương mại cũng đã lần lượt giảm dần lãi suất huy động.

Tại khối ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động VND cao nhất chỉ còn khoảng 17,26%/năm; với lãi suất huy động USD cao nhất là 6%/năm. Tại khối cổ phần, các mức cao nhất tương ứng cũng chỉ còn khoảng 18,12%/năm và 6,05%/năm.