12:04 16/01/2013

Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng “căng thẳng” quá

Nguyên Vũ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt quy trình hướng dẫn lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Một nội dung chưa nhận được sự đồng tình của một số vị ủy viên Ủy ban 
Thường vụ Quốc hội là việc xác minh, trả lời về những vấn đề đại biểu 
Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân yêu cầu làm rõ trong lấy phiếu tín 
nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - Ảnh: CTV.</span>
<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Một nội dung chưa nhận được sự đồng tình của một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc xác minh, trả lời về những vấn đề đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân yêu cầu làm rõ trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - Ảnh: CTV.</span>
Yêu cầu phải thực chất, song không tạo ra căng thẳng, dường như đã khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm nhiều băn khoăn khi hướng dẫn quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đã cho ý kiến lần đầu tại phiên họp tháng trước, sáng 16/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại tiếp tục bàn thảo trước khi thông qua nghị quyết hướng dẫn thi hành nội dung nói trên.

“Khẩn trương thay thế người có tín nhiệm thấp”


Theo dự thảo nghị quyết, trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân có trách nhiệm trình Quốc hội, hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó đã có đơn xin từ chức.

Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, hội đồng nhân dân tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đề nghị nếu lấy phiếu tín nhiệm kết quả thấp thì bỏ phiếu tín nhiệm luôn, và bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì nên bãi nhiệm miễn nhiệm luôn trong cùng một kỳ họp.

Vẫn “tha thiết phải hướng dẫn cho chắc tay để cả nước làm cho thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải hướng dẫn kỹ hơn việc từ chức với người được tín nhiệm thấp, vì 2/3 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì “rõ ràng là có vấn đề, cần thay thế rồi”.

Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm người tín nhiệm thấp, theo Chủ tịch nếu kịp về quy trình thì có thể tiến hành ngay kỳ họp đó, còn nếu không kịp thì “chậm nhất là tiến hành ở kỳ họp tiếp theo”. Vì “có trường hợp phải họp cả Ban chấp hành Trung ương”. Có thể quy định mềm mại hơn, nhưng “tinh thần là phải khẩn trương thay thế người có tín nhiệm thấp”, Chủ tịch nhấn mạnh.

“Làm quá kỹ thì quá phức tạp”


Một nội dung chưa nhận được sự đồng tình của một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc xác minh, trả lời về những vấn đề đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân yêu cầu làm rõ trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo dự thảo, chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nếu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thấy cần phải làm rõ những vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản cho đại biểu. Trường hợp chưa xác minh được thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân cho trả lời trong thời gian gần nhất trước ngày lấy phiếu tín nhiệm lần sau.

“Quy định thế này thì căng thẳng quá, còn hơn ra ứng cử đại biểu Quốc hội, phải xác lập thời điểm dừng xác minh chứ còn quy định thời gian trả lời sang cả lần sau thì người được yêu cầu xác minh “đảm bảo sẽ rớt”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai quan ngại.

Trước ý kiến của bà Mai, một số vị khác cũng cho rằng một số quy định với người được lấy phiếu “dễ gây căng thẳng”, nếu thực hiện không khéo thì “đang yên có khi lại rối lên”.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, quy định đó là hợp lý, vì với người ứng cử Quốc hội có thể ngừng xác minh khiếu nại trước 10 ngày để tiến hành bầu nhưng sau đó vẫn tiếp tục xác minh.

Nghiêng về quan điểm thảo luận của một số vị ủy viên, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng nên viết lại nội dung nói trên đơn giản hơn, vì nếu “làm quá kỹ thì quá phức tạp”. Ông cũng yêu cầu hướng dẫn thêm về quy trình từ chức với người được tín nhiệm thấp để dễ thực hiện.