Luật Chứng khoán sửa đổi: Nâng cao điều kiện phát hành, giảm rủi ro đầu tư
Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ tăng gấp 3 lần và của doanh nghiệp chào bán trái phiếu cao gấp 30 lần so với luật hiện hành
Hội thảo "Đóng góp ý kiến đối với quy định của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)" do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 17/10 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các thành viên thị trường cho các nội dung sửa đổi quan trọng liên quan đến: chào bán chứng khoán, công ty đại chúng, công bố thông tin.
Đây là 3 nội dung quan trọng và có nhiều quy định mới đáng chú ý như: nâng cao điều kiện phát hành, nâng cao giá trị cổ phiếu và góp phần giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia góp vốn cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ tăng gấp 3 lần và của doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng cao gấp 30 lần so với luật hiện hành.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua năm 2019 được xây dựng với những tiêu chí cao hơn, quy định chặt chẽ hơn. Đây là điều kiện tiên quyết tạo đà cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời, góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ban soạn thảo đăng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lên website và lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong vòng 2 tháng.
Sau 13 năm thi hành Luật Chứng khoán, có thể nhận thấy thị trường chứng khoán có bước tiến dài, cả về mặt quy mô, chất lượng lẫn sự phức tạp, đặc biệt là đóng góp tích cực của thị trường chứng khoán vào nền kinh tế.
Nếu như năm 2006 khi Luật Chứng khoán mới ra đời, vốn hóa của thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 22% GDP thì thời điểm hiện tại, quy mô của thị trường cổ phiếu chiếm từ 77 – 80% GDP. Nếu cộng thêm thị trường trái phiếu chiếm 22% và trái phiếu doanh nghiệp được niêm yết trên 2 sàn chứng khoán, sẽ chiếm trên 100% GDP.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô thị trường chứng khoán rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trong nền kinh tế, giúp doanh nghiệp huy động vốn để phát triển. Nếu như thị trường chứng khoán không ra đời, rất nhiều doanh nghiệp khó có được bước phát triển vượt bậc như thời gian qua.
Mặt khác, nếu vào thời điểm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán, chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch thì đến nay, thị trường có gần 1.500 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, "tỷ lệ doanh nghiệp yếu kém ở thời điểm hiện tại nhiều hơn trước, quyền lợi và cơ hội nhà đầu tư phân tán hơn nhiều. Điều này đặt ra vấn đề, phải tạo khuôn khổ pháp lý thật sự phù hợp, để doanh nghiệp huy động vốn cho phát triển kinh doanh. Và điều quan trọng là, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, xây dựng lòng tin nhà đầu tư để nhà đầu tư yên tâm hơn, được bảo vệ tốt hơn", Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán được ban hành hơn 10 năm qua, nhờ đó, thị trường chứng khoán có bước phát triển vượt bậc. Luật Chứng khoán hiện hành cùng nhiều văn bản thi hành đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đồng bộ điều chỉnh mọi hoạt động trên thị trường.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mới phát sinh, có nhiều quy định lỗi thời, đòi hỏi Luật Chứng khoán phải sửa đổi nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững và đảm bảo tính công khai, minh bạch hơn.
Nâng điều kiện vốn tối thiểu lên 30 lần
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều. Về quy định chào bán chứng khoán ra công chúng, ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng: "về quy định chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, theo luật hiện hành, vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán là 10 tỷ đồng, quá thấp và không phù hợp với thị trường hiện nay. Bởi sau hơn 10 năm, quy mô doanh nghiệp tăng hơn 16 lần".
Bên cạnh đó, luật hiện hành chỉ yêu cầu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi 1 năm. Tuy nhiên, "có những doanh nghiệp trong nhiều năm trước lỗ rất lớn hay hoạt động kinh doanh có nhiều biến động, vì vậy, tính ổn định không cao, quy định hiện hành không còn phù hợp", ông Việt phân tích.
Đồng ý quan điểm trên, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô cho rằng dự thảo Luật Chứng khoán với nhiều quy định chặt chẽ hơn sẽ đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu rủi ro của các nhà đầu tư. Mức vốn điều lệ đảm bảo tối thiểu 30 tỷ đồng thay vì 10 tỷ đồng như Luật hiện tại.
Quy định chào bán trái phiếu ra công chúng cũng nâng điều kiện về vốn điều lệ của doanh nghiệp, từ mức 10 tỷ đồng theo luật hiện hành lên 300 tỷ đồng. Điều này buộc doanh nghiệp phải có đủ năng lực về tài chính và chứng minh được khả năng trả nợ cho trái chủ, mới được phép phát hành trái phiếu huy động vốn vay trái phiếu trên thị trường, góp phần nâng cao uy tín của các chủ thể tham gia thị trường tài chính.
Ngoài ra, về quy mô của loại hình công ty đại chúng, theo ông Nguyễn Tuấn Minh, Luật sư trưởng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), quy định mới theo hướng tích cực khi nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng và bổ sung điều kiện "có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông, sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ".
Tuy nhiên, theo ông Minh, cái khó là xác định trong số này thực sự phù hợp hay chưa và dựa vào yếu tố nào, các doanh nghiệp sẽ luôn đòi hỏi sự giải thích hợp lý từ các cơ quan quản lý khi tham gia thị trường.