11:43 16/07/2007

Lâu quá Thủ Thiêm!

Thách thức lớn nhất hiện nay của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm không phải là vốn mà là việc giải phóng mặt bằng

Khu đô thị Thủ Thiêm hiện nay - Ảnh: TT.
Khu đô thị Thủ Thiêm hiện nay - Ảnh: TT.
Đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thành hiện thực vào năm 2015, hay 2020, hay lâu hơn nữa? Câu trả lời có thể sẽ được lãnh đạo Tp.HCM đưa ra trong tháng 7 này khi xem xét thông qua kế hoạch đầu tư phát triển Thủ Thiêm (Viện Kinh tế Tp.HCM chấp bút).

>>Thủ Thiêm trong mắt nhà đầu tư

Tuy nhiên, theo Công ty Tư vấn Edaw, đơn vị hỗ trợ thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư và tài chính phát triển Thủ Thiêm, để có đô thị Thủ Thiêm vào năn 2020, ngay từ bây giờ chính quyền thành phố phải thay đổi cách đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thách thức lớn nhất hiện nay của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm không phải là vốn mà là việc giải phóng mặt bằng. Sự ì ạch trong đền bù giải tỏa đã gây tổn thất cho Nhà nước hơn 300 tỉ đồng và hơn thế, là các cơ hội thu hút đầu tư bị bỏ lỡ...

Sáng Chủ nhật, 8/7, bầu trời Thủ Thiêm mát dịu nước sông Sài Gòn, vậy mà lòng dạ của bà Trần Thị Ngọc Lệ lại như ran. Bà nói với vẻ giận dỗi: “Tui đăng ký nhận tiền bồi thường đã tám tháng rồi mà Nhà nước vẫn chưa chịu giải quyết”. Nhà bà Lệ ở số 140/13 Cây Bàng 2, phường Thủ Thiêm, thuộc diện giải tỏa để thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trường hợp của bà Lệ không phải ngoại lệ. Rất đông người dân ở ấp Cây Bàng cũng tỏ bày như vậy. Để thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp.HCM đã và đang phải di dời 12.323 hộ dân - đồng nghĩa với việc giải tỏa trắng ba phường An Khánh, An Lợi Đông, Thủ Thiêm. Các phường Bình Khánh, Bình An, Thạnh Mỹ Lợi, An Phú bị giải tỏa một phần; hay nói một cách dễ hình dung là di dời một nửa dân số quận 2.

Nhưng việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án này rất ì ạch - gây không ít bức xúc cho người dân và cả nhà đầu tư. Theo Ban Quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng chi phí đền bù ước tính khoảng 14.366 tỉ đồng (chưa kể 5.143 tỉ đồng chi phí phá dỡ, thu dọn và di dời), nhưng từ khi có chủ trương quy hoạch - xây dựng Thủ Thiêm đến cuối tháng 6/2007, hơn 10 năm, việc chi trả bồi thường mới được 2.267,037 tỉ đồng (khoảng 16%).

Ghi nhận ý kiến của một số hộ dân tại ấp Cây Bàng, phường Thủ Thiêm và khu phố 1, phường An Lợi Đông cho thấy, người dân ủng hộ chủ trương đô thị hóa Thủ Thiêm nhưng họ cũng lo cho cuộc sống sau giải tỏa. Riêng việc bồi thường, người dân đòi hỏi chính quyền phải công khai, rõ ràng và thủ tục nhanh gọn hơn.

Ông Đặng Công Chót, nhà không số, tổ 31, khu phố 1, đường Ven Sông, phường An Lợi Đông, bức xúc: “Hồ sơ nhà của tui nộp mấy tháng nay chưa được giải quyết. Tui hỏi cán bộ địa chính, họ nói lên phường, tui lên phường thì phường nói chờ thẩm tra hồ sơ pháp lý... Nhưng chờ đến khi nào thì phường không nói cho tui biết”.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Tp.HCM, cuối năm nay, quận 2 phải hoàn tất việc bồi thường cho người dân có đất bị giải tỏa ở Thủ Thiêm để đầu năm 2008 nhà đầu tư có thể triển khai dự án. Thế nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa thấy có sự chuyển biến lớn. Giữa tháng 6/2007, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân yêu cầu quận 2: cuối tháng 6/2007 phải có báo cáo về kế hoạch đền bù, nhưng đến nay kế hoạch này vẫn đang trong giai đoạn... tiếp tục xây dựng.

Ông Vũ Quốc Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm e ngại chỉ đạo (dứt điểm việc bồi thường vào cuối năm) của thành phố khó có thể thực hiện được. Vì từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng năm tháng nên rất khó có thể giải ngân để chi hơn 10.000 tỉ đồng - hơn 80% tổng số tiền bồi thường của dự án.

Theo một quan chức của Viện Kinh tế Tp.HCM: “Tiền thì thành phố có thể xoay xở, chỉ ngại công tác bồi thường”. Thực vậy, suốt thời gian vừa qua, việc đền bù giải tỏa được tiến hành theo kiểu dân muốn nhận tiền bồi thường thì đến chính quyền đăng ký. Cách làm rất quan liêu này là một trong những nguyên nhân khiến cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm chậm trễ.

Theo ông Khánh, nếu không có những giải pháp tích cực, mang tính đột phá về cơ chế và tăng cường nhân sự thực hiện thì sẽ không xoay chuyển được tình hình. Vấn đề chính hiện nay là kế hoạch thực hiện đền bù cần phải đồng bộ, chính sách đền bù phải minh bạch (với người dân) và cán bộ thực hiện đền bù phải có tâm sáng. Ông Khánh cho rằng, để đẩy nhanh được tiến độ bồi thường, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cần phải làm việc ngoài giờ...

Việc giải phóng mặt bằng đường Điện Biên Phủ trước đây được ông Khánh nêu ra như một bài học. Ông kể: khi đó Công ty Thanh niên xung phong thi công đường Điện Biên Phủ nhưng bị đình trệ vì quận Bình Thạnh không giải phóng mặt bằng được. Thiệt hại do chậm trễ rất lớn nên công ty đã xin quận Bình Thạnh ủy quyền giải quyết bồi thường cho người dân. Với cách làm việc minh bạch và nhiệt tình trong tiếp xúc với người dân (sẵn sàng tiếp dân vào cả buổi tối và ngày nghỉ) nên vấn đề nhanh chóng được giải quyết.

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm hoàn toàn có thể tăng cường nhân lực, kể cả làm việc ngoài giờ. Vì theo quy định, Ban bồi thường được trích ra số tiền 1,5-2% của tổng số tiền đền bù để trang trải chi phí. Ông Nguyễn Bình An, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý kinh tế, Viện Kinh tế Tp.HCM, cho rằng nếu đẩy nhanh được khâu giải phóng mặt bằng sẽ tiết kiệm được cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, đó là chưa nói đến việc tránh được thiệt hại do bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thu hút đầu tư.

Thật vậy, hiện nay, mỗi một ngày Nhà nước phải tốn hàng trăm triệu đồng tiền lãi vay thực hiện việc bồi thường. Đến cuối tháng 6/2007 số tiền lãi mà Nhà nước phải trả do chậm trễ trong bồi thường giải phóng mặt bằng khu đô thị mới Thủ Thiêm đã lên đến con số trên 300 tỉ đồng, theo ông Vũ Quốc Khánh.

Thủ Thiêm đã gần hơn?

Có thể nói khâu giải phóng mặt bằng là “chìa khóa” để đẩy nhanh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, nên thành phố vừa chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành để mở “ổ khóa gỉ sét”. Song song đó, thành phố cũng yêu cầu quận 2 và các ban ngành đẩy nhanh các dự án phục vụ tái định cư cũng như công tác đầu tư xây dựng khu trung tâm đô thị Thủ Thiêm - vì những công việc này bổ trợ cho nhau.

Động thái này phần nào làm ấm lòng không ít nhà đầu tư quan tâm đến Thủ Thiêm. Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của Ban Quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, có rất nhiều nhà đầu tư, nhà tư vấn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về quy hoạch và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Thủ Thiêm như tập đoàn GS Engeneering, GS Retail, Sama Dubai, Daekyung, Bouygues, TECO, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị, các đoàn của Lãnh sự quán Singapore, Thái Lan, New Zealand...

Đến nay, Ban quản lý đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn COTEC (Đài Loan) nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất phần mềm (khoảng 10 héc ta); với Sama Dubai nghiên cứu phát triển hoàn chỉnh một khu quy hoạch khoảng 50 héc ta bao gồm tháp quan sát và một số công trình khác trong phạm vi khu lõi trung tâm Thủ Thiêm.

Ngoài ra, Ban quản lý cũng đã làm việc với tập đoàn GS (Hàn Quốc) để nghiên cứu đầu tư một dự án văn phòng - thương mại - dịch vụ - nhà ở trên diện tích khoảng 4 héc ta.

Trong kế hoạch đầu tư và tài chính phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm do Edaw tư vấn (Viện Kinh tế Tp.HCM đang hoàn thiện), quá trình xây dựng Thủ Thiêm sẽ gồm ba giai đoạn: (i) từ 2007-2010 sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng; (ii) từ 2011-2015 tập trung xây dựng khu trung tâm Thủ Thiêm; (iii) 2016-2020 hoàn thiện khu đô thị.

Trước mắt trong giai đoạn 2007 -2010 thành phố sẽ đầu tư 150 triệu đô la Mỹ để thực hiện các dự án hạ tầng như san lấp mặt bằng (42 triệu), đường chính từ cầu Thủ Thiêm đến khu dân cư phía Bắc (29 triệu), đường chính từ cầu Thủ Thiêm đến Hồ trung tâm (18,5 triệu), hạ tầng công cộng (25 triệu), đại lộ vòng cung (12 triệu), cầu qua kênh rạch (23 triệu)...

Để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố đã chỉ đạo thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công ty này sẽ sử dụng 64 héc ta đất dọc đại lộ Đông - Tây (phía quận 2) để huy động nguồn vốn từ thị trường chứng khoán.