11:18 30/11/2009

Làm gì để nâng cao vai trò người đại diện vốn nhà nước?

Duy Cường

Việc quản lý nguồn vốn của Nhà nước thông qua vai trò của người đại diện ngày càng được coi là vấn đề quan trọng

Bà Hà Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam.
Bà Hà Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam.
Việc quản lý nguồn vốn của Nhà nước thông qua vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước và ban kiểm soát tại các công ty cổ phần ngày càng được coi  là vấn đề quan trọng của không những của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà của từng tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.

Xung quanh vấn đề thực thi vai trò quản lý của người đại diện tại các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam.

Xin bà cho biết về khoảng cách giữa yêu cầu thực thi về mặt luật pháp với thực tế trong việc nâng cao vai trò của người đại diện vốn và thành viên ban kiểm soát tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện nay?

Theo qui định tại Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 09/2009/NĐ-CP, người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và người đại diện được đề cử/ bầu là thành viên ban kiểm soát là người được đại diện cổ đông nhà nước thực hiện quyền quản lý và kiểm soát tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Người đại diện vốn của nhà nước có thể là nhiều người hoặc chỉ có một người nhưng đều có quyền và nghĩa vụ cụ thể chung theo luật hiện hành là “bảo toàn và phát triển vốn một cách hiệu quả nhất” tại doanh nghiệp.

Trong các quyền đó, người đại diện phần vốn, thành viên ban kiểm soát phải thực hiện được việc theo dõi, giám sát toàn diện tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính, kết quả của doanh nghiệp khác theo quy định của luật pháp và điều lệ doanh nghiệp. Khi được uỷ quyền, phải sử dụng quyền cổ đông, bên góp vốn một cách cẩn trọng theo đúng chỉ đạo của đại diện chủ sở hữu, nhất là trong trường hợp là cổ đông, bên góp vốn chi phối.

Tại công ty cổ phần, thành viên ban kiểm soát do tập đoàn kinh tế nhà nước giới thiệu và đại hội đồng cổ đông bổ nhiệm, và do vậy có trách nhiệm với cả chủ sở hữu và ban kiểm soát tại công ty cổ phần.

Tuy vậy, trên thực tế có nhiều thành viên ban kiểm soát tại một số công ty cổ phần không cân bằng được cả hai mảng trách nhiệm này. Có những thành viên ban kiểm soát chỉ chú trọng đến báo cáo cho chủ sở hữu mà mình là đại diện và bỏ qua tầm quan trọng của báo cáo cho ban kiểm soát hoặc ngược lại.

Theo qui định của luật, cùng với vai trò giám sát toàn diện, ban kiểm soát cần có báo cáo phân tích và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện quản lý của công ty. Tuy nhiên, trên thực tế các báo cáo của ban kiểm soát nhiều khi chưa phản ánh hết được những điểm yếu của công tác điều hành, quản lý doanh nghiệp của tổng giám đốc, của hội đồng quản trị. Việc đưa ra các phân tích mang tính thuyết phục cao vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến vai trò của thành viên ban kiểm soát và ban kiểm soát thực sự chưa được coi trọng.

Có một điểm đáng lưu ý là có nhiều trường hợp người đại diện vốn và thành viên ban kiểm soát đều do tập đoàn đề cử, nhưng do quy định về quyền và trách nhiệm của hai vị trí này tương đối rạch ròi nên đôi khi tại các công ty cổ phần, hai vai trò này chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với nhau, nên việc phát huy tác dụng của hai vị trí này trong việc quản lý nguồn vốn nhà nước đôi khi chưa thực sự hiệu quả.

Nói đến ban kiểm soát, nhiều người thường hay nghĩ đến việc kiểm soát tài chính, vậy ban kiểm soát có những nhiệm vụ cụ thể gì, thưa bà?

Ban kiểm soát thực ra có quy mô hoạt động khá rộng. Nhiệm vụ cơ bản là bảo toàn và phát triển nguồn vốn của nhà nước, và để thực hiện nhiệm vụ đó, ban kiểm soát đóng vai trò kiểm tra, giám sát toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của một đơn vị kinh tế. Do vậy, nhiệm vụ của ban kiểm soát bao gồm kiểm soát tài chính, kiểm soát đầu tư, kiểm soát hoạt động kinh doanh bao gồm: kiểm soát giá thành, quản lý vốn, quản lý nhân sự, quản lý doanh thu,...

