08:39 09/04/2007

Lo lắng cho xuất khẩu 2007

Minh Quang

Kết quả xuất khẩu của Việt Nam ba tháng đầu năm đang làm các nhà quản lý thương mại quốc gia lo lắng

Gạo xuất khẩu giảm không chỉ về số lượng mà cả giá cả - Ảnh: TT.
Gạo xuất khẩu giảm không chỉ về số lượng mà cả giá cả - Ảnh: TT.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong ba tháng đầu năm đạt 10,48 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này đang làm các nhà quản lý thương mại quốc gia lo lắng, bởi nếu tăng trưởng xuất khẩu trong những quý tiếp theo vẫn giữ tốc độ này thì chuyện gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế ai cũng có thể dự đoán...

Cuộc họp giao ban hồi cuối tuần qua của Bộ Thương mại với các doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan quản lý thương mại địa phương của khu vực phía Nam trở thành buổi kêu gọi doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu hơn là cuộc sơ kết quý thường kỳ vốn thường thấy ở cơ quan Nhà nước.

Thứ trưởng Lương Văn Tự, người chủ trì cuộc giao ban, liên tục đưa ra những câu hỏi tại sao trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): tại sao xuất khẩu trong những tháng đầu năm tăng trưởng quá thấp, tại sao thị trường thế giới vẫn ổn định mà hàng xuất khẩu tăng trưởng không nhiều?

Những đầu tàu chưa mạnh

Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng tháng trong ba tháng đầu năm chỉ đạt 3,49 tỷ USD so với kế hoạch phải đạt được là 3,96 tỷ USD.

Với kim ngạch này, tốc độ tăng trưởng của quý I chỉ xấp xỉ một nửa tăng trưởng trung bình một quý của cùng kỳ năm ngoái, đó là trên 30%. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong những tháng đầu năm giảm đáng kể hoặc có tốc độ tăng trưởng chậm chạp so với tiềm năng và nhất là trong điều kiện thị trường tương đối thuận lợi.

Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thế nhưng kim ngạch xuất khẩu trong ba tháng đầu năm có tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 17,6% so với mức tăng trưởng của quý I/2006 là 23,2%. Năm ngoái có 3,8 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép và năm nay đặt mục tiêu là 4 tỷ USD.

Tình hình hàng dệt may cũng tương tự mặc dù năm nay bắt đầu bỏ hạn ngạch đối với hàng dệt may vào các nước thành viên của WTO. Tốc độ tăng trưởng của ngành này trong ba tháng qua chỉ đạt 30,1% với kim ngạch là 1,65 tỷ USD trong khi đó quý I của năm ngoái tốc độ tăng trưởng là trên 31,2%.

Sự khác biệt giữa hai tốc độ tăng trưởng không lớn nhưng đây là ngành được kỳ vọng nhiều nhất trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây chính là ngành mà Việt Nam phải có những nhượng bộ trong đàm phán vào WTO.

Thủy sản cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mặc dù tăng trưởng quý I cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 11,9% và 7% nhưng đánh giá của Bộ Thương mại sự tăng trưởng này của thủy sản cũng như dệt may lẽ ra phải nhiều hơn để làm đầu tàu kéo kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Những ngành hàng nông nghiệp vốn làm nên tên tuổi Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đáng lo ngại. Gạo, cao su, tiêu, điều... là những mặt hàng xuất khẩu đưa Việt Nam vào hàng top những nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới. Thế nhưng xuất khẩu trong ba tháng đầu năm mặt hàng gạo đã không tăng mà còn giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay chỉ đạt 230 triệu USD, giảm 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt hàng cao su cũng giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng 200% của quý I năm ngoái thì tình hình xuất khẩu của cao su quý I năm nay đáng lo ngại.

Thiếu nguồn hàng cho xuất khẩu?

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo xuất khẩu giảm không chỉ về số lượng (số lượng giảm 43,3%) mà cả giá cả (trị giá giảm 35%) và điều này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Một đại diện của hiệp hội này trong cuộc họp giao ban với Bộ Thương mại đã nói rằng chủ trương hạn chế xuất khẩu gạo của Chính phủ vì vấn đề an ninh lương thực là nguyên nhân chiếm phần lớn trong việc xuất khẩu gạo giảm.

Song ông cũng cho biết tình hình dịch bệnh khiến cho mùa màng thất bát và kết quả là gạo tồn kho dự trữ cho xuất khẩu của quý I năm nay không nhiều như những năm trước chưa kể các vụ mùa thu hoạch khó đạt được sản lượng cao như vụ đông xuân chỉ đạt 70-80% gieo cấy.

Gạo là mặt hàng còn được bảo hộ trong WTO cho đến sau 2011. Sau thời điểm này các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được kinh doanh như các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Hiệp hội, khi đó khó khăn sẽ đe dọa các doanh nghiệp trong nước. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đồng ý với hiệp hội, nhưng họ lại cho rằng việc đưa ra mức giá trung bình xuất khẩu gạo của hiệp hội không phù hợp vì họ không chủ động được các hợp đồng kinh doanh, và nguyên nhân này cũng góp phần làm giảm sản lượng gạo xuất khẩu trong quý I năm nay.

Ngành dệt may cũng cái khó tương tự khi một số doanh nghiệp cho rằng việc khống chế giá xuất khẩu như một giải pháp hạn chế xuất khẩu nóng với giá thấp để cơ chế giám sát của Chính phủ Hoa Kỳ, đã hạn chế các đơn hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên điều các doanh nghiệp quan tâm nhiều đó là chuyện các đơn hàng của nước ngoài không còn được thuận lợi như trước khi bỏ quota ở thị trường Hoa Kỳ.

Đại diện một doanh nghiệp là Dệt may Phương Đông nói rằng những đơn hàng của các công ty lớn xuất sang Hoa Kỳ chỉ có đến tháng sáu, sau thời gian này không khách hàng nào dám đặt. Nguyên nhân là các doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ lo sợ cơ chế giám sát của Hoa Kỳ. Các đơn hàng dài hạn chỉ tập trung ở thị trường Châu Âu, Nhật...

Dệt may được kỳ vọng phải tăng kim ngạch 7-7,2 tỷ USD so với 5,8 tỷ USD năm ngoái. Để đạt được mục tiêu này ngành dệt may phải cố gắng rất nhiều ngoài chuyện đơn hàng còn phải kể đến lao động đang rất khan hiếm tương tự như giày dép.

Xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ thấp nếu không muốn nói là giảm so với những năm trước và việc xuất khẩu tăng hay giảm thay đổi theo từng thời kỳ không đáng lo lắng nhưng với tình hình hiện nay sự lo lắng không chỉ vì lý do này.

Ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương mại, cho biết dường như đang có dấu hiệu thiếu nguồn hàng xuất khẩu ở Việt Nam. Những nguồn hàng như gạo, cà phê, cao su, may mặc... .đuợc dự đoán không đủ hàng cho xuất khẩu của năm 2007. Những mặt hàng như chế biến, đồ gỗ, điện tử, giày dép ... không tăng như dự đoán và kỳ vọng của thời kỳ WTO.

Theo ông Dũng mức tăng trưởng xuất khẩu từ 10-14% phổ biến ở các ngành hàng trong mấy tháng qua và do đó tăng trưởng 20% là mục tiêu cực kỳ khó cho một số ngành chủ lực và cho cả kim ngạch quốc gia.

Ví dụ như mặt hàng cà phê, chỉ ba tháng đầu năm đã xuất khẩu 697 triệu USD, tăng 133,9% so với cùng kỳ. Và theo ông Dũng với sản lượng này cà phê chẳng còn nguồn hàng để xuất từ giờ đến cuối năm và phải đợi đến vụ mùa ba tháng cuối năm mới có hàng để xuất.

Thứ trưởng Lương Văn Tự nói rằng Bộ Thương mại đang rất lo lắng với kết quả đạt được trong những tháng đầu năm khi đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 48,76 tỷ USD cho năm nay. Tháo gỡ những khó khăn và những vướng mắc cho doanh nghiệp là nỗ lực mà Bộ Thương mại sẽ thực hiện với mong muốn thực hiện lời hứa với Chính phủ.