08:48 09/06/2014

Lo Trung Quốc, Nhật-Australia hợp tác tàu ngầm

Diệp Vũ

Quan hệ an ninh giữa Nhật với Australia đang được tăng cường trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng

Một tàu ngầm của Nhật Bản.<br>
Một tàu ngầm của Nhật Bản.<br>
Nhật Bản và Australia sẽ có cuộc gặp nhằm tăng cường quan hệ quân sự trong tuần này, trong đó một thỏa thuận lớn về tàu ngầm có thể được ký kết giữa hai bên. Đây được cho là một động thái nằm trong sự chuyển biến về kiến trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối mặt với thách thức từ sự nổi lên của Trung Quốc.

Theo tin từ AFP, vào ngày thứ Tư (11/6) tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Itsunori Onodera sẽ tiếp hai người đồng cấp Australia tương ứng lần lượt là Julie Bishop và David Johnston trong vòng thứ 5 của cuộc đàm phán “2+2”.

Trọng tâm trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán này sẽ là các cuộc thảo luận về chuyển giao công nghệ tàu ngầm của Nhật cho Australia. Hiện Australia đang có nhu cầu thay mới đội tàu ngầm tàng hình của nước này trong vòng vài năm tới, với tổng chi phí được cho là lên tới 37 tỷ USD.

Với sự hợp tác Nhật-Australia, công nghệ Nhật, hoặc thậm chí là những con tàu ngầm do Nhật sản xuất, sẽ được sử dụng trong đội tàu ngầm của Australia. Thỏa thuận hợp tác này sẽ thắt chặt mối quan hệ an ninh giữa hai nước trong nhiều thập kỷ tới, tạo ra sự ràng buộc về chia sẻ bí quyết quân sự.

Quan hệ an ninh giữa Nhật với Australia đang được tăng cường trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong khu vực. Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông, dẫn tới sự quan ngại của quốc tế. Để đối phó với những bước đi mới của Trung Quốc, Nhật Bản đã đẩy mạnh thắt chặt quan hệ với nhiều nước ở châu Á, trong đó có các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong chuyến thăm tuần này, theo đề nghị của phía Australia, Tokyo sẽ đưa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Johnston nhìn tận mắt những con tàu ngầm của Nhật. Hai bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật và Australia cũng đã nhấn mạnh rằng, nhiều khung hợp tác về quân sự với sự tham gia của hai nước này cùng với Hàn Quốc và Mỹ giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh ở khu vực Đông Á.

Kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa Nhật Bản giữ một vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế. Trong đó, ông Abe đã nới lỏng các hạn chế về phạm vi hành động của quân đội nước này. Ngoài ra, ông Abe cũng nới lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, cho phép các công ty chế tạo vũ khí công nghệ cao của Nhật tìm chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.

Giới phân tích cho rằng, những động thái trên của Thủ tướng Abe không chỉ phục vụ cho mục đích tăng cường sức mạnh quân sự, mà còn nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh quan hệ ngoại giao của Tokyo. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp vũ khí sẽ cho phép Nhật Bản tự đáp ứng các nhu cầu trong trường hợp quân đội nước này cần gia tăng năng lực.

Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Phản ứng trước thực tế như vậy, Mỹ đã tăng cường năng lực quân sự của mình ở châu Á-Thái Bình Dương bằng cách đưa quân tới hoặc củng cố lực lượng đồn trú ở Australia, Nhật Bản, Philippines, Hawaii, và Guam, đồng thời nỗ lực đưa các nước đồng minh xích lại gần nhau.