Ban kiểm soát chủ yếu tập trung vào việc xem xét đánh giá hiệu quả của những nhiệm vụ này trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, một nhiệm vụ không kém quan trọng là xây dựng cơ chế nhận diện và quản lý các rủi ro tiềm ẩn trong nội bộ hoặc ngoài đơn vị.

Theo bà, hiện nay có những “rào cản” nào khiến thành viên ban kiểm soát chưa thực hiện được được tối đa vai trò, quyền và trách nhiệm của họ?

Có nhiều yếu tố. Trước hết, tôi muốn nói tới yếu tố nội tại. Bản thân thành viên ban kiểm soát đôi khi chưa chủ động thực hiện hết quyền của mình. Việc kiểm soát có rất nhiều yêu cầu kiểm soát như kiểm soát hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hoá dịch vụ (bao gồm cả kiểm soát việc lập và phê duyệt dự án đầu tư, việc tuân thủ các qui chế đấu thầu, kiểm soát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư - PV), kiểm soát hoạt đông sản xuất, kinh doanh, kiểm soát hoạt động tài chính...

Thực tế, rất nhiều thành viên ban kiểm soát chỉ tập trung vào kiểm soát hoạt động tài chính thông qua việc kiểm tra sổ sách kế toán và báo cáo tài chính làm cho việc kiểm soát thiếu đi tính toàn diện. Yếu tố khách quan và khá nhạy cảm, đó là khi các thành viên ban kiểm soát phải thực hiện việc kiểm soát toàn diện với hội đồng quản trị và tổng giám đốc, thì họ lại là người ra quyết định trả lương cho mình.

Mặt khác, khi các thành viên ban kiểm soát không được cập nhật đầy đủ và kịp thời thông tin về hoạt động trong chính doanh nghiệp thì sẽ khó thông tin để thực hiện kiểm soát và tư vấn kịp thời.

Một điều đáng chú ý nữa là quy định của luật pháp và cả điều lệ của doanh nghiệp đều yêu cầu thành viên ban kiểm soát do tập đoàn giới thiệu phải thông báo cho người đại diện những sai phạm trong quản lý để kịp thời sửa đổi. Tuy vậy, chúng ta đã quen với việc báo cáo định kỳ hoặc chỉ báo cáo khi có yêu cầu. Do đó, các kiểm soát viên cũng không chủ động phát huy vai trò của mình.

Vậy cần làm gì để nâng cao vai trò của người đại diện và ban kiểm soát trong các công ty nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước?

Trước hết, phía các tổng công ty, tập đoàn kinh tế cần tạo một cơ chế làm việc rõ ràng - phân định rõ trách nhiệm và quan hệ làm việc giữa hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban giám đốc điều hành.

Người đại diện phần vốn trong hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát cần chủ động về kế hoạch công việc, nâng cao năng lực chuyên môn thực sự để có thể đặt ra thứ tự ưu tiên cho hoạt động giám sát của mình tùy theo đặc tính của từng đơn vị, từng ngành nghề, hoặc tình hình phát triển của thị trường trong từng giai đoạn.

Có một tồn tại khiến các kiểm soát viên không thực hiện được nhiệm vụ do hiểu lầm là ban kiểm soát phải kiểm soát mọi quyết định của ban giám đốc. Tuy nhiên, cần hiểu rõ hơn về vai trò của ban kiểm soát là giám sát các quyết định của hội đồng quản trị đối với cơ chế chính sách cho hoạt động của ban giám đốc, do vậy ban kiểm soát không nên chú ý quá nhiều đến những quyết định cụ thể không thuộc thẩm quyền của mình.

Bên cạnh đó, có một đặc điểm tại Việt Nam là chúng ta hay có thói quen hậu kiểm nhiều hơn dự phòng để ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra. Hệ quả là những sai sót, đôi khi khá nghiêm trọng, chỉ có thể được xử lý khá thụ động thông qua rút kinh nghiệm, xử lý kỷ luật. Vì vậy, công tác xây dựng hệ thống dự đoán và kiểm soát rủi ro cần phải được chú trọng hơn nữa.

Các kiểm soát viên cần làm việc trên nguyên tắc giám sát trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích của chủ sở hữu, xử lý linh hoạt. Kiểm soát viên cần phối hợp chặt chẽ với người đại diện vì chỉ có người đại diện mới có thể có quyền hạn đưa ra những quyết định xử lý.