12:11 17/06/2021

Lo ngại dâng cao, dòng tiền sụt giảm mạnh

Kim Phong

Thị trường trong nước sáng nay chịu tác động kép, từ hoạt động tái cơ cấu danh mục và ngày đáo hạn phái sinh, trong khi chứng khoán thế giới có một đêm rực lửa...

Nhà đầu tư lo ngại VN-Index có thể đang hình thành mô hình 2 đỉnh giảm.
Nhà đầu tư lo ngại VN-Index có thể đang hình thành mô hình 2 đỉnh giảm.

Độ rộng rất hẹp trong nhóm blue-chips VN30 nhưng vẫn có một số cổ phiếu lớn cố gắng nâng đỡ VN-Index, giúp chỉ số này giảm nhẹ hơn 4 điểm. Tuy vậy dòng tiền đã tỏ rõ sợ lo ngại khi không còn mua bán sôi động như trước.

VN30-Index đang sụt giảm 11,13 điểm tương đương 0,76%, trong khi VN-Index giảm nhẹ 0,32%. Nguyên nhân là các cổ phiếu trụ tạo lực đẩy khác nhau và đặc biệt là GVR không thuộc VN30. Trong nhóm blue-chips, GAS, VCB, BID cũng đóng góp cho VN-Index nhưng yếu hơn đáng kể.

GVR tăng giá khá tốt từ đầu tháng 5 tới nay và đã lọt vào top 15 vốn hóa của chỉ số. Hôm nay GVR tăng 3,74%, quay lại đỉnh cao lịch sử đạt được hồi đầu năm 2021. “Cống hiến” gần 1,3 điểm cho VN-Index đã đưa GVR trở thành cổ phiếu có ảnh hưởng nhất thị trường.

Áp lực bán sáng nay không mạnh, nhưng thị trường tiếp tục thiếu nhóm dẫn dắt đủ sức tạo cảm hứng. Dầu khí dường như vẫn đang là những mã tăng tốt nhất, khi GAS chốt trên tham chiếu 1,85%, PLX tăng 1,61%, PVD tăng 3,28%, PVS tăng 3,29%, PVC tăng 0,83%.

Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng tăng tốt với VHC tăng 4,19%, MPC tăng 4,5%, ANV tăng 6,86%, ACL tăng 2,33%, CMX tăng 3,5%, FMC tăng 3,45%...

Mặc dù vậy các nhóm cổ phiếu này rất ít khả năng chi phối thị trường. Điều duy nhất tích cực là biến động giá nói trên thể hiện dòng tiền vẫn đang cố gắng tìm kiếm cơ hội. Thanh khoản kém thể hiện đây chỉ là dòng tiền nhỏ.

Cổ phiếu thủy sản tăng khá tốt trong phiên sáng nay.
Cổ phiếu thủy sản tăng khá tốt trong phiên sáng nay.

Trái lại, dòng tiền lớn vẫn tập trung tại các cổ phiếu quen thuộc, nhưng bộc lộ rất rõ sự suy yếu. Lần đầu tiên trong các phiên sáng kể từ đầu năm tới nay, sàn HoSE không có mã nào khớp tới 1.000 tỷ đồng. Siêu thanh khoản VPB sáng nay giao dịch “cực nhỏ” chỉ với 6,58 triệu cổ tương đương 432 tỷ đồng. Mức thanh khoản này chỉ tương đương nền thấp trong 3 tháng đầu năm nay, trước khi VPB bùng nổ giao dịch.

HPG giao dịch lớn nhất thị trường cũng mới chuyển nhượng 12,2 triệu cổ, trị giá 625,9 tỷ đồng. Đây cũng là mức thanh khoản rất kém. Các cổ phiếu ngân hàng thanh khoản hàng đầu là TCB, CTG, MBB STB cũng không mã nào đạt tới 500 tỷ đồng giá trị.

Thêm nữa, đà giảm giá vẫn lan khá rộng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. VCB tăng 0,48%, BID tăng 0,99% là hai blue-chips duy nhất lên giá. Còn lại ACB giảm 0,86%, CTG giảm 1,58%, HDB giảm 1,78%, MBB giảm 0,78%, STB giảm 0,86%, TCB giảm 1,38%, TPB giảm 0,84%, VPB giảm 2,1%. Nhóm ngân hàng nhỏ có LPB tăng 0,54%, NVB tăng 3,3%, trong khi nhiều mã khác cũng giảm sâu trên 1%.

Cổ phiếu chứng khoán cũng chỉ xuất hiện nỗ lực “bám trụ” tại SSI tăng 0,2%, VND tăng 0,47%. Các mã lớn khác giảm nhiều: HCM giảm 1,8%, MBS giảm 3,09%, SHS giảm 0,48%, VCI giảm 1,12%...

Đáng chú ý nhất là thanh khoản trên cả hai sàn đang có mức sụt giảm đáng kể. Rổ Vn30 giao dịch quá yếu, thấp hơn sáng hôm qua tới 33%, chỉ đạt 5.341,7 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp sàn HoSE giảm 23%, đạt 11.198,2 tỷ đồng. Mức giao dịch này là rất thấp chỉ tương đương giai đoạn trước khi sàn này được nâng cấp hệ thống và so với các phiên kỷ lục gần đây thì càng nhỏ.

Dòng tiền co rút lại nhưng cổ phiếu giảm chưa nhiều có thể xem là một may mắn, thể hiện áp lực từ phía bán chưa đột biến. HoSE ghi nhận 214 mã giảm/170 mã tăng và cũng chưa tới 100 mã giảm quá 1%. Chỉ số Midcap đang tăng nhẹ 0,28%, Smallcap tăng 0,2%. Độ rộng của cả hai rổ này khá cân bằng, cho thấy nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có sự chống đỡ tốt hơn nhóm blue-chips.

Yếu tố giảm thanh khoản là điều đáng lo ngại hơn lúc này, vì sự hưng phấn của các nhà đầu tư đã không còn như trước. Ắt hẳn phải có điều gì đó khiến họ lo ngại, vì không có lý gì thị trường đang cuồn cuộn thanh khoản 15-20 ngàn tỷ trong các phiên sáng gần đây, đột ngột co lại như vậy.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 142,4 tỷ đồng trên sàn HoSE và mua ròng khoảng 25,5 tỷ đồng sàn HNX. CTG bị xả lớn nhất với 114 tỷ đồng ròng. HPG, MBB, HSG, GEG, DXG, NVL, VIC bị bán khá lớn, tối thiểu trên 20 tỷ đồng. Phía mua có VRE nổi bật với 68 tỷ đồng ròng. VCB, KDC, VNM, GAS là những mã được mua ròng từ 20 tỷ đến 30 tỷ đồng.