Làng báo Mỹ trong cơn sóng gió
Khủng hoảng kinh tế và sự cạnh tranh của Internet đặt báo chí Mỹ vào cơn suy thoái trầm trọng
Khủng hoảng kinh tế và sự cạnh tranh của Internet đặt báo chí Mỹ vào cơn suy thoái trầm trọng.
Cuối tháng Mười, làng báo chí Mỹ đón nhận một tin tức chấn động: nhật báo hàng đầu Christian Science Monitor (Người hướng dẫn khoa học Cơ Đốc giáo - CSM) sẽ đình bản in hằng ngày từ tháng 4/2009. Như vậy, CSM là tờ báo nổi tiếng, phát hành toàn quốc đầu tiên tại Mỹ buộc phải đình bản do gánh nặng tài chính.
Hoạt động chủ yếu của CSM thời gian tới sẽ chỉ tập trung vào mảng báo mạng.
Với 18 văn phòng đại diện nước ngoài, CSM rất nổi tiếng với những tin bài quốc tế, đặc biệt là về khu vực Trung Đông. Tính đến nay, CSM đã đoạt bảy giải thưởng báo chí Pulitzer và hàng trăm giải thưởng khác. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1970, lượng phát hành của CSM trên toàn quốc lên đến 223.000 bản/ngày. CSM cũng là một trong những tờ báo đầu tiên tại Mỹ mở bản online vào năm 1995.
Tuy nhiên, theo AP, thời gian qua lượng phát hành của CSM liên tục giảm và hiện chỉ còn ở mức 50.000 bản/ngày. Trong năm tài khóa vừa qua, CSM đã thua lỗ tới 18,9 triệu USD và phải cần 12,1 triệu USD trợ cấp từ tổ chức Church of Christ, Scientist. Ngoài việc thu hẹp hoạt động, CSM sẽ phải sa thải 10-15% trong số 95 nhân sự của báo.
Sự suy sụp của CSM đã khiến cả làng báo Mỹ rúng động. AP dẫn lời ông Dave Aeikens, Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo chuyên nghiệp Mỹ, than thở: “Thật đáng buồn khi chứng kiến một tờ báo lớn như CSM phải đình bản”.
“Bầu trời sụp đổ”
Trên thực tế, CSM không phải là tờ báo duy nhất thu hẹp hoạt động thời gian qua. AP cho biết mới đây, báo Capital Times của thành phố Madison, bang Wisconsin đã đình bản in để chuyển hẳn thành báo mạng. Tờ Daily Telegram, cũng ở bang Wisconsin, chỉ còn ra hai số một tuần. Nhiều tờ báo ở bang Ohio cũng đã ra số của ngày thứ hai cuối cùng vào tuần trước.
Không chỉ vậy, thời gian qua hàng loạt tờ báo Mỹ buộc phải cắt giảm nhân sự đáng kể. Cũng cuối tháng Mười, Gannett, tập đoàn báo chí lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố sẽ phải sa thải 10% trong tổng số 46.100 nhân viên vào đầu tháng mười hai tới.
Trước đó vào tháng Tám, Gannett cũng sa thải khoảng 1.000 nhân sự. Gannett, có trụ sở tại Virginia, là tập đoàn xuất bản báo USA Today và 84 báo khác, cùng gần 900 ấn phẩm. Gannett cũng sở hữu 32 đài truyền hình. Trong khi đó, Tập đoàn xuất bản tạp chí lớn nhất thế giới Time Inc, sở hữu tạp chí Time, Fortune, People và Sports Illustrated... dự kiến sẽ loại 600 nhân sự.
Con số “nạn nhân” không hề dừng lại. Báo Los Angeles Times thông báo sẽ loại 75 người trong tòa soạn, lần cắt giảm nhân sự thứ hai trong vòng bốn tháng qua. Star-Ledger, báo lớn thứ 15 tại Mỹ suýt nữa phải đóng cửa, đã trụ lại được với cái giá là mất 40% lực lượng biên tập.
Hai tuần trước, tạp chí nổi tiếng TV Guide bị bán với giá tượng trưng 1 USD, chưa bằng giá bìa của một tờ tạp chí này. Đến nỗi tờ New York Times phải lên tiếng than thở: “Bầu trời đang sụp đổ”.
Theo chủ tịch Gannett Robert Dickey và biên tập viên Los Angeles Times Russ Stanton, cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế là yếu tố chính khiến báo chí Mỹ sụt giảm lượng phát hành và sa thải nhân sự. Trong thời buổi khó khăn, người dân Mỹ trở nên ngần ngại hơn trong việc bỏ tiền mua báo. Hậu quả là doanh thu từ quảng cáo và phát hành - nguồn thu chính của hầu hết các tờ báo và tạp chí - đang suy giảm nghiêm trọng.
Quý 3 vừa qua, tổng doanh số của Gannett giảm 9%, lợi nhuận giảm 33%. Ở New York Times lợi nhuận giảm tới 51%, doanh số giảm 9%, đặc biệt doanh thu quảng cáo giảm 16%. Doanh số quảng cáo của Time Inc. cũng mất 9% trong sáu tháng đầu năm...
Các chuyên gia dự báo tình hình năm 2009 cũng sẽ ảm đạm chẳng kém gì năm nay.
Báo mạng lên ngôi?
Ngoài lý do kinh tế, còn có một nguyên nhân nữa khiến báo giấy tại Mỹ lao đao. Đó là sự trỗi dậy của báo mạng. AP dẫn lời ông Randy Bennett, Phó chủ tịch Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA), nhận định hiện tại người đọc báo sẵn sàng bỏ thói quen đọc báo giấy mỗi buổi sáng bởi họ có một sự lựa chọn rẻ tiền hơn rất nhiều, gần như miễn phí là mạng Internet.
Chẳng cần đến máy vi tính, chỉ với một điện thoại hỗ trợ truy cập mạng Internet là người ta tha hồ theo dõi tin tức báo chí hằng ngày. Theo thống kê của NAA, tỉ lệ sử dụng trang web của các tờ báo tại Mỹ tăng gần 16% trong quý ba lên mức trung bình hơn 68 triệu lượt truy cập/tháng.
Báo CSM là một điển hình. Dù lượng phát hành báo giấy liên tục sụt giảm nhưng tỉ lệ truy cập trang web của báo liên tục gia tăng, và hiện đạt mức 5 triệu lượt truy cập/tháng.
Báo Chicago Tribune dẫn lời biên tập viên CSM John Yemma khẳng định: “Báo mạng có tốc độ cập nhật thông tin nhanh hơn và đang mở rộng phạm vi phủ sóng, đặc biệt là trong giới trẻ”. Một chuyên gia nhận định: “Ngành công nghiệp ôtô và ngành báo chí cùng có một vấn đề. Đó là khách hàng lớn tuổi thì thích những sản phẩm cũ, còn khách hàng trẻ thích những cái mới”.
Một lợi thế nữa của báo mạng là chi phí rất rẻ so với báo in. Vậy tương lai báo chí Mỹ sẽ là báo mạng? AP dẫn lời nhà phân tích Rick Edmonds của Viện Poynter nhận định dù chưa rút ra kết luận nhưng ngành công nghiệp báo chí sẽ theo dõi động thái của CSM.
“Nếu CSM thành công, có thể các tờ báo khác sẽ xem xét bước đi đó”, ông Edmonds dự báo.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, nhiều chuyên gia nhận định các tờ báo Mỹ khó lòng tiếp bước CSM. Nguyên nhân đơn giản, theo New York Times, hiện tại tới 90% doanh thu từ phát hành và quảng cáo của các tờ báo Mỹ vẫn xuất phát từ báo in, trong khi doanh thu trên mạng còn “rất nhiều năm nữa” mới có thể đuổi kịp báo in.
Biên tập viên Yemma của CSM cũng thừa nhận “không hề có viên đạn thần kỳ” trên mạng. “Hoạt động đạt hiệu quả duy nhất vẫn là làm báo chất lượng cao và biến trang web của báo trở thành địa điểm mà mọi người có thể tìm thấy tin tức cập nhật liên tục”.
* Theo báo cáo của Cục kiểm toán phát hành công bố ngày 27/10, tổng số phát hành ngày thường trong tuần của toàn bộ 507 tờ báo ngày đã giảm 4,6% so với năm ngoái, chỉ còn hơn 38 triệu bản. Số chủ nhật giảm nhiều hơn: 4,8% xuống còn 43,6 triệu bản. Lượng phát hành của 16/25 tờ báo lớn nhất giảm hơn 5%. Để tăng doanh số, nhiều báo phải tăng giá bán khiến lượng phát hành càng sụt thêm. Trong số những tờ báo lớn nhất thì USA Today và Wall Street Journal vẫn giữ được lượng phát hành, còn New York Times giảm 3,6%, Los Angeles Times giảm 5,2%.
Hiếu Trung (Tuổi Trẻ)
Cuối tháng Mười, làng báo chí Mỹ đón nhận một tin tức chấn động: nhật báo hàng đầu Christian Science Monitor (Người hướng dẫn khoa học Cơ Đốc giáo - CSM) sẽ đình bản in hằng ngày từ tháng 4/2009. Như vậy, CSM là tờ báo nổi tiếng, phát hành toàn quốc đầu tiên tại Mỹ buộc phải đình bản do gánh nặng tài chính.
Hoạt động chủ yếu của CSM thời gian tới sẽ chỉ tập trung vào mảng báo mạng.
Với 18 văn phòng đại diện nước ngoài, CSM rất nổi tiếng với những tin bài quốc tế, đặc biệt là về khu vực Trung Đông. Tính đến nay, CSM đã đoạt bảy giải thưởng báo chí Pulitzer và hàng trăm giải thưởng khác. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1970, lượng phát hành của CSM trên toàn quốc lên đến 223.000 bản/ngày. CSM cũng là một trong những tờ báo đầu tiên tại Mỹ mở bản online vào năm 1995.
Tuy nhiên, theo AP, thời gian qua lượng phát hành của CSM liên tục giảm và hiện chỉ còn ở mức 50.000 bản/ngày. Trong năm tài khóa vừa qua, CSM đã thua lỗ tới 18,9 triệu USD và phải cần 12,1 triệu USD trợ cấp từ tổ chức Church of Christ, Scientist. Ngoài việc thu hẹp hoạt động, CSM sẽ phải sa thải 10-15% trong số 95 nhân sự của báo.
Sự suy sụp của CSM đã khiến cả làng báo Mỹ rúng động. AP dẫn lời ông Dave Aeikens, Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo chuyên nghiệp Mỹ, than thở: “Thật đáng buồn khi chứng kiến một tờ báo lớn như CSM phải đình bản”.
“Bầu trời sụp đổ”
Trên thực tế, CSM không phải là tờ báo duy nhất thu hẹp hoạt động thời gian qua. AP cho biết mới đây, báo Capital Times của thành phố Madison, bang Wisconsin đã đình bản in để chuyển hẳn thành báo mạng. Tờ Daily Telegram, cũng ở bang Wisconsin, chỉ còn ra hai số một tuần. Nhiều tờ báo ở bang Ohio cũng đã ra số của ngày thứ hai cuối cùng vào tuần trước.
Không chỉ vậy, thời gian qua hàng loạt tờ báo Mỹ buộc phải cắt giảm nhân sự đáng kể. Cũng cuối tháng Mười, Gannett, tập đoàn báo chí lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố sẽ phải sa thải 10% trong tổng số 46.100 nhân viên vào đầu tháng mười hai tới.
Trước đó vào tháng Tám, Gannett cũng sa thải khoảng 1.000 nhân sự. Gannett, có trụ sở tại Virginia, là tập đoàn xuất bản báo USA Today và 84 báo khác, cùng gần 900 ấn phẩm. Gannett cũng sở hữu 32 đài truyền hình. Trong khi đó, Tập đoàn xuất bản tạp chí lớn nhất thế giới Time Inc, sở hữu tạp chí Time, Fortune, People và Sports Illustrated... dự kiến sẽ loại 600 nhân sự.
Con số “nạn nhân” không hề dừng lại. Báo Los Angeles Times thông báo sẽ loại 75 người trong tòa soạn, lần cắt giảm nhân sự thứ hai trong vòng bốn tháng qua. Star-Ledger, báo lớn thứ 15 tại Mỹ suýt nữa phải đóng cửa, đã trụ lại được với cái giá là mất 40% lực lượng biên tập.
Hai tuần trước, tạp chí nổi tiếng TV Guide bị bán với giá tượng trưng 1 USD, chưa bằng giá bìa của một tờ tạp chí này. Đến nỗi tờ New York Times phải lên tiếng than thở: “Bầu trời đang sụp đổ”.
Theo chủ tịch Gannett Robert Dickey và biên tập viên Los Angeles Times Russ Stanton, cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế là yếu tố chính khiến báo chí Mỹ sụt giảm lượng phát hành và sa thải nhân sự. Trong thời buổi khó khăn, người dân Mỹ trở nên ngần ngại hơn trong việc bỏ tiền mua báo. Hậu quả là doanh thu từ quảng cáo và phát hành - nguồn thu chính của hầu hết các tờ báo và tạp chí - đang suy giảm nghiêm trọng.
Quý 3 vừa qua, tổng doanh số của Gannett giảm 9%, lợi nhuận giảm 33%. Ở New York Times lợi nhuận giảm tới 51%, doanh số giảm 9%, đặc biệt doanh thu quảng cáo giảm 16%. Doanh số quảng cáo của Time Inc. cũng mất 9% trong sáu tháng đầu năm...
Các chuyên gia dự báo tình hình năm 2009 cũng sẽ ảm đạm chẳng kém gì năm nay.
Báo mạng lên ngôi?
Ngoài lý do kinh tế, còn có một nguyên nhân nữa khiến báo giấy tại Mỹ lao đao. Đó là sự trỗi dậy của báo mạng. AP dẫn lời ông Randy Bennett, Phó chủ tịch Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA), nhận định hiện tại người đọc báo sẵn sàng bỏ thói quen đọc báo giấy mỗi buổi sáng bởi họ có một sự lựa chọn rẻ tiền hơn rất nhiều, gần như miễn phí là mạng Internet.
Chẳng cần đến máy vi tính, chỉ với một điện thoại hỗ trợ truy cập mạng Internet là người ta tha hồ theo dõi tin tức báo chí hằng ngày. Theo thống kê của NAA, tỉ lệ sử dụng trang web của các tờ báo tại Mỹ tăng gần 16% trong quý ba lên mức trung bình hơn 68 triệu lượt truy cập/tháng.
Báo CSM là một điển hình. Dù lượng phát hành báo giấy liên tục sụt giảm nhưng tỉ lệ truy cập trang web của báo liên tục gia tăng, và hiện đạt mức 5 triệu lượt truy cập/tháng.
Báo Chicago Tribune dẫn lời biên tập viên CSM John Yemma khẳng định: “Báo mạng có tốc độ cập nhật thông tin nhanh hơn và đang mở rộng phạm vi phủ sóng, đặc biệt là trong giới trẻ”. Một chuyên gia nhận định: “Ngành công nghiệp ôtô và ngành báo chí cùng có một vấn đề. Đó là khách hàng lớn tuổi thì thích những sản phẩm cũ, còn khách hàng trẻ thích những cái mới”.
Một lợi thế nữa của báo mạng là chi phí rất rẻ so với báo in. Vậy tương lai báo chí Mỹ sẽ là báo mạng? AP dẫn lời nhà phân tích Rick Edmonds của Viện Poynter nhận định dù chưa rút ra kết luận nhưng ngành công nghiệp báo chí sẽ theo dõi động thái của CSM.
“Nếu CSM thành công, có thể các tờ báo khác sẽ xem xét bước đi đó”, ông Edmonds dự báo.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, nhiều chuyên gia nhận định các tờ báo Mỹ khó lòng tiếp bước CSM. Nguyên nhân đơn giản, theo New York Times, hiện tại tới 90% doanh thu từ phát hành và quảng cáo của các tờ báo Mỹ vẫn xuất phát từ báo in, trong khi doanh thu trên mạng còn “rất nhiều năm nữa” mới có thể đuổi kịp báo in.
Biên tập viên Yemma của CSM cũng thừa nhận “không hề có viên đạn thần kỳ” trên mạng. “Hoạt động đạt hiệu quả duy nhất vẫn là làm báo chất lượng cao và biến trang web của báo trở thành địa điểm mà mọi người có thể tìm thấy tin tức cập nhật liên tục”.
* Theo báo cáo của Cục kiểm toán phát hành công bố ngày 27/10, tổng số phát hành ngày thường trong tuần của toàn bộ 507 tờ báo ngày đã giảm 4,6% so với năm ngoái, chỉ còn hơn 38 triệu bản. Số chủ nhật giảm nhiều hơn: 4,8% xuống còn 43,6 triệu bản. Lượng phát hành của 16/25 tờ báo lớn nhất giảm hơn 5%. Để tăng doanh số, nhiều báo phải tăng giá bán khiến lượng phát hành càng sụt thêm. Trong số những tờ báo lớn nhất thì USA Today và Wall Street Journal vẫn giữ được lượng phát hành, còn New York Times giảm 3,6%, Los Angeles Times giảm 5,2%.
Hiếu Trung (Tuổi Trẻ)