10:59 25/02/2025

Lời hứa không áp thuế quan với ô tô Nhật của ông Trump sẽ ra sao?

Ngọc Trang

Lời hứa của ông Trump với cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào năm 2019 rằng sẽ không tăng thuế quan với ô tô Nhật đang nhận được sự quan tâm trở lại...

Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một thỏa thuận thương mại vào tháng 9/2019 - Ảnh: Reuters
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một thỏa thuận thương mại vào tháng 9/2019 - Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp thuế quan với ô tô nhập khẩu vào Mỹ sớm nhất từ ngày 2/4 tới. Lúc này, lời hứa của ông với cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào năm 2019 rằng sẽ không tăng thuế quan với ô tô Nhật đang nhận được sự quan tâm trở lại.

Vào tháng 9/2019, ông Abe và ông Trump đã ký một hiệp định thương mại Mỹ-Nhật và phát đi tuyên bố chung nói rằng các thỏa thuận sẽ được thực hiện “dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau”.

“Với việc thực hiện trung thực các thỏa thuận này, hai quốc gia sẽ hạn chế thực hiện các biện pháp trái với tinh thần của thỏa thuận cũng như Tuyên bố chung này”, Tuyên bố chung năm đó cho biết.

Với ông Abe, đây là một thành tựu lớn. Tại các cuộc họp báo sau đó và trước Quốc hội Nhật Bản, ông nhiều lần nhấn mạnh rằng đã xác nhận với ông Trump về các nội dung trong Tuyên bố chung, theo đó đồng nghĩa rằng Washington sẽ không tăng thuế quan với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật vào Mỹ.

“Lời hứa” giữa ông Trump và ông Abe cũng được dẫn lại trong một số tài liệu liên quan tới thương mại của Chính phủ Nhật thời gian qua.

“Đó là một lời hứa quan trọng với chúng tôi”, một quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói với tờ báo Nikkei Asia.

Theo các nhà phân tích, Tokyo đang tìm cách viện dẫn cam kết trên của ông Trump nhằm tránh bị áp thuế quan với ô tô xuất khẩu vào Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của vị Tổng thống.

Ông Yoji Muto, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, dự kiến sẽ sớm có chuyến làm việc tại Mỹ để thảo luận về lập trường của Nhật về vấn đề thương mại.

Theo các số liệu chính thức, dù Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại kỷ lục trong năm 2024, thâm hụt của nước này với Nhật gần như không thay đổi kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017. Bên cạnh đó, trong cuộc gặp với ông Trump tại Mỹ hồi đầu tháng này, Thủ tướng Shigeru Ishiba đã cam kết tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, đồng thời đặt mục tiêu tăng đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Mỹ lên 1 nghìn tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng Tokyo sẽ chứng minh rằng họ đã thực hiện trung thực các điều khoản về thương mại theo hướng đôi bên cùng có lợi được nêu trong thỏa thuận năm 2019. Nhưng hiện chưa rõ ông Trump có lập trường thế nào về cam kết của mình với ông Abe năm đó.

Trong tuyên bố về việc tăng thuế quan với ô tô nhập khẩu gần đây, ông Trump không cung cấp chi tiết về các quốc gia mục tiêu và cơ sở pháp lý cho việc áp thuế quan bổ sung.

Trên thực tế, thỏa thuận thương mại giữa ông Trump và ông Abe năm 2019 có thể bị hủy bỏ theo sắc lệnh điều hành “Chính sách thương mại vì nước Mỹ trên hết” mà ông Trump ký vào ngày nhậm chức 20/1.

Dù sắc lệnh này tập trung vào việc điều tra các thỏa thuận thương mại mà ông Trump xem là “có vấn đề” - như với Trung Quốc, Mexico và Canada, một điều khoản trong sắc lệnh cũng yêu cầu Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xem xét tất cả các thỏa thuận thương hiện có của Mỹ trước ngày 1/4. Theo đó, thỏa thuận Mỹ-Nhật năm 2019 cũng có thể là một mục tiêu.

Hiện tại, ông Trump đang đảo ngược các điều khoản trong Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico – Canada (USMCA) có hiệu lực từ năm 2020 với kế hoạch áp thuế quan 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ hai quốc gia láng giềng.

Sau khi hoãn thực thi kế hoạch này hồi đầu tháng, ngày 24/2, ông Trump cho biết sẽ thực thi "đúng thời hạn và đúng kế hoạch" việc áp thuế quan với hàng hóa Canada và Mexico bất chấp những cố gắng của hai nước trong việc tăng cường an ninh biên giới và ngăn chặn dòng chất cấm fentanyl vào Mỹ.