02:13 07/12/2009

“Lỗ hổng” vàng

“Cơn sốt” vàng ngày 11/11 đã qua đi, nhưng những nguyên nhân gây ra nó vẫn còn đó và âm ỉ bùng phát

Cơn sốt giá vàng vừa qua đã làm bộc lộ rõ những lỗ hổng trong chính sách điều hành kinh doanh vàng trên tài khoản.
Cơn sốt giá vàng vừa qua đã làm bộc lộ rõ những lỗ hổng trong chính sách điều hành kinh doanh vàng trên tài khoản.
“Cơn sốt” vàng ngày 11/11/2009 đã qua đi, nhưng những nguyên nhân gây ra nó vẫn còn đó và âm ỉ bùng phát bởi các lỗ hổng trong chính sách tiền tệ liên quan đến quản lý, điều hành kinh doanh vàng trên tài khoản của Ngân hàng Nhà nước.

Khi ngân hàng được mở tài khoản vàng...

Huy động và cho vay vàng là một trong những hoạt động đã có từ nhiều năm trước của ngân hàng thương mại. Thường người ta vay vàng để thực hiện các giao dịch nhà đất. Vào năm 2003, thị trường nhà đất đóng băng, vàng cho vay yếu hẳn, một khối lượng lớn vàng từ gửi tiết kiệm của dân tồn đọng ở ngân hàng. Để tháo gỡ sự tồn đọng đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được chuyển tối đa 30% vốn huy động bằng vàng thành tiền để cho vay.

Vào thời điểm ấy, đấy là một quyết định đúng. Nhờ chuyển đổi vàng, các ngân hàng có thêm nguồn cung tiền đồng. Tuy nhiên, khi ngân hàng bán thì có thể giá vàng ở mức thấp, khi mua lại để trả cho dân thì giá cao. Giá càng cao, nguy cơ ngân hàng lỗ càng hiển hiện. Giới ngân hàng bắt đầu nghĩ đến các công cụ bảo hiểm rủi ro cho giá vàng. Đầu năm 2004, Ngân hàng Nhà nước chọn lọc và cho phép một số ngân hàng mở tài khoản vàng tại Thụy Sỹ. Trước đó việc mở tài khoản vàng ở nước ngoài chưa từng xảy ra.

Có tài khoản vàng ở Thụy Sỹ, các ngân hàng kinh doanh dễ dàng hơn. Thí dụ ngân hàng XYZ bán 1 tấn vàng miếng (vàng vật chất) trong nước, họ có thể mua ngay lại 1 tấn vàng trên tài khoản. Như vậy, trạng thái vàng của XYZ sẽ cân bằng với điều kiện họ được phép nhập khẩu để 1 tấn vàng trên tài khoản kia trở thành 1 tấn vàng vật chất.

Còn nếu không được nhập, thì 1 tấn vàng vật chất bán ra trong nước chỉ được bảo hiểm rủi ro về giá, mà không được bảo hiểm rủi ro thanh khoản, trong khi chính thanh khoản góp phần tạo nguồn cung cho thị trường vàng. Song, việc cho nhập vàng là điều cần cân nhắc vì ngoại tệ đâu mà nhập?

Từ môi giới nội địa thành tay chơi quốc tế

Cuối năm 2007 - đầu năm 2008 các kênh đầu tư mất dần sức hấp dẫn. Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do thấp hơn giá niêm yết của ngân hàng. Có ngày người dân mang ngoại tệ đến bán, ngân hàng từ chối mua. Chứng khoán tụt dốc và hứa hẹn lao dốc dài dài. Bất động sản phập phù. Ý tưởng lập sàn vàng manh nha trong giới kinh doanh kim loại quý.

Khởi thủy hoạt động của sàn vàng đơn giản chỉ là sự khớp lệnh giữa người bán - người mua. Đó là một sàn vàng vật chất đúng nghĩa, nhưng đơn điệu, ít người tham gia và không được mấy ai quan tâm. Để tạo sức hút cho sàn vàng, các chủ đầu tư, mà chủ yếu là các ngân hàng, bắt đầu sử dụng các công cụ phái sinh.

Thay vì chỉ ở vai trò môi giới, liên kết người mua kẻ bán theo kiểu “ai bán tôi mua, ai mua tôi bán”, chủ các sàn vàng trở thành tay chơi trung gian giữa thị trường trong và ngoài nước.

Việc mở tài khoản vàng ở Thụy Sỹ đã cho họ cơ hội thực hiện điều đó. Trên sàn, nếu nhà đầu tư bán ra 3 tấn vàng, mua vào 1 tấn, thì các ngân hàng đứng ra mua 2 tấn chênh lệch. Để cân bằng trạng thái, họ sẽ bán 2 tấn vàng qua tài khoản nước ngoài. Ngược lại, trường hợp nhà đầu tư mua nhiều, bán ít, ngân hàng bán ra 2 tấn vàng và mua bù 2 tấn qua tài khoản.

Vấn đề là ở chỗ nếu ngân hàng mua vàng trong nước giá cao, mua xong giá quốc tế lên, không mua lại vàng trên tài khoản thì trạng thái vàng của họ âm, còn mua thì lỗ. Để chặn sự lỗ ấy, sàn vàng đôi lúc “ngẫu nhiên” bị sập vì sự cố kỹ thuật.

Giá quốc tế càng biến động, các sàn vàng nội địa càng nhộn nhịp. Lẽ ra khi đó, Ngân hàng Nhà nước - đơn vị cấp phép cho các tổ chức tín dụng và công ty kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài - phải xem xét lại, bổ sung thêm cơ sở pháp lý của việc trên.

Nhưng việc kiểm tra, xem xét lại, bổ sung thêm đã không diễn ra. Rõ ràng chúng ta đang thiếu một khuôn khổ pháp lý kịp thời nhằm điều chỉnh vai trò môi giới “xuyên quốc gia” của các công ty kinh doanh vàng hoặc các tổ chức tín dụng được mở tài khoản vàng ở nước ngoài.

“Trái tim ký quỹ” của vàng

Việc Ngân hàng Nhà nước khống chế mức chuyển đổi tối đa 30% khối lượng vàng huy động thành tiền đối với các ngân hàng là một rào cản vững chắc để ngăn chặn rủi ro. Tuy nhiên, các phòng (bộ phận) kinh doanh vàng của các công ty vàng bạc đá quý và ngân hàng đã vô hiệu hóa mức khống chế ấy thông qua việc cho khách hàng vay vàng để bán. Người chuyển đổi vàng thành tiền bây giờ không phải là ngân hàng nữa, mà chính là khách hàng vay.

Giả sử một khách hàng có sổ tiết kiệm 7 lượng vàng SJC (tương đương 189 triệu đồng nếu giá vàng là 27 triệu đồng/lượng). Anh ta ký quỹ sổ tiết kiệm đó và vay được 100 lượng (mức ký quỹ của đa số các ngân hàng hiện là 7%. Một số sàn vàng có ngân hàng đứng sau hỗ trợ, mức ký quỹ còn thấp hơn, từ 3-5%). Bán ngay 100 lượng vàng vay, anh ta có thể có trong tay 2,7 tỉ đồng. 2,7 tỉ đồng đó anh ta lại nộp vào tài khoản cá nhân của chính mình ở ngân hàng, nâng mức tài sản đảm bảo cho khoản vay lên 2,889 tỉ đồng (2,7 tỉ + 189 triệu đồng).

Khi bán vàng như thế, khách hàng kỳ vọng giá xuống sẽ mua lại vàng trả ngân hàng. Nhưng không ngờ giá lên. Mỗi khi giá lên thêm một nấc, anh ta phải nộp thêm tiền ký quỹ. Đến một nấc giá nào đó, anh ta không còn tiền để nộp, buông xuôi. Ngân hàng sẽ xử lý bằng cách lấy tiền tài sản đảm bảo của anh ta mua lại 100 lượng vàng. Khi ngân hàng mua vàng, nhu cầu tăng vọt vì nhiều khách hàng cũng ở trong tình trạng tương tự như anh ta và đây là nhu cầu thực.

Cái ảo là ở chỗ anh ta đã “tay không bắt giặc”, thực chất anh chỉ có 7 lượng vàng trong tay, nhưng anh đã bán tới 100 lượng. Ngày 11/11/2009, có ngân hàng cổ phần đã bán ra tới 5 tấn vàng cho khách hàng để xử lý các hợp đồng vay vàng để bán. Lúc đó, có hàng chục công ty kinh doanh vàng và ngân hàng phải xử lý hợp đồng, đẩy nhu cầu mua vàng tăng tới 30-40 tấn chỉ trong vòng chưa đầy sáu giờ đồng hồ từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều ngày 11/11.

Trên thực tế, khi vay được 100 lượng, khách hàng bán ra thị trường. Người mua có thể là người dân, ngân hàng, công ty vàng bạc đá quý... Các tổ chức kinh doanh vàng lại bắt đầu vòng quay bán ra thị trường quốc tế qua tài khoản vàng, hoặc vàng tự “chảy ra” khỏi biên giới qua xuất lậu nếu giá nội địa thấp hơn giá quốc tế, hoặc người dân mua và cất giữ tại nhà. Quan trọng là 100 lượng vàng bán ra đó không còn là một lượng cung tiềm năng nguyên vẹn.

Vào thời điểm xử lý các hợp đồng do khách hàng cắt lỗ, ngân hàng phải mua lại 100 lượng vàng, nhưng lượng cung lại không còn nguyên vẹn và hậu quả là cầu tăng, giá được đẩy lên. Cầu nổi lên, trong khi cung không nổi lên đủ hoặc thậm chí không “xuất đầu lộ diện” và sự mất cân đối cung - cầu là không tránh khỏi.

Cái gốc của vấn đề mất cân đối cung - cầu vàng chính là ở đòn bẩy tài chính: mức ký quỹ quá thấp. Với mức ký quỹ chỉ 7%, các ngân hàng đã tạo cho khách hàng (nhà đầu tư) một điểm tựa để bẩy lên cả một “quả (nhu) cầu vàng” như Acsimet đã nói. Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý trực tiếp các tổ chức tín dụng - đã không hề có một khung pháp chế, thậm chí không hề có một quy định nào trong an toàn tín dụng, để hạn chế đòn bẩy ghê gớm này.

Trong các thông cáo báo chí định kỳ hàng tuần, hàng tháng trên website của mình, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ công bố dư nợ tín dụng bằng vàng. Theo một số ngân hàng, dư nợ tín dụng bằng vàng có thể đã tăng ở mức hai con số trong nhiều tháng trở lại đây. Chúng ta đang nỗ lực từng bước hạn chế hiện tượng đô la hóa, nhưng hiện tượng “vàng hóa” lại đang có khả năng lan rộng!

Bịt “lỗ hổng” vàng

Sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng thông qua động thái cho nhập vàng có lẽ chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc “cơn sốt” vàng vẫn chưa được trừ tiệt dứt điểm. Một cựu quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước nói với chúng tôi rằng từ nhiều năm nay chúng ta đã có Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng nằm trong quỹ dự trữ ngoại hối và quỹ này thuộc quyền sử dụng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông cho biết trước đây Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng có khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên gần đây nó đã tăng lên theo mức tăng của quỹ dự trữ ngoại hối. Trong trường hợp quỹ bình ổn sử dụng hết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xin Chính phủ cho điều chuyển từ quỹ dự trữ ngoại hối sang theo tỷ lệ hợp lý.

Theo ông, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng một lượng ngoại tệ đáng kể từ quỹ bình ổn để ổn định tỷ giá. Trong “cơn sốt” vừa qua, tại sao Ngân hàng Nhà nước đã không sử dụng quỹ bình ổn đó để ổn định giá vàng? Xin nhắc lại tên đầy đủ của quỹ là “Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng”, chứ không phải chỉ có “tỷ giá”!

Song không có quỹ bình ổn nào đủ lớn để can thiệp vào thị trường vàng nếu không đi kèm các biện pháp quyết liệt. Cùng với việc kiểm tra, thanh tra tín dụng vàng, đã đến lúc cơ quan quản lý ngành ngân hàng phải xem lại quy định cho vay vàng của tổ chức tín dụng, như đối tượng vay vàng là ai? Vay vàng làm gì? Vay vàng để bán có được không? Nếu được, thì đến mức độ nào? Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ tỷ lệ ký quỹ khi vay vàng. Thí dụ tỷ lệ ký quỹ khi vay vàng là 80-100%, liệu khách hàng có vay không?

Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng và doanh nghiệp có tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét số dư nợ hoặc có (bản chất là trạng thái short (bán) hoặc long (mua) của các đơn vị này).

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng cần khống chế doanh số, quy mô chuyển hóa trên tài khoản vàng. Một mức khống chế quy mô hợp lý sẽ giúp giảm khả năng đầu cơ một khi giá vàng biến động. Điều này, chỉ Ngân hàng Nhà nước mới có thể làm được vì Ngân hàng Nhà nước là nơi cấp phép cho các ngân hàng, doanh nghiệp mở tài khoản vàng ở nước ngoài.

Quy định mở tài khoản vàng tính từ đầu năm 2004 đến nay đã gần sáu năm, nhưng không hề được sửa đổi, bổ sung, làm mới để theo kịp diễn tiến tài chính trong, ngoài nước. Nó gần như bị lãng quên hoàn toàn.

Hải Lý (TBKTSG